Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kinh tế vẫn chưa hồi phục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế vẫn chưa hồi phục

Tấn Đức

Kinh tế vẫn chưa hồi phục
Sức mua trong ba tháng đầu năm giảm, và còn có thể tiếp tục giảm khi giá xăng trong nước đã tăng lên mức kỷ lục, hơn 24.500 đồng/lít, hôm 28-3. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Từ cuối năm 2012, cùng với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm giải tỏa khó khăn cho doanh nghiệp, kích thích sản xuất phát triển. Nhưng dường như những gì Chính phủ đã và đang làm vẫn chưa đủ để khôi phục niềm tin và mang lại luồng sinh khí mới cho thị trường.

So với quí 1-2012, tình hình hiện nay có một số yếu tố thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đó là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất tín dụng đang theo chiều hướng giảm, tỷ giá tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của quí 1 năm nay cũng chỉ đạt 4,89%, tuy có cải thiện so với mức 4,75% của cùng kỳ 2012, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với quí 3 (5,05%) và quí 4-2012 (5,44%).

Tương tự, mức tăng xuất khẩu dù vẫn giữ tốc độ hai chữ số 19,7% và cao hơn một chút so với năm 2012, nhưng giá xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản – nhóm hàng chủ lực của Việt Nam, lại đi xuống. Tuy vậy, ở đây có một điểm sáng, đó là tốc độ tăng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã cao hơn hẳn, tăng 10,1% so với 3,1% của năm 2012.

Vấn đề là sức mua

Vì sao kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, dù Chính phủ đã cố gắng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp? Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 của Chính phủ đưa ra lời giải đáp: “Tổng cầu giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao và áp lực của hàng nhập khẩu, nhất là từ thị trường Trung Quốc”.

Có thể thấy, sức mua của thị trường là yếu tố quan trọng nhất giúp phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, các chính sách của Chính phủ công bố và thực hiện trong thời gian qua hầu như chưa tác động được vào yếu tố này. Thậm chí, một số giải pháp điều hành về giá cả đối với các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu, như năng lượng, dịch vụ y tế, nước sạch, còn trực tiếp làm cho sức mua thị trường suy yếu thêm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất công nghiệp cho thấy giá cả nhóm hàng này từ quí 1-2012 đến nay khá ổn định. Mức tăng bình quân của ba tháng đầu năm nay so với quí 1-2012 chỉ là 3,04% và so với quí 4-2012 chỉ tăng 0,69%. Tương tự, chỉ số giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất cũng ổn định, chỉ tăng 3,36% so với quí 1-2012 và 0,98% so với quí 4-2012. Mặt bằng giá chung là như vậy, nhưng chỉ số giá điện thì không thấp như thế, mà nó đã  tăng tới 8,73% so với cùng kỳ 2012 và 3,79% so với quí 4-2012. Đó là gánh nặng với người dân và doanh nghiệp.

Tương tự, giá xăng dầu hiện nay cũng cao hơn khá nhiều so với thời điểm tháng 3 năm ngoái, dù khi ấy giá thế giới cao hơn hiện nay. Khác biệt là ở chỗ năm ngoái Chính phủ quyết định lùi thuế nhập khẩu xăng dầu về 0%, còn hiện nay thì không. Giá xăng dầu tăng tất yếu sẽ đẩy cước phí dịch vụ vận tải tăng theo. Đến cuối tháng 3-2013, theo Tổng cục Thống kê, cước vận tải đường sắt và đường bộ tăng tới 10,86% so với cùng kỳ và tăng 4,43% so với quí 4-2012. Đây là một gánh nặng nữa và với quyết định điều chỉnh giá xăng dầu mới đây, gánh nặng này sẽ còn nặng hơn.

Có lẽ giá cả của các sản phẩm nông nghiệp lao dốc mạnh mới là “đòn chí tử” đánh vào sức cầu vốn đã rất yếu ớt của thị trường. Đây chính là nguồn sống của hơn 60 triệu nông dân Việt Nam. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá bán hàng nông nghiệp của quí đầu năm nay giảm gần 8% so với cùng kỳ, trong đó giảm mạnh nhất là sản phẩm chăn nuôi, tới gần 12%. Chỉ số giá thủy sản nuôi trồng cũng giảm khá mạnh, gần 5%. Đáng quan tâm nhất là chỉ số giá bán dịch vụ nông nghiệp, tức là chi phí đầu vào của nông dân, lại tăng rất mạnh, tới 35,71%. Tình trạng rớt giá diễn ra cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu, cộng với chi phí đầu vào tăng nên nhiều ngành hàng quan trọng, như cá tra, lúa, mía, hạt điều… nông dân đang bị lỗ hoặc chỉ còn lãi rất ít.

Công nghiệp vẫn chưa thể gượng dậy

Điểm đáng chú ý nữa của kinh tế trong quí 1-2013 là công nghiệp vẫn rất èo uột, bất kể thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp trợ giúp mà nổi bật nhất là chính sách miễn, giảm và giãn thuế.

Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,9%, ít hơn tới 1 điểm phần trăm so với quí 1-2012. Trong đó, sản xuất và chế biến thực phẩm, ngành lớn nhất trong công nghiệp chế biến và chế tạo, chỉ tăng 3,1%, trong khi cùng kỳ tăng tới 11,8%.

Sản xuất đã giảm sút, nhưng không phải những gì doanh nghiệp làm ra đều có thể tiêu thụ được. Số liệu thống kê cho thấy, dù chỉ số hàng tồn kho tính đến thời điểm 1-3-2013 của công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm 3,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ, nhưng hàng tồn kho đang là ác mộng đối với doanh nghiệp. Báo cáo của Tổng cục Thống kê viết như sau: “Tỷ lệ giá trị hàng tồn kho so với giá trị sản xuất hàng tháng của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ tháng 7-2012 đến tháng 2-2013 luôn ở mức cao khoảng 69-93%, trong khi tỷ lệ tồn kho an toàn trong điều kiện sản xuất và tiêu thụ bình thường khoảng 65%. Những ngành đang có tỷ lệ tồn kho cao gồm: sản xuất xe có động cơ 147,3%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế 144,9%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 142%; sản xuất và chế biến thực phẩm 103%”. Cũng cần phải nói thêm, trong nhóm những ngành có tỷ lệ tồn kho cao, nhiều ngành có mặt trong nhóm có tốc độ tăng trưởng (sản xuất) cao trong quí đầu năm nay. Nghĩa là, tăng trưởng đối với những ngành này không còn là thành quả nữa, mà đã trở thành gánh nặng.

Tiêu thụ hàng hóa khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư phát triển của cả nền kinh tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng đầu tư phát triển toàn xã hội quí 1 năm nay chỉ khoảng 195.300 tỉ đồng. Trong khi đó, con số này của cùng kỳ là 197.700 tỉ đồng. Đáng chú ý, đầu tư của khu vực dân doanh đã giảm 1.500 tỉ đồng, xuống còn 70.000 tỉ, trong khi của khu vực nhà nước lại tăng gần 5.800 tỉ đồng với tổng đầu tư xấp xỉ 80.000 tỉ đồng.

Từ đó, có thể thấy con số thống kê về tăng nhập khẩu máy móc thiết bị của quí 1-2013 so với cùng kỳ có lẽ không xuất phát từ khu vực dân doanh, mà từ nhu cầu đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Số liệu trên còn cho thấy đầu tư công vẫn chưa giảm và tiếp tục là nguồn kích cầu lớn của nền kinh tế. Nếu hiệu quả của đầu tư công không tốt hơn, mà tiếp tục kém cỏi như những năm trước, thì đây không phải là tín hiệu tích cực của cả nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới