Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

KTSG số 39-2021: Mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Làn sóng dịch Covid-19 dai dẳng, khốc liệt và những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt khiến chuỗi cung ứng rơi vào đình trệ.

Theo TS. Phan Hữu Thắng trong bài viết của mình có tựa đề Mắt xích Việt Nam đứng trước nguy cơ bị đứt đoạn trên KTSG sáng mai (23-9), Việt Nam rơi vào tình huống rất đáng lo khi “chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nguy cơ bị đứt gãy tại điểm Việt Nam”.

Còn trong bài viết Gián đoạn chuỗi cung ứng tại Việt Nam và bắt đầu rời đi, Lạc Diệp dẫn nguồn từ một số cơ quan truyền thông trên thế giới, cho biết nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã phải dịch chuyển các đơn hàng, thậm chí là một phần năng lực sản xuất sang các quốc gia khác, và xu hướng đáng chú ý là họ lại chọn “điểm đến Trung Quốc”.

Cuộc trao đổi giữa Hồ Nguyên Thảo với bà Mary Tarnowka, Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) cho thấy ngay lúc này, các doanh nghiệp hội viên AmCham muốn biết về một lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa và phục hồi kinh tế. Bà nói: “Các doanh nghiệp hoan nghênh kế hoạch mở cửa trở lại của TPHCM…; nếu không có ánh sáng cuối đường hầm thì sẽ khó duy trì được niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng (bài AmCham: “Cần có một lộ trình rõ ràng để mở cửa trở lại”).

Số báo còn giới thiệu nhiều câu chuyện, góc nhìn về tình hình kinh tế – xã hội hiện nay:

Một khó khăn lớn khác đang chờ doanh nghiệp (mục Ý kiến): Người lao động lũ lượt về quê tránh dịch. Nếu họ không quay lại, hoặc không thể quay lại làm việc thì đó sẽ là cơn ác mộng đối với nhiều doanh nghiệp.

Thẻ xanh – nguy cơ bị ách tắc là rất lớn (Tấn Đức): Việc cấp thẻ xanh, thẻ vàng cho hàng triệu người ở TPHCM đang rất lúng túng. Chỉ còn một tuần nữa là sang tháng 10, tắc nghẽn cấp thẻ là điều chắc chắn.

Mở cửa lại: nguyên tắc thay cho quy định (TS. Võ Đình Trí): TPHCM mở cửa phục hồi kinh tế từ ngày 1-10-2021. Trọng tâm vẫn là sức khỏe của người dân và giãn cách xã hội theo tình hình thực tế của từng địa bàn. Kinh nghiệm từ các nước có thể giúp ích gì cho TPHCM?

Khách hàng nước ngoài sẽ không thể chờ Việt Nam đếm xong F0 (Tấn Đức): Việc đứt gãy nguồn cung ứng từ Việt Nam trong gần ba tháng qua khiến các khách hàng lớn nước ngoài tính chuyện chuyển bớt đơn đặt hàng ra khỏi Việt Nam.

Đánh giá đúng tầm quan trọng của truyền thông trong chiến lược mở cửa (Lê Hoài Ân – Phạm Hoàn Vũ): TPHCM đang trong tiến trình mở cửa trở lại nhưng có rất nhiều mối đe dọa tiềm tàng nếu không có những bước đi phù hợp và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan, bao gồm cả hoạt động truyền thông.

Vào cuộc nối lại du lịch nội địa (Đào Loan): Việc thí điểm trở lại đón khách nội địa nhận được sự hưởng ứng xen lẫn sự hoài nghi về kết quả thu hút khách trong bối cảnh đi lại còn ngặt nghèo và hầu hết các dịch vụ du lịch vẫn còn đóng cửa.

Sản xuất bước vào thời kỳ “sống chung với virus” (Thanh Phương): Sau những ngày dài giãn cách nghiêm ngặt và trước thông điệp chuẩn bị sống chung với virus, đang có con sóng ngầm tái cấu trúc bên trong các doanh nghiệp để sẵn sàng cho thời điểm “giải nén lò xo”. Nhưng để bước vào tình hình mới thì cần sự chuẩn bị ra sao và với tâm thế như thế nào cho phù hợp?

Những chuyến hàng tử tế! (Đặng Đào): Chương trình “Thực phẩm bình ổn lưu động” của Câu lạc bộ Thị trường ra đời giữa lúc chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng vào những ngày cao điểm chống dịch đã hỗ trợ doanh nghiệp/hộ nông dân có thêm kênh bán hàng thực phẩm, đồng thời giúp người dân ở vùng cao điểm dịch tại TPHCM mua hàng an toàn, tiết kiệm tại nhà.

Hệ sinh thái dữ liệu sức khỏe dân cư: Tầm nhìn “trực thăng” của Đài Loan (Nguyễn Ái Như – Lưu Minh Sang): Không thể chần chừ thêm trong việc xác định tầm nhìn chiến lược quốc gia về hệ thống cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về sức khỏe và y tế toàn dân. Nhiều quốc gia có tầm nhìn rất xa và đã sớm đón đầu các thành quả công nghệ, trong đó có Đài Loan.

Tâm lý thị trường dần tích cực trở lại! (Thanh Thủy): Dòng tiền từ cá nhân và tổ chức trong nước đang hấp thụ lượng bán ròng của khối ngoại, giúp thị trường chứng khoán vẫn đdang được giữ vững.

Cổ phiếu ngân hàng – kỳ vọng nhưng đừng quá lạc quan (Triêu Dương): Nhu cầu vay vốn được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực hơn trong quí 4, khi kết thúc giãn cách xã hội.

Doanh nghiệp nhiệt điện: gặp khó đủ đường! (Linh Trang): Kết quả kinh doanh nhiệt điện nửa đầu năm 2021 không thực sự tích cực, nhưng giá cổ phiếu của doanh nghiệp ngành này có xu hướng hồi phục trong tháng 8 trước khi điều chỉnh lại trong hai tuần đầu tháng 9.

Doanh nghiệp thực phẩm tìm lối ra với M&A (Lê Hoài Ân-Trần Viết Lảm): Các doanh nghiệp thực phẩm đã nhìn ra những khó khăn trong giai đoạn sắp tới và bắt đầu điều chỉnh chiến lược để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.

Tiền gửi thanh toán cá nhân tăng mạnh – sự chuyển đổi tất yếu? (Thụy Lê): Số tài khoản cá nhân và số dư tiền gửi thanh toán tăng ấn tượng gợi lên nhiều điều trong cách khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng: Những lý do… chưa xác đáng (Phan Minh Ngọc): Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, dù NHNN có nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thì doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Vì sao thứ hạng thương hiệu Việt thấp như vậy? (Đinh Hồng Kỳ): Việt Nam xếp hạng 66 (tụt 5 bậc so với vị trí 61 vào năm 2019 và vị trí 64 vào năm 2014). Ngạc nhiên hơn là chúng ta xếp sau Myanmar thứ 38 hay Ethiopia thứ 44.

Thách thức học online (Lê Hữu Huy): Thật trớ trêu khi học online đã không còn là một sự lựa chọn mà đã trở thành hình thức mặc định.

12 nguyên tắc vàng trong thiết kế chính phủ số Nhật Bản (Minh Việt): Việc hiện thực hóa chính phủ số không chỉ là phát triển hệ thống thông tin, đưa các thủ tục lên trực tuyến, giảm chi phí thủ tục và tăng cường sử dụng trực tuyến, mà trước hết và sau cuối là dựa vào người dùng, vì sự thoải mái của người dùng.

Những rủi ro khi “bóc phốt” đối tác trên mạng hội (Lương Thị Mỹ Phượng – Lê Trọng Thêm): Tình trạng “bóc phốt” đối tác khi “cơm không lành, canh không ngọt” có vẻ như ngày càng phổ biến. Nhưng nhiều doanh nghiệp chưa lường hết những rủi ro pháp lý có thể mắc phải mà xuất phát chỉ vì nóng giận.

Làm việc đúng, sao lại phải xé rào (Song Nghi): Chống dịch theo công thức cũ khiến chính quyền nhiều địa phương tự nhốt mình trong khu vực an toàn. Một số nơi vượt ranh giới an toàn, đem lại lợi ích cho người dân thì bị gọi là “xé rào”, thật không phù hợp.

Đừng hờn trách bóng đêm mà hãy cùng thắp lên ngọn đuốc (Lê Minh Hoan): Có thể mỗi vấn đề đều có giải pháp của nó, nhưng cần phải cùng nhau tìm ra giải pháp đó.

Nhớ mùa thu Frankfurt (Nguyễn An Nam): Người xứ nhiệt đới một lần trải nghiệm mùa thu nước Đức để hiểu vì sao Frankfurt – một trung tâm kinh tế tài chính, đã sinh ra những thiên tài như Goethe và Kleist.

Nhìn lại để yêu thương (Huỳnh Văn Mỹ): Khi nhìn lại mình, nhìn lại thế giới, ta trỗi dậy tình yêu thương. Và chỉ trong đau khổ, hoạn nạn, tình hữu ái đó mới trải ra và ngấm sâu hơn nơi mỗi người.

Trang Kinh tế thế giới:

Bên trong một chuỗi cung ứng đang nghẽn (Nguyễn Vũ): Bloomberg dựa vào trải nghiệm của giám đốc một chuỗi cung ứng chuyên nhập khẩu thiết bị nhà vệ sinh cho hãng Gerber để vẽ nên bức tranh đứt gãy lộ trình hàng hóa đi từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng trong đại dịch Covid-19.

Quả bom nợ Evergrande sắp nổ, cổ phiếu bất động sản lao dốc (Ngân Diệp): Công ty bất động sản Evergrande đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Việc “quả bom nợ này” phát nổ được dự báo sẽ tạo ra một hiệu ứng domino, làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc đàm phán gia nhập CPTPP: Thách thức từ chính CPTPP (Dương Văn Học): Để tương thích với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể phải điều chỉnh phần lớn cơ cấu kinh tế mà cái giá về kinh tế – chính trị có thể là quá cao đối với họ, chí ít là ở thời điểm hiện tại.

Gia nhập CPTPP – bước đi quan trọng để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng (Song Thanh): Nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong khối. Đây sẽ là bước đi quan trọng để nước này gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới