Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

KTSG số 51-2022: Chứng khoán – phân vân giai đoạn cuối năm

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các đề tài về kinh tế – xã hội trong nước và thế giới có trong Tạp chí Kinh tế Sài Gòn số 51-2022 bản in phát hành ngày 22-12. Đó là những bài viết về niềm vui thu ngân sách vượt dự toán, những trăn trở về tiền thưởng Tết, lo lắng khủng hoảng của thị trường lao động… cùng các tin tức dự báo về lãi suất, thị trường chứng khoán cuối năm.

Các mục Doanh nhân doanh nghiệp, Văn hóa xã hội, Kinh tế thế giới cũng gửi đến quý độc giả những bài viết về luật doanh nghiệp, thương trường, du lịch, xu hướng tiêu dùng…

Cơ chế thị trường không đơn giản (mục Ý kiến): Với ngành điện, muốn có cơ chế thị trường thì phải có cạnh tranh, người tiêu dùng phải có quyền chọn lựa nhà cung cấp. Vì vậy, mục tiêu của việc cơ cấu lại EVN là bảo đảm cho mọi doanh nghiệp tham gia vào thị trường bán lẻ điện sau này có quyền tiếp cận mạng lưới truyền tải và phân phối, và quan trọng hơn là phải có hơn một nhà cung cấp ở mỗi địa bàn để người tiêu dùng có quyền chọn lựa.

Đằng sau niềm vui cho ngân sách (An Nhiên): Sau niềm vui cho ngân sách, hơn lúc nào hết, Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, cần xem xét tính hợp lý của mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân và người phụ thuộc; đồng thời phải “tính đúng, tính đủ” các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế khi mà giá cả hàng hóa và nhiều chi phí của đời sống đã tăng mạnh.

Thưởng Tết cho người lao động (Phan Thị Ngọc Thắng): Tết luôn là mùa chạy đua với đơn hàng, sản phẩm, tiến độ, nhưng năm nay điều đó trở thành xa lạ. Doanh nghiệp đang phải lăn mình giữa những lằn ranh tài chính khó khăn. Nên chuyện thưởng Tết cho người lao động, tuy không mới, nhưng có nhiều cung bậc cảm xúc…

Lãi suất thực đang quá cao (Hoàng Xuân Huy): Trong thời gian vừa qua, tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và bảo vệ tỷ giá, cũng như một số tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã làm cho thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp trục trặc dẫn đến lãi suất huy động tăng nhanh và duy trì ở mức rất cao.

Nhìn lại bức tranh xuất khẩu Việt Nam (Khánh Nguyên): Xuất khẩu sẽ tạo nên nhiều nội lực cho nền kinh tế Việt Nam nếu doanh nghiệp nội chủ động hơn trên sân chơi này. Đối diện với khó khăn, chúng ta càng nên nhìn lại…

Trái phiếu: so sánh với thị trường Mỹ và các vấn đề của Việt Nam (Vũ Quang Việt): Trái phiếu là kênh quan trọng để gây vốn đầu tư dài hạn cho các dự án lớn của nhà nước trung ương và địa phương, và trong ngắn hạn nhà nước cũng bán trái phiếu để chi tiêu ngân sách trước khi thu được thuế. Trái phiếu nhà nước đáng tin cậy vì được bảo chứng bằng danh dự công quyền và sự tin cậy của chính phủ (trung ương và địa phương) và quan trọng nhất là nhà nước có quyền đánh thuế để chi trả.

VN-Index sẽ giằng co tích lũy trên nền phân hóa! (Thanh Thủy): Trái ngược với sự thận trọng của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại vẫn cho thấy sự lạc quan với việc tiếp tục mua ròng gần 1.900 tỉ đồng trong tuần qua.

Chứng khoán – Phân vân giai đoạn cuối năm (Triêu Dương): Sau chuỗi phục hồi mạnh mẽ, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn giằng co đi ngang…

Quyết liệt với lãi suất (Tuệ Nhiên): Với việc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi gần đây, mà có thể dẫn đến những bất ổn kinh tế, cần phải có những giải pháp sớm ổn định biến số vĩ mô cực kỳ quan trọng này.

Nối lại kênh mua ngoại tệ (Thụy Lê): Việc Ngân hàng Nhà nước niêm yết trở lại giá mua ngoại tệ là điều dễ hiểu, đồng thời động thái này có lẽ đang phát tín hiệu cơ quan này có thể sắp nối lại kênh mua ngoại tệ trong thời gian tới.

Ngân hàng kỳ vọng thu hút dòng vốn ngoại! (Đăng Linh): Trước tình hình thị trường chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu đã không còn dễ dàng như trước. Vì thế, các ngân hàng sẽ cần tiếp tục lên kế hoạch hút thêm vốn ngoại để tăng năng lực tài chính, sức cạnh tranh, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Ai sẽ nắm quyền kiểm soát chuỗi cung ứng pin xe điện? (Tuệ Minh): Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu về pin lithium-ion. Giờ đây, các quốc gia đối thủ đang tranh giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với “dầu trắng” này.

Tương lai ngành công nghiệp tái chế pin xe điện (Thế Phạm): Thế giới làm gì với hàng tỉ pin xe điện khi chúng hết khả năng cung cấp năng lượng, tái chế hay tiêu hủy là một câu hỏi lớn. Liệu tái chế pin xe điện có đủ độ rộng và lợi ích kinh tế để trở thành một ngành công nghiệp độc lập, có thị trường trong tương lai?

Thị trường xe điện Đông Nam Á ngày càng sôi động (Song Thanh): Cuộc cạnh tranh trên thị trường xe điện Đông Nam Á đang ngày càng trở nên sôi động hơn với sự tham gia của nhiều hãng xe lớn như Tesla, Hyundai, Mitsubishi, Honda…

Kịch bản và nhân vật trong quyền tác giả (Lê Vũ Vân Anh): Dưới góc độ quyền tác giả, kịch bản nên được xem là tác phẩm văn học hay tác phẩm kịch? Đa phần chúng ta đều cho rằng kịch bản đương nhiên là tác phẩm văn học, đơn giản vì nó được thể hiện bằng ngôn ngữ. Bộ Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng liệt kê rằng tác phẩm văn học bao gồm những gì “thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác”. Tuy nhiên, tòa án Anh trong một phán quyết vào mùa hè 2022 đã đưa ra một quan điểm khác.

Nghề chọn người hay người chọn nghề (Lê Hoài Ân): “Nghề chọn người” là câu nói mà chúng ta thường nghe trong cuộc sống hàng ngày. Câu hỏi thể hiện cho một niềm tin về duyên số và sự ngẫu nhiên trong việc lựa chọn công việc. Tuy nhiên, liệu có phải duyên số chính là yếu tố khiến chúng ta đến với nghề nghiệp mình hay một yếu tố nào khác…

Giá cà phê 2023 sẽ ra sao? (Nguyễn Quang Bình): Thị trường kỳ hạn mất điểm đậm nhưng giá cà phê nguyên liệu trong nước không xuống. Thật là một năm kinh doanh có nhiều hiện tượng trái nghịch đầy thú vị.

Người giữ nét duyên cho du lịch cộng đồng (Đào Loan): Giờ này, cả vùng Hang Kia, Hòa Bình ngập trong hoa mận trắng, thời tiết lạnh hơn và người Mông đang đón Tết cổ truyền. Đâu đó trong những nhóm người chơi Tết là du khách từ phương xa, những người được bà con mời về Hang Kia ăn Tết hay nói khác đi là du lịch trải nghiệm không khí Tết. Đây là một kiểu du lịch được một vài chủ homestay phát triển nhằm tạo thêm sức hấp dẫn cho vùng.

Để thương hiệu trở thành biểu tượng (Hoàng Minh): Vì tính đặc sắc hay những đóng góp cho xã hội, doanh nghiệp có thể trở thành thương hiệu biểu tượng. Nhưng điều này không hoàn toàn do doanh nghiệp định vị. Thương hiệu có là biểu tượng hay không phụ thuộc vào sự công nhận của xã hội.

“Cầm nhầm” nhân phẩm (Mai Thy): Ăn cắp thường hay được người ta nói giảm, nói tránh thành “cầm nhầm”. Người ta hiểu rằng thứ mất đi có khi chỉ là món đồ thôi, nhưng thứ “cầm nhầm” nó chính là nhân phẩm. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên giật mình khi thấy trong cặp sách của con có thêm một món đồ vật lạ…

Về nơi lưu giữ cung đàn tri âm (Phú Thành): Đi đến một tỉnh nào đó tôi hay để ý tên một con đường rất lớn mà chỉ có ở riêng tỉnh đó. Đó thường là tên của một anh hùng hoặc danh nhân ở địa phương, như ở Cà Mau có đường Phan Ngọc Hiển, Bạc Liêu có đường Cao Văn Lầu.

Thân thương màu áo lính (Vũ Thị Huyền Trang): Ngày ấy bộ đội chỗ tôi hay ra nhà dân chơi. Trên cánh đồng thấy bộ đội nhổ lạc, gặt lúa, gánh gồng giúp dân là chuyện bình thường…

Khai minh ở Anh, Pháp, Mỹ trong thời kỳ ánh sáng (Nguyễn Minh Thanh): Nói về thời kỳ khai minh, người ta thường nghĩ đến nước Pháp trước tiên. Nhưng qua công trình của nhà sử học Gertrude Himmelfarb(*), chúng ta sẽ được rõ thêm về thời kỳ này ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở Anh và Mỹ.

Kéo dài tuổi thọ của những đồ vật cũ (Mai Dương):…Tôi luôn tự hỏi chủ nhân trước của món đồ là ai? Món đồ đã gắn bó người ấy thế nào? Có lẽ tôi vẫn thích lưu giữ những món đồ đã cũ mà vẫn còn dùng được. Tôi nghĩ, trân trọng quá khứ của chúng cũng chính là ký ức của mình…

Những nét cọ mùa Giáng sinh (Trần Thanh Bình): Anh mừng không chỉ vì có thêm chút tiền vượt qua sự gieo neo, mà ẩn sâu trong tâm thức anh là một niềm vui lần đầu tiên bước lên bục giảng sau những năm tháng phong sương, là khi anh truyền được cảm hứng cho các em học sinh hiểu thêm một chút nghệ thuật tuồng Việt.

Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng nội địa để phục hồi kinh tế (Ngân Diệp): Để hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, một trong những ưu tiên hàng đầu của giới chức Trung Quốc là thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Nhiều chính sách đã và đang được các cấp chính quyền từ trung ương cho tới địa phương triển khai, để hỗ trợ hoạt động tiêu dùng trong nước.

Thương mại… bớt tự do (Nguyễn Vũ): Toàn cầu hóa với những mối quan hệ đa phương sẽ ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho nỗ lực sản xuất trong nước và xây dựng các mối quan hệ song phương giữa các đối tác gần gũi. Xu hướng này đặt ra các thách thức cho những nước có nền kinh tế mở, phát triển mạnh nhờ xuất nhập khẩu và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giới đầu tư lo ngại về lạm phát đình trệ trong năm 2023 (Lạc Diệp): Trong khi hầu hết mọi người đang lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế sẽ diễn ra vào năm tới, các nhà đầu tư tổ chức – những người đang điều hành các quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm lại đang dồn sự chú ý tới một mối đe dọa lớn hơn: lạm phát đình trệ.

Mời bạn đọc đón xem!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới