Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ 14: 9 ngày vòng sang Thái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ 14: 9 ngày vòng sang Thái

Bài và ảnh: Nguyễn Đức Quỳnh Dung

Kỳ 14: 9 ngày vòng sang Thái
Cổng chào ở cửa ngõ thị xã tỉnh lỵ Nong Khai, miền Bắc Thái Lan.

(TBKTSG Online) – Do hết hạn cư trú 30 ngày, tôi cần phải rời nước Lào rồi nhập cảnh trở lại để có con dấu cho phép thời hạn 30 ngày tiếp theo. Đó là lý do tôi phải tạt sang Thái Lan sau khi rời Vientiane, sau đó sẽ quay lại và đi về phía Nam Lào.

>>> Lời tòa soạn.

>>> Kỳ trước: Tạm biệt Vientiane.

Thái Lan là một đất nước làm du lịch cực kỳ thành công. Có thể vì nhiều lý do mà Thái Lan luôn trở thành điểm đến của mọi du khách khi nghĩ đến châu Á. Nhưng có thể thấy rõ là họ đã tạo cho du khách cảm giác như ở nhà khi đến đất nước họ. Bạn muốn không khí hiện đại như châu Âu, châu Mỹ ư? Thái Lan sẵn có. Hay muốn không khí truyền thống của Á châu? Bản sắc truyền thống dân tộc Thái thể hiện rõ nét khắp nơi và trên mọi lãnh vực.

Diện tích Thái Lan không lớn lắm so với Việt Nam và rất nhỏ so với Trung Quốc nhưng quyển sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet của Thái dày tương đương quyển sách hướng dẫn du lịch Trung Quốc. Trong forum Thorn Tree của Lonely Planet trên internet thì Thái Lan được dành hẳn một mục trong khi các nước khác phải ghép với nhau. Ví dụ như Trung Quốc, Nhật, Hàn, Mông Cổ xếp chung trong mục Đông Á; Việt Nam, Myanmar, Lào và Cambuchia nằm chung trong mục Đông Nam Á đất liền,… Trong khi Thái Lan được xếp riêng một mục hẳn hoi. Điều đó chứng tỏ lượng người quan tâm và đến Thái Lan không hề nhỏ.

Đến Nongkhai

Chánh điện chùa Pochai ở Nongkhai.

Ở Thái Lan phải chạy xe bên tay trái nên không dễ chạy tí nào; phải chú ý và tập trung thì mới đi đúng đường; nếu không thì lại theo quán tính chạy bên phải. Có khi mãi nhìn các cửa hiệu, tôi đi bên phải đường lúc nào không hay và mấy xe khác ra dấu cho tôi đi đúng đường.

Đạp xe từ từ dọc theo con đường chính, tôi thấy bảng chỉ đường Udon Thani. Tôi theo hướng dẫn rẽ vào cổng chào của thị xã Nongkhai. Tôi đạp xe ngang qua một ngôi chùa khá lớn nên tò mò dừng xe vào xem và thấy hơi lạ lẫm với kiểu bố trí và số lượng các tòa nhà ở đây. Có lẽ do tôi đã quen với bố cục đơn giản ở các vùng quê Lào rồi.

Nhìn quanh chẳng thấy ai, tôi đi thẳng ra sau, nơi các chú tiểu đang quét dọn sân chùa và có một người nước ngoài đang tưới cây. Tôi bắt chuyện. Ông ta nói đã ở Thái Lan 5 năm rồi và ở Nongkhai 2 năm; hiện ông làm trợ lý cho sư trụ trì chùa này. Khi biết tôi đi xe đạp, ông ta nói tại đây cũng có một du khách nước ngoài đang đạp xe vòng quanh thế giới và đang lưu trú tại chùa này được 10 ngày rồi. Nhưng do tôi là nữ nên không được phép ở lại trong chùa!

Mặt trước chánh điện chùa Pochai ở Nongkhai.

Ông ta giới thiệu cho tôi biết về tổ chức Isara (www.isara.org) do một người Mỹ yêu mến Thái Lan nên ở lại đây và mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em và người lớn. Người dạy là những tình nguyện viên đang đi du lịch như tôi; họ có thể ở miễn phí tại đây. Bù lại mỗi ngày họ bỏ ra một (vài) giờ đồng hồ để dạy. Có người chỉ ở vài ngày hoặc một tuần, nhưng cũng có người ở luôn cả vài tháng. Trụ sở của Isara ở gần bệnh viện Nongkhai. Ở đó có cả máy tính nối mạng và Wi-Fi. Ngoài các lớp tiếng Anh còn có các lớp dạy vẽ và khiêu vũ. Tóm lại tùy vào việc các tình nguyện viên có thể phụ trách về lĩnh vực gì. Họ hoạt động bằng cách thu hút tiền đóng góp của các tổ chức từ các nước.

Đây là nơi thu hút khách du lịch đến từ khắp nơi nên rất khó vào ở các bạn nhé. Thường họ đăng ký trước qua mạng và hầu như các phòng ở đây luôn đầy người tình nguyện ở. Khi tôi đến thì không còn giường nào cả, tôi hỏi cắm trại ở ngoài sân được không thì anh chàng Kirt người Mỹ, sáng lập viên, bảo không được vì trông nhếch nhác lắm, đây là nơi học viên ra vào thường xuyên và các nhà tài trợ có thể đến thăm bất cứ lúc nào và họ sẽ không muốn trông thấy như thế.

Vậy là tôi “không có số” được ở đây rồi. Hết chỗ ở lại không được cắm trại, tôi đi ra bờ sông tìm chỗ khác. Ở Thái, dọc theo bờ sông đều có xây bờ kè bằng xi măng, dù có tam cấp dẫn xuống nhưng khó dắt xe đạp theo. Cuối cùng tôi cũng “địa” được một nơi.

Tôi dự định chạy lòng vòng xem và ăn uống đến khi trời tối thì quay lại đó cắm trại. Lúc này ở lề đường, các quầy bán thức ăn sẵn đã được dọn ra. Tôi ghé mua một ly sữa trân châu giá 15 baht, khá ngon. Thức ăn Thái vừa ngon vừa rẻ. Với 1 đô Mỹ, bạn luôn được ăn no bụng ở Thái, trong khi ở Trung Quốc cũng có thể no bụng nhưng chủ yếu là do nhiều mì chứ ít thịt, còn ở Lào thì hầu như không ăn được gì ra hồn mà no bụng.

Lòng vòng một hồi thì thấy “Hội người Việt Nam Nongkhai” nằm cạnh một cửa hàng tạp hóa của một đôi vợ chồng người Việt thế hệ thứ hai, tôi đã có lần gặp và nói chuyện với họ. Đối diện tiệm tạp hóa là một con đường nhỏ, lần theo nó sẽ gặp một ngôi chùa khá lớn, đi thẳng thì Sawaidee guesthouse nằm ở đối diện. Tôi vào hỏi giá thì phòng đơn quạt máy có giá 180 baht (khoảng 6 đô Mỹ), không đắt lắm bởi theo tôi biết thì nơi này khá thoải mái, sạch sẽ, đẹp đẽ, gần sông và lại ở ngay trung tâm. Tuy nhiên tôi không ở mà đi tìm nơi rẻ hơn.

Gặp đồng hương ở Nongkhai

Có lần đi qua một con đường, tôi thấy một mẹ ngồi bán chuối trước cửa nhà, tôi dừng xe và hỏi giá. 10 baht/nải. Tôi mua hai nải và còn được tặng thêm một nải nhỏ xíu nữa. Mẹ ngồi với một phụ nữ khác có tên là Soang La. Khi tôi vừa dừng xe, chị ta hỏi ngay: người Việt phải không? (Nhiều người tưởng tôi là người Philippines nhưng chị này đoán trúng tôi là người Việt mới ghê). Tôi ngồi nói chuyện với họ bằng tiếng Lào bập bõm. Mới ở Thái mấy ngày nên tôi chưa nhớ ra những từ Thái mà tôi biết trước đây. Do đây gần biên giới Lào nên họ hiểu tiếng của nhau hết.

Đang nói chuyện với chị Soang La thì có một phụ nữ Thái gốc Việt đến và khi biết tôi là người Việt, chị hỏi luôn: “Ăn cơm chưa?”. (Vui thiệt! Người Việt gặp nhau thường hỏi “Ăn cơm chưa?” như một lời chào). Bà này quê gốc ở Nam Định, thỉnh thoảng có về Việt Nam thăm họ hàng. Lát sau lại có một phụ nữ gốc Việt khác đến mua chuối, hỏi tôi ở đâu và bảo tôi đến nhà chị ta mà ở cho an toàn. Chị ta nói trước đây có mấy nhà sư Việt Nam sang cũng ở hết cả nhà chị ta nhưng bây giờ họ về nước rồi.

Những người bán vé số ở Nongkhai, Thái Lan.

Chị ta chạy xe máy chở con gái chạy trước chỉ đường cho tôi biết nhà chị ta ở đâu. Đó là căn nhà ba gian. Chị ta ở một mình ở gian giữa. Gian đầu là dành cho vợ chồng người con trai. Chị ta nói nếu chưa đi vội thì đến đó ở cho an toàn. Chị này quê gốc cũng ở Nam Định.

Được người Việt đối đãi tử tế ở nước ngoài cũng thấy vui hơn các bạn nhỉ? Hôm tôi đầu tiên tôi đến Isara, anh chàng Kirk có nói với tôi rằng người Việt ở Nongkhai đông lắm, thế nào tôi cũng được ai đó cho ở nhờ nhà họ.

Hầu như trưa nào tôi cũng ôm máy tính đến Isara cả nên những người ở đó quen mặt tôi luôn. Cô gái quản lý người Thái luôn giới thiệu tôi với những người tại đây nhưng tôi chả nhớ nổi tên họ. Anh chàng người Argentine ở đây 5 tháng rồi, chuyên lo về mảng mạng máy tính cho trung tâm. Anh ta có visa Thái 3 tháng, sau đó đi Việt Nam rồi trở về Thái. Ngoài ra còn nhiều người khác nữa, nói chung họ đều là những người tốt. Có vài cô gái vốn là dân châu Á nhưng lại có quốc tịch và sống lâu năm ở châu Âu hoặc Mỹ nên có tính cách người châu Âu hết rồi. Thật lạ là rất nhiều tình nguyện viên ở tại Isara là người Mỹ đấy!

Thấy tôi xách máy tính đến trung tâm hoài, Kirk hỏi tôi còn ở lại Nongkhai bao lâu. Tôi nói có thể tôi không ở lâu đâu bởi vì tôi đã quyết định sẽ không đi Bangkok thẳng từ đây mà sẽ quay trở về Lào và đi về phía nam.

Bun Ka Thin – Ngày hội đậm chất nhân văn

>>> Nhấn vào đây để xem thêm ảnh.

Sáng ngày 5/11/2011, tôi lại đạp xe một vòng và ra bờ sông. Từ xa đã thấy xe hơi đậu hàng dài cả hai lề ngay trước cổng một ngôi chùa. Đoạn đường trước mặt tôi đông ngẹt người, hai bên là các gian hàng.

Ban đầu tôi tưởng là ngôi chùa nọ hôm nay có lễ lạt gì nhưng sau biết là ở Thái, vào một vài dịp đặc biệt, người ta cúng dường bằng cách bỏ tiền ra nấu thức ăn miễn phí cho người dân. Lúc tôi đến thì cũng hơi muộn nên chỉ còn vài gian hàng. Tôi tranh thủ lạng qua đây lấy một chén chè, lạng qua kia lấy dưa hấu cắt sẵn. Lạng qua lạng lại một lát, tôi no bụng. Cuối cùng lạng đến gian hàng hủ tiếu xào của nhóm người Việt.

Ăn no bụng rồi tôi mới hỏi họ, đây là hội gì? Họ nói gì đó tôi chả hiểu. Họ bảo thông cảm hủ tiếu xào hơi ngọt, bởi đó là khẩu vị của người Thái. Thường người dân Thái ăn món này với gỏi đu đủ. Tôi cầm trên tay cả hai món nhưng bó tay với món gỏi bởi vì nó cay quá. Họ chỉ tôi đến gian hàng nước đỏ đỏ giống nước xí muội cũng của người Việt và bảo tôi nói tiếng Việt luôn. Tôi xin luôn hai ly uống và nói tại gỏi cay quá. No bụng rồi, tôi đi vào bên trong. Không hiểu sao có nhiều bàn với đồ vật và cây tiền thế. Người dân đi qua các bàn này và cho tiền vào khay.

Dù chẳng hiểu gì tôi cũng hăm hở đi… ngược chiều với họ và chụp hình. Đến gian hàng đánh số 53 tôi nghe hai cụ nói chuyện tiếng Việt, tôi dừng lại để hỏi hai cụ đây là lễ gì. Trong bụng thầm nghĩ: Con được ăn no bụng rồi vẫn không hiểu ra đây là lễ hội gì. Một cụ bảo, đây là lễ hội Bun Ka Thin, mỗi năm tổ chức một lần trên khắp Thái Lan, chỉ diễn ra trong vòng một buổi sáng, trước lễ hội Loy Krathong vài ngày (năm nay Loy Krathong diễn ra trong hai ngày, 09 và 10 tháng 11).

Bun Kathin nghĩa là cây tiền. Khắp mọi tỉnh thành, các chùa (wat) từ các ngoại ô, ngoại thành hoặc vùng sâu vùng xa, tập hợp về thành phố. Năm nay có 53 chùa tập trung về Nongkhai. Ban tổ chức sắp cho mỗi chùa một cái bàn, phía trước là một miếng vải màu vàng ghi tên chùa. Người dân chỉ việc đi dạo một vòng, cho tiền vào khay thì xem như đã cúng dường cho 53 chùa trong vòng vài phút. Người dân từ mọi vùng sâu xa đổ về để cúng dường. Hèn chi xe đậu dài cả mấy cây số.

Một nhóm khác cúng dường bằng cách nấu thức ăn miễn phí cho người di dự lễ hội khắp nơi đổ về. Khi nói chuyện với các chị người Việt, họ bảo ai muốn nấu món gì cũng được.

Người trong ban tổ chức chia ra ngồi ở các bàn để nhận quà và tiền cúng dường của Phật tử, các ni sư không cần phải làm việc này. Nhiều bàn để các thân cây chuối, người dân cài tiền vào các nhánh tre rồi cắm vào thân cây chuối luôn. Chắc vì thế mà lễ hội được gọi là Bun Kathin, nghĩa là cây tiền chăng?

Tạm biệt đất Thái, trở sang Lào

Từ chỗ hội Bun Kathin về, tôi đạp xe một vòng Nongkhai trước khi đến Isara. Nhờ mấy ngày đến Isara, sục sạo vào mạng nên tôi biết giò lụa do người Việt sống tại Thái Lan làm rất được ưa chuộng trên đất nước này. Người Thái gọi nó là “mu dò” (“mu” nghĩa là thịt heo, “dò” lấy luôn từ “giò” của tiếng Việt). Có gia đình trở thành giàu có nhờ sản xuất món giò lụa này. Mu dò được người Thái ăn với hủ tiếu hay bún hoặc ăn không với nước mắm. Ở Nongkhai, chợ Thasadej bán món này khắp nơi, giá 25 baht/cây. Ngoài món mu dò này, các món bún, hủ tiếu… do người Việt di cư sang Thái phổ biến được du khách khắp nơi đến đây yêu thích.

Tôi phân vân không biết nên quay về Lào trước lễ hội Loy Krathong hay không? Đó là một lễ hội diễn ra vào đêm trăng tròn tháng 12 theo lịch Thái. Theo dương lịch, ngày lễ này thường rơi vào tháng 11. Đêm đó, người ta thả trôi những chiếc bè (krathong) – thường được kết bằng thân cây chuối – có đặt đồ cúng lên trên như trầu cau, hoa, nhang, nến, tiền xu và thực phẩm. Suốt đêm trăng tròn, người Thái thả các chiếc bè  này xuống sông, kênh rạch hoặc ao hồ. Lễ hội này có nguồn gốc từ xa xưa, nhằm thể hiện sự tôn kính đối với các thần sông.

Năm ngoái, tôi đã dự lễ hội này ở Bangkok (http://www.thesaigontimes.vn/tinanh/43864/); năm nay tôi muốn xem thử ở địa phương khác có gì vui hơn không? Nhưng cái máu phiêu lưu sau mấy ngày bị kìm hãm ở Nongkhai rồi nên giờ chỉ muốn đạp xe lên đường thôi. Tôi quen với việc di chuyển thường xuyên rồi nên nếu ở một nơi chỉ một tuần thôi cũng đủ làm tôi “cuồng chân.” Thật khổ!!! Không hiểu sau này, khi hết tiền, phải quay về với cuộc sống bình thường, tôi làm sao có thể thích nghi trở lại đây?!

Kỳ sau: Trở lại Lào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới