Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

KTSG 33-2022: Nghị quyết 18 và Luật Đất đai sửa đổi

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đa dạng đề tài kinh tế – xã hội theo dòng thời sự trong nước và trên thế giới sẽ xuất hiện trên KTSG bản in phát hành sáng mai, ngày 18-8.

Đó là những góc nhìn đa chiều về tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam, về Luật Đất đai sửa đổi, những nỗ lực phục hồi du lịch sau dịch bệnh, chuyện ngân hàng hết room tín dụng…, cho đến các câu chuyện về lương công chức, viên chức, về đời sống người lao động vùng sâu vùng xa, chuyện khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hay những thách thức “mục tiêu xanh” ở châu Á…

Các bài viết cụ thể trên số báo tuần này:

Tăng trưởng của Việt Nam ngược xu hướng bi quan nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro (Era Dabla-Norris – Federico J. Díez – Giacomo Magistretti): Triển vọng tăng trưởng kinh tế lạc quan của Việt Nam đi ngược xu hướng bi quan chung ở châu Á. Lạm phát của Việt Nam cũng ở mức tương đối thấp. Liệu những “ngoại lệ” này nên được nhìn như thế nào?

Giáo dục để tăng trưởng (Hiệu Minh): Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới đưa ra góc nhìn về cách thức tạo ra tăng trưởng bền vững thông qua giáo dục, với tiêu đề “Giáo dục để tăng trưởng”.

Nghị quyết 18 của Đảng và Luật Đất đai sửa đổi (Đặng Hùng Võ): Nghị quyết 18-NQ/TW phải được đưa vào cuộc sống thông qua việc xây dựng Luật Đất đai sửa đổi lần này…

Không dễ đánh thuế tài sản nhà đất (Hoàng Minh): Tìm một công thức tính thuế và định giá tài sản bất động sản cho hiệu quả là việc không đơn giản ngay cả với các nước đã áp dụng thuế tài sản cả trăm năm.

Vùng xám thị trường bán lẻ xăng dầu (TS. Võ Đình Trí): Quy mô thị trường xăng dầu ở Việt Nam khá lớn (cỡ 21 triệu mét khối năm 2022, tức khoảng 420.000 tỉ đồng hay 18 tỉ đô la Mỹ) và ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, vì vậy, rất cần quan tâm tính hiệu quả và tính minh bạch của thị trường này.

Chứng khoán tuần qua: VN-Index hướng đến mốc 1.300 điểm! (Thanh Thủy).

Vì đâu nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp “hút tiền”? (Đăng Linh): Những yếu tố nào khiến ngành bất động sản khu công nghiệp được đánh giá còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới?

Tắc nghẽn vốn, không thể để kéo dài (Tuệ Nhiên): Nhiều ngân hàng đã hết dư địa tăng trưởng tín dụng từ quí 2 và vẫn chưa được nới room, khiến họ không thể cấp tín dụng cho người vay ở thời điểm này.

Du lịch ASEAN – Không thể hồi phục bằng “chặt chém”, “sang chảnh” (Hồ Nguyên Thảo): Sự hồi phục của ngành du lịch khách sạn thời hậu dịch không thể dựa vào định vị đẳng cấp “sang chảnh” được đo theo số “sao”, cũng như nếu vẫn còn tình trạng nhắm vào túi tiền của du khách mà “chặt chém”.

Đượm nồng hương vị Việt Nam trên đất Phù Tang (Duy Ái): Trong ngôi nhà nhỏ tại Tokyo, các học viên người Nhật học chế biến các món ăn từ cô chủ nhà người Việt. Lớp học có cái tên giản dị “NiaGohan” (“Cơm nhà Nia”).

Hẹn hò hay kết hôn với sáng chế? (Nguyễn Ngọc Trâm): Giá trị của sáng chế và bằng độc quyền sáng chế là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ mới dừng lại ở việc “hẹn hò” với sáng chế mà chưa đi sâu tìm hiểu sáng chế như là “người bạn đời” tiềm năng.

Tại sao giá cà phê sôi sục từ đầu tháng 8-2022? (Nguyễn Quang Bình): Giá cà phê trong nước đã chạm mức cao nhất tính từ hơn 6, 7 năm nay, đạt quanh 50 triệu đồng/tấn. Vì sao?

Chinh phục Gen-Z: từ nhãn hiệu tới thương hiệu (Nguyên Ngọc): Người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là thế hệ Gen-Z, rất nhiệt tình sử dụng các nền tảng mạng xã hội để phản hồi, đánh giá, xếp hạng sản phẩm, dịch vụ. Các thương hiệu không còn lý do để không lắng nghe người dùng của họ.

Xây dựng khung năng lực nghề nghiệp và kỹ năng “nguyên tử” (Lê Hoài Ân – Cổ Vạn Tấn): Nền kinh tế tiêu dùng đòi hỏi kỹ năng làm việc của nhân viên, đặc biệt trong lĩnh vực bán hàng, để có thể tối đa hóa nguồn thu từ khách hàng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trở thành vấn đề sống còn của các doanh nghiệp.

Cổng đã mở, nhưng không phải ai cũng qua được (Nguyễn Duy Nghĩa): Các FTA là động lực tăng trưởng của thương mại quốc tế của Việt Nam trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Nhưng đây chủ yếu vẫn là sân chơi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Giá cả, thị trường và chuyện quản lý (Bùi Trinh): Nghịch lý là giá xăng giảm thì cước vận tải tăng! Phải chăng đề xuất tăng giá của doanh nghiệp hồi giá xăng tăng nhưng cho đến nay, cấp có thẩm quyền mới giải quyết xong?

Nghịch lý và thiếu công bằng! (mục Ý kiến): Để giải bài toán thu nhập cho công chức, viên chức, cần tính toán lại giá các loại dịch vụ công cho gần với giá thị trường, và toàn bộ số tiền tăng thu phải được dùng để tăng lương theo điều tiết của Nhà nước.

Không đánh đổi môi trường: đừng chỉ hô khẩu hiệu (Mục Nhĩ): Trái ngược với định hướng quy hoạch Phú Quốc thành khu du lịch sinh thái biển đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế, tình trạng buông lỏng quản lý, để xây dựng tràn lan đã và đang từng ngày giết chết môi trường trên “đảo ngọc”.

Đại học: cần hội nhập quốc tế về thực chất (Lê Minh Tiến): Ai cũng muốn giáo dục đại học ở Việt Nam phải hội nhập được với thế giới, nhưng câu hỏi cần phải hội nhập như thế nào thì vẫn còn đó.

Đi Nhật, đi Đài về, rồi sao nữa? (Khánh Hưng): Đông đảo người đi xuất khẩu lao động trở về có vốn liếng nhưng thiếu định hướng và chính sách hỗ trợ. Những đồng tiền được chắt chiu từ những ngày lao động ở nước ngoài đang đi vào ngõ cụt.

Thấy gì qua một chuyến đi? (Nguyễn Mai Hạnh): Việc phát triển du lịch và thúc đẩy các dự án địa phương “mỗi xã/phường một sản vật” phần nào giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con vùng biên, nhưng nguồn lợi mà bà con thu được vẫn rất khiêm tốn.

Marketing xã hội và cuộc vận động Tôi đồng ý 2022 (Đặng Ngọc Quang): Không chỉ giới kinh doanh mà giới hoạt động xã hội cũng đã áp dụng rộng rãi lý luận và công cụ marketing vào mục tiêu tạo ra những thay đổi xã hội. Nổi bật trong lĩnh vực này thời gian gần đây là các cuộc vận động của cộng đồng LGBTIQ+.

“Thần” của tôi, xin đừng chế giễu! (Nguyễn Minh Hòa): Rừng nguyên sinh được bảo tồn là do đồng bào dân tộc rất kính trọng, thậm chí sợ hãi “thần rừng”, “ma rừng”. Ngày nào đó có người nói “không có thần linh” thì hệ quả sau đó có thể sẽ rất tai hại.

GameFI – trào lưu nhất thời hay xu hướng mới (Trịnh Minh): GameFI bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021 nhưng đã dần thoái trào trong nửa đầu năm 2022. Liệu đây có trở thành “quả bom xịt” mới nhất, hay vẫn là bước tiến cho công nghệ chuỗi khối?

AI và phân biệt đối xử (Lê Thiên Hương): Trí tuệ nhân tạo đem lại vô số các ứng dụng nâng cao chất lượng đời sống, nhưng kèm theo đó là nguy cơ về phân biệt đối xử, nhất là khi AI sử dụng các dữ liệu mang tính phân biệt.

Ngành công nghiệp dữ liệu châu Á đau đầu với các mục tiêu xanh (Ricky Hồ): Trước sức “ngốn” điện, các trung tâm dữ liệu một mặt phải đối diện với giá năng lượng tăng cao, nhưng đồng thời phải đáp ứng các nỗ lực giảm dần nhiên liệu hóa thạch.

Châu Âu quay lại dùng than (Nguyễn Vũ): Khủng hoảng năng lượng buộc châu Âu quay lại sử dụng than đá làm một trong những nguồn nhiên liệu chính.

Tranh cãi kiểm toán kéo dài, doanh nghiệp Trung Quốc rời phố Wall (Lạc Diệp): Sự phân tích tài chính giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn, sau khi 5 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc công bố kế hoạch hủy niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.

Những cơn gió ngược đe dọa mô hình kinh tế của Đức (Song Thanh): Với đặc tính phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nền kinh tế Đức đang chịu tác động lớn của những tình thế thay đổi trên toàn cầu, từ cuộc chiến thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc, những cú sốc về nguồn cung do đại dịch Covid-19, và mới đây là cuộc xung đột Nga-Ukraine.

“Người đàn bà đẹp” tiếp tục đẹp trên sân khấu Broadway (Diễm Trang): Vở nhạc kịch Pretty Woman: The Musical sau hai năm gián đoạn biểu diễn vì Covid-19 nay đã có lịch lưu diễn dày đặc tại các tiểu bang của Mỹ. Vở kịch vẫn thu hút khách xem bởi con người vẫn không ngừng tin vào cổ tích. Cuộc sống đã quá đủ hoài nghi và nhọc mệt, khán giả dành vài ba tiếng để thư giãn và mơ mộng thì có làm sao?

Chuyện mập và gầy (Huỳnh Văn Mỹ): Từ năm 2008, Nhật Bản đã áp dụng Luật Metabo để kiểm soát tình trạng béo phì, tất nhiên không phải vì chuyện xấu – đẹp mà là vấn đề sức khỏe toàn dân. Không béo phì, người dân sẽ bớt nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường và hệ thống y tế, an sinh xã hội của đất nước bớt gánh nặng.

Tóm lại, dầu cá có tốt hay không? (Thư Kỳ): Cho dù giới khoa học đã cho biết các dạng thực phẩm chức năng bổ sung dầu cá hầu như không có lợi ích nào cho một người bình thường, khỏe mạnh thì điều này cũng không ngăn cản hàng chục triệu người dùng chúng mỗi ngày.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới