Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

KTSG số 26-2022: Dệt may trước áp lực “xanh hóa”

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiến lược của EU về “dệt may bền vững và tuần hoàn” đưa ra các yêu cầu cụ thể, theo từng sản phẩm và có tính ràng buộc. Các nhãn hàng và nhà gia công (bao gồm ngành dệt may Việt Nam) phải đáp ứng các tiêu chí này mới có thể bán hàng vào EU.

Theo tác giả Song Hảo của bài viết EU buộc thời trang phải “ăn chắc, mặc bền” trên KTSG bản in phát hành sáng mai (30-6), cho dù muốn hay không, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn của EU nếu còn muốn tiếp tục hiện diện trên thị trường của họ.

Cụ thể hơn, trong bài Dệt may Việt Nam trước áp lực “xanh hóa” hoặc mất đơn hàng, những ghi chú của Ricky Hồ cho biết các quy định cho sản phẩm dệt may như là: phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được…, và một số tiêu chuẩn chính sẽ được áp dụng từ đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, ghi nhận từ trong nước của phóng viên Minh Tâm (bài Chuyện cũ… thách thức mới của dệt may) cho thấy không phải đến khi EU sốt sắng với chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn thì ngành dệt may Việt Nam mới tính đến chuyện “xanh hóa”. Nhưng cũng với những đặc thù, lời giải cho bài toán này vẫn bỏ ngỏ từ nhiều năm qua.

Cũng trên số báo này, một vấn đề xã hội nhức nhối tại các đô thị được đề cập, đó là tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, với góc nhìn từ TPHCM.

Theo tác giả Hoàng Minh (bài Ngập lụt đô thị nhìn từ trường hợp TPHCM), quá trình đô thị hóa tạo ra những dòng chảy tràn lớn hơn rất nhiều so với trước. Và việc thay kênh rạch bằng cống là một trong những nguyên nhân hủy hoại dòng chảy tự nhiên lớn.

Trong khi đó, ở mục “Ý kiến bạn đọc”, kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường cho rằng các giải pháp chống ngập những năm qua như nâng đường, bơm hút nước, lấp rạch thay cống… là những giải pháp chắp vá, mang tính đối phó và lợi bất cập hại (bài Đừng tiếp tục những giải pháp chống ngập không hiệu quả). Theo kỹ sư, TPHCM nên tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi để ưu tiên thoát nước theo nguyên tắc để cho dòng nước tự chảy theo hướng thoát ngắn nhất. Việc lấp rạch thay bằng cống sẽ khiến chức năng điều tiết môi trường của kênh, mương, rạch không còn nữa. Mất môi trường tự nhiên, mất cảnh quan sông nước là mất mát lớn, khó bù đắp và rất khó khắc phục về sau.

Các đề tài kinh tế – xã hội khác ở trong nước và trên thế giới:

Cái cần so sánh là sức chống chịu của dân và doanh nghiệp (mục Ý kiến): Sau hai năm căng mình chịu đựng cơn bão đại dịch Covid-19 và nay là cơn bão giá cả, sức khỏe tài chính của nhiều gia đình và doanh nghiệp đã và đang cạn kiệt.

Bối cảnh vĩ mô quốc tế và lựa chọn hành động (Trần Ngọc Báu): Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang gấp gáp thay đổi chính sách tiền tệ, gây ảnh hưởng lớn. Việt Nam cần chuẩn bị những phương án hành động phù hợp.

Lãi suất điều hành chưa tăng nhưng chính sách tiền tệ đã bắt đầu thắt chặt! (Phan Minh Ngọc): Ngân hàng Nhà nước vẫn thể hiện ý chí duy trì các mức lãi suất điều hành. Nhiều báo cáo phân tích đưa ra dự đoán khả nâng lãi suất điều hành phải đến quí 4 năm nay.

Mua sắm của bệnh viện công: Câu chuyện từ nước Pháp (TS. Võ Đình Trí): Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở nhiều bệnh viện công ở Việt Nam vẫn là ở quy trình và các quy định hướng dẫn thực hiện, giám sát.

Lại “lỡ hẹn” với việc “nâng hạng”! (Thanh Thủy): Thị trường chứng khoán Việt Nam mãi không lớn khi đã 10 năm trôi qua mà chỉ số VN-Index hiện vẫn chỉ dao động quanh mốc 1.200 điểm.

Động lực thị trường khi “tay to” đỡ giá (Triêu Dương): Không chỉ đỡ giá, động thái đăng ký mua vào mạnh mẽ của các nhà đầu tư lớn cũng có thể mang đến kỳ vọng cho thị trường đang tạo đáy, giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư sau các đợt lao dốc trong hai tháng qua.

Doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn nhằm mục đích gì? (Đăng Linh): Nhiều doanh nghiệp cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn do chính mình phát hành sau sự kiện Tân Hoàng Minh hồi đầu tháng 4. Trong thời gian chờ các tín hiệu tiếp theo của nhà điều hành, việc này tạm thời là giải pháp thỏa mãn nhu cầu của cả nhà phát hành lẫn nhà đầu tư.

Vì sao Việt Nam vẫn cần room tín dụng? (Lê Hoài Ân): Đặc thù ở Việt Nam, room tín dụng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Một công cụ, tuy không phải là hiệu quả nhất, nhưng nếu đã, đang vận hành tốt thì nên thận trọng khi nghĩ về sự thay đổi, đặc biệt là tính thời điểm.

Cổ phiếu hóa chất: “vịnh tránh bão” khi thị trường “rung lắc”! (Linh Trang): Bất chấp những đợt rung lắc mạnh của thị trường, cổ phiếu ngành hóa chất là “vịnh tránh bão” của nhà đầu tư nhờ có tiềm năng tăng trưởng và được định giá hấp dẫn.

Chuỗi cung ứng toàn cầu: Chuyện cổ tích có thật của Việt Nam (Xuân Nguyễn): Việc Apple chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam khiến giới kinh doanh và học giả trên thế giới ngạc nhiên về những thay đổi vượt bậc và khả năng thích ứng của Việt Nam trước những chuyển động của nền kinh tế thế giới.

Cảnh báo từ các thị trường bất động sản đang dần nguội lạnh (Song Thanh): Tiếp sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự leo thang của lạm phát và cú lao dốc của thị trường chứng khoán, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với sự nguội lạnh của các thị trường bất động sản từng rất nóng bỏng.

Xuất khẩu thủy sản: Tăng trưởng ấn tượng vẫn lo (Trung Chánh): Ngành thủy sản hiện có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, nhưng đằng sau đó vẫn tiềm ẩn nguy cơ “đứt gãy”.

Để Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn lâu dài ở châu Á (Hồ Nguyên Thảo): Đà Nẵng có tham vọng đưa thương hiệu FantastiCity thành niềm tự hào của du lịch Việt Nam bên cạnh các ngôi sao trong khu vực như Phuket hay Bali. Tuy nhiên, sức hút lâu dài của điểm đến mới không chỉ xoay quanh chuyện mở rộng sân bay, mở thêm đường bay…

Mục tiêu của chuyển đổi số vẫn phải là hiệu quả kinh doanh (Trịnh Duy): Chuyển đổi số không phải là để tránh lỗi thời mà mục tiêu cuối cùng là để giải bài toán kinh doanh, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Bí mật kinh doanh: Vì sao doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm? (Lê Vũ Vân Anh – Nguyễn Ngọc Trâm): Không dành một sự quan tâm cần thiết cho việc bảo mật bí mật kinh doanh cũng giống như việc mời đối thủ cạnh tranh vào phòng và mở sẵn két tiền cho họ lấy.

Bị kiện vì để nhân viên quá… nhàn! (Lê Nguyễn Hoàng Ly): Đã có trường hợp người lao động khởi kiện công ty vì những áp lực tâm lý mà họ phải chịu khi đảm nhận các trách nhiệm tẻ nhạt mà công ty giao phó.

“Nóng” nhân sự ngành công nghiệp không khói (Đào Loan): Tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực ngành khách sạn sau giai đoạn đóng cửa vì đại dịch Covid-19 làm cho “cuộc chiến” tìm nhân sự trong ngành đang ngày càng nóng bỏng.

Chỉ là một giấc mơ hoa! (Quỳnh Đan): Giá xăng tăng dựng đứng, người ta bàn nhau chuyện đi lại bằng xe đạp! Nhưng theo “triết lý bất thành văn” cho xe cộ trên đường – “luật xe lớn là vua”, thì xe đạp xếp chót.

Hộ chiếu vaccine: Lỗi nhập liệu sao bắt dân phải chịu? (Long Châu): Hàng chục triệu người vẫn mòn mỏi chờ xác thực thông tin để được cấp hộ chiếu vaccine. Việc nhập thông tin sai không phải do lỗi người dân nhưng hậu quả thì họ gánh chịu.

Nên chăng tạo biểu tượng tín ngưỡng mới? (TS. Nguyễn Minh Hòa): Tạo một biểu tượng lành mạnh để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng vẫn tốt hơn để người dân đến những nơi bói toán hay lên đồng.

Không gian công cộng: Không gian không rộng (Trần Thanh Tâm): Thực tế ở nhiều nơi, không gian công cộng thay vì mở rộng thì ngày càng thu hẹp. Làm gì để không mất thêm không gian công cộng?

Rau cỏ mùa mưa miền Tây (Phù Sa Lộc): Ngoài cây trái xanh tươi, Tây Nam bộ còn có nhiều loại rau đặc sản mà mỗi năm chỉ được ăn một lần vào mùa mưa, như cỏ năn, hẹ nước, đọt choại.

Chuyện bên mâm cơm thời lạm phát (Vũ Thị Huyền Trang): Giá gas đang tăng trở lại, rau dạo này đắt quá…, đến quả cau để thắp hương cũng tăng giá chứ nói gì gạo, thịt.

Các đề tài kinh tế thế giới:

Xây Metaverse để treo quảng cáo? (Nguyễn Vũ): Sau mô hình quảng cáo kiểu theo dõi người dùng đến từ Apple, các công ty công nghệ cố gắng xây dựng nền tảng mới hướng người dùng về, trong đó có tham vọng về một thế giới không lệ thuộc ai, không bị ai lôi kéo. Đó chính là thế giới Metaverse.

Trung Quốc siết livestream (Ngân Diệp): Giới chức Trung Quốc đã ban hành quy định về các chuẩn mực hành vi đối với người phát trực tiếp. Động thái này được cho là đặt dấu chấm hết cho giai đoạn phát triển tự do của ngành phát trực tiếp tại nước này.

Kinh tế Đức và bài toán thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga (Lạc Diệp): Thiếu hụt nguồn cung khí đốt nhập từ Nga, nước Đức tăng cường sử dụng than đá trong ngắn hạn, mặt khác, phải đối mặt với khó khăn trong việc gia tăng sản lượng năng lượng tái tạo.

ESG – “xanh” thật hay “xanh” giả vờ (Nguyễn Vũ): ESG (môi trường, xã hội và quản trị) là các tiêu chí để các quỹ đầu tư xem xét rót tiền vào các công ty tôn trọng môi trường, chăm lo các vấn đề xã hội, và quản trị doanh nghiệp tốt. Nhưng xem chừng việc vừa đầu tư kiếm lãi vừa làm việc thiện là chuyện khó thành hiện thực trong cuộc sống khắc nghiệt này.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới