Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

KTSG số 36-2021: Tái khởi động nền kinh tế

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sớm muộn thì các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như tại TPHCM cũng sẽ được dỡ bỏ và thời điểm đó đang được kỳ vọng là từ ngày 15-9 như Nghị quyết của Chính phủ nêu ra.

Trong mục xã luận (mục Ý kiến) mở đầu số báo KTSG bản in phát hành sáng mai (2-9), KTSG thấy rằng thời gian để chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong nỗ lực phòng chống đại dịch không còn nhiều, do vậy, cần sớm có kế hoạch cụ thể và chi tiết để tránh những lúng túng dẫn đến sửa đổi liên tục các quyết sách như đã từng xảy ra (bài xã luận tựa đề Lên kế hoạch sớm cho giai đoạn mới).

Qua các bài viết trong cụm nội dung chủ đề “Tái khởi động nền kinh tế”, số báo sáng mai giới thiệu đến bạn đọc các góc nhìn đa dạng, từ phân tích thực trạng vận hành nền kinh tế khi thực thi các biện pháp chống dịch đến việc rút ra các bài học:

Các bài học Covid-19 mới (Nguyễn Vũ): Hiện nay, nhiều nước đã chuyển từ chiến lược “zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19”. Sống chung ở đây được hiểu là lượng định các dạng rủi ro, tìm các biện pháp giảm rủi ro và chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định.

Các nền kinh tế trong khu vực chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại ra sao? (Lạc Diệp): Một số quốc gia đang thận trọng mở cửa nền kinh tế cùng với điều kiện tiên quyết là tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 đủ cao kết hợp với duy trì các biện pháp phòng ngừa khác.

Tái khởi động nền kinh tế như thế nào? (Trần Hùng Sơn – Hồ Hữu Tín): Việc tái khởi động nền kinh tế có thể dựa trên phân loại khu vực theo các mức độ sẵn sàng. Việc điều phối, tính nhất quán của các chính sách cho mỗi giai đoạn thậm chí còn quan trọng hơn các chính sách hỗ trợ.

Trong và sau đại dịch, giải pháp nào cho doanh nghiệp FDI? (TS. Phan Hữu Thắng): Để có giải pháp hỗ trợ, quản lý sát với thực tế thì cần rà soát, đánh giá, phân loại các dự án: đang hoạt động hay đang xây dựng/hình thành, mức độ hoạt động hiệu quả hay bình thường, lãi hay lỗ…

Cần một chính sách phòng chống dịch Covid-19 thống nhất (Thái Thị Tuyết Dung): Đại dịch Covid-19 buộc phải có các quyết sách nhanh chóng và có hiệu lực ngay để ứng phó lây lan dịch, trong đó, nhiều quy định đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Những tác động tích cực từ đại dịch (Đinh Hồng Kỳ): Trong đại dịch, các hoạt động quản lý nhà nước bắt buộc chuyển sang số hóa. Việc này giúp bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn, ngăn chặn được tham nhũng.

Hàng thiết yếu: mỗi thời mỗi khác (Phan Nhật): Những tưởng những tranh cãi về xác định hàng hóa thiết yếu đã phải dừng lại, thế nhưng nó vẫn còn là một trong những lý do gây cản trở quá trình lưu thông hàng hóa.

Đúng, sai chuyện siêu thị hủy đơn hàng của khách (Trương Trọng Hiểu): Vì có nguy cơ đơn hàng bị hủy nên khách hàng đã có sự lựa chọn an toàn cho mình: đặt hàng ở nhiều nơi, sau khi nhận một đơn hàng tới trước thì hủy các đơn hàng với những nơi còn lại.

Các đề tài kinh tế – xã hội theo dòng thời sự:

Ngân hàng buộc phải mạnh tay giảm lãi suất cho vay? (Thụy Lê): Với thanh khoản dồi dào nhưng nhu cầu vay vốn suy yếu, việc giảm lãi suất cho vay giúp các ngân hàng kích thích hoạt động tín dụng.

Lý giải việc giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ (Phan Minh Ngọc): Việc giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ có tác động tương đương việc tăng cung tiền, nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN, bởi mức độ thay thế tiền đồng bằng ngoại tệ trong các giao dịch sẽ giảm đi.

Công ty tài chính tiêu dùng: Nhìn về tương lai! (Linh Trang): Nhìn một cách dài hạn, thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam được đánh giá sẽ ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

Đằng sau việc các ngân hàng buông mảng tài chính tiêu dùng (Lê Hoài Ân – Võ Thành Nam): Nhìn thấy NHNN thoáng hơn trong việc cho phép ngân hàng thương mại tham gia sâu vào cho vay tiêu dùng, các ngân hàng đang tiến tới các phân khúc khách hàng có thu nhập thấp hơn.

Chứng khoán tuần qua: VN-Index vẫn chưa hết trồi sụt vì dịch bệnh! (Thanh Thủy).

Xây dựng “sandbox vận tải” thay vì sợ hãi ngăn chặn (Song Nghi): Việc lây nhiễm từ xe chở hàng hóa sang con người rất khó xảy ra. Xây dựng “sandbox vận tải” áp dụng nghiêm 5K sẽ bảo đảm vận chuyển hàng hóa thông suốt mà không làm lây nhiễm bệnh.

Oằn gánh lo toan (Đào Loan): Cố gắng duy trì sản xuất trong giãn cách kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp tại TPHCM kiệt sức, ngay cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn.

Doanh nghiệp cần những gói cứu trợ chính sách khẩn cấp (Hoàng Minh Khánh): Hệ thống lại các chính sách thuế và ưu đãi đang được áp dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng những dự định đề xuất tiếp theo của Bộ Tài chính chưa thực sự đáp ứng nhu cầu được cứu trợ cấp bách của cộng đồng doanh nghiệp.

Giãn cách không còn “chặt ngoài, trong lỏng” (Long Châu): Việc phong tỏa phù hợp với các khu nhà phố nhưng phản tác dụng với các khu nhà trọ, các xóm lao động nghèo. Từ cuối tháng 8, TPHCM đã có những biện pháp hiệu quả hơn trong việc ngăn “nguồn F0 lang thang”, đồng thời giúp người cơ nhỡ có nơi tạm cư yên ổn trong mùa dịch.

Thương cho Sài Gòn (Đoàn Khắc Xuyên): Đại dịch Covid-19 làm lộ những điểm yếu về nguồn lực của một trung tâm kinh tế lớn nhất nước, sự bất tương xứng về cơ sở hạ tầng y tế, xã hội so với vị thế một đầu tàu.

Làm việc tại nhà: Không hẳn là sướng như ta tưởng (TS. Ngô Thị Phương Lê): Thực thi chính sách phong tỏa để chống dịch, phần lớn nhân viên văn phòng hân hoan khi được làm việc tại nhà vì đó từng là niềm ao ước. Thế nhưng thực tế không như ta tưởng.

Covid-19: Từ ứng phó cực đoan đến giải pháp cân bằng nội môi (Lê Hữu Huy): Thành công của các biện pháp phong tỏa hay giãn cách xã hội phụ thuộc vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần trong bối cảnh dịch còn kéo dài.

Nghiệp vụ hành chính trong quản trị và điều hành (LS. Lê Quang Vy): Những sai phạm gần đây trong việc ban hành các văn bản liên quan công tác quản lý điều hành, thực thi công vụ trong phòng chống dịch bệnh liệu là do căng thẳng trong khủng hoảng hay là do nghiệp vụ hành chánh có vấn đề?

Giáo dục đại học cần tập trung cho số đông (Nguyễn Đức Hoàng): Dường như các trường đại học cùng những người thầy vẫn theo đuổi lý tưởng đào tạo sinh viên trở thành những nhà khoa học, hay những nghệ sĩ, dù họ biết rõ tỷ lệ sinh viên có thể trở thành nhà khoa học hay nghệ sĩ là rất nhỏ. Câu hỏi đặt ra: “Số đông còn lại sẽ làm gì?”.

Khi người không chuyên đi khảo sát du lịch (Đào Loan): Không ít người nghĩ việc nghiên cứu thị trường đơn giản là phát bảng câu hỏi nên đã có những kết quả “xa một trời một vực” so với mục tiêu đề ra.

Quản trị dữ liệu xuyên biên giới: Việt Nam nên chọn hướng đi nào? (IPS): Trong việc kiện toàn hệ thống chính sách và pháp lý cho vấn đề quản trị dữ liệu xuyên biên giới, và khi kinh tế số được lựa chọn là động lực phát triển, Việt Nam cần cẩn trọng về cách tiếp cận và các quy định pháp lý cụ thể.

Quản trị dòng dữ liệu cá nhân xuyên biên giới: Thúc đẩy trách nhiệm giải trình và hướng tới hợp tác đa phương (Nguyễn Lan Phương): Việt Nam cần hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo hướng thống nhất trong hệ thống pháp luật nội bộ và có sự tương đồng với các quốc gia khác; hạn chế yêu cầu địa phương hóa dữ liệu; tăng cường công nghệ bảo vệ và khai thác dữ liệu.

Trách nhiệm dân sự đối với xe tự lái – doanh nghiệp sản xuất hay chủ phương tiện? (PGS.TS. Trần Việt Dũng – ThS. Trần Lê Quốc Công): Khác với phương tiện vận tải gây tai nạn giao thông phần lớn là do sự cẩu thả của người điều khiển, những trường hợp xe tự lái gây tai nạn đặt ra vấn đề pháp lý hóc búa là ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại: nhà sản xuất hay chủ phương tiện (người điều khiển)?

Mùa thu chết (Ngọc Trân): Bản nhạc “Mùa thu chết” (nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Apollinaire) được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện và nhiều thế hệ thính giả thưởng thức, nhưng mấy ai đã tìm hiểu xuất xứ lạ kỳ của nó…

Mong những giấc mơ đẹp lại về (Thanh Thảo): Có những điều bình thường mà ta sống qua, rồi khi cuộc sống không còn được bình thường nữa, ta bỗng nhớ lại như một giấc mơ đẹp.

Trang Kinh tế thế giới:

Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy trầm trọng vì biến thể Delta (Song Thanh): Trong sự đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều sản phẩm kẹt tại kho vì chờ phụ tùng; các nhà sản xuất bị áp lực tăng giá bán; các hãng vận tải thường không ký kết các thỏa thuận dài hạn và hầu hết giao dịch theo giá giao ngay.

Than và sẽ còn tiếp tục là than (Nguyễn Phán): Công nghệ đằng sau những nguồn năng lượng sạch chưa đạt tới độ tối ưu để thay thế hoàn toàn các nguồn năng lượng cũ.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới