Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ 2: Hai Lúa và máy nông nghiệp – Doanh nghiệp ở đâu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ 2: Hai Lúa và máy nông nghiệp – Doanh nghiệp ở đâu?

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Làm sao để nông dân vựa lúa ĐBSCL tin dùng máy gặp đập liên hợp (MGDLH) thương hiệu Việt? Làm sao để giành lại thị trường myá nông nghiệp vốn đang rơi vào tay của các nước?…. Đó là những câu hỏi nghe rất đơn giản, nhưng để thực hiện được không hề dễ dàng, bởi cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có một doanh nghiệp nào có được một dây chuyền chế tạo MGDLH được đầu tư bài bản.

>>Kỳ 1: Chuyện Hai Lúa miền Tây và chiếc máy gặt đập liên hợp

Kỳ 2: Hai Lúa và máy nông nghiệp - Doanh nghiệp ở đâu?
Cần một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chế tạo MGDLH, có sự hỗ trợ đặc biệt của nhà nước mới mong ngành chế tạo MGDLH của Việt Nam phát triển mạnh. Trong ảnh là ông Ngô Văn Hùng bên chiếc MGDLH do ông nghiên cứu chế tạo – Ảnh: Trung Chánh

Có chính sách vẫn chưa đủ

Cụm từ “đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch” xuất hiện từ rất lâu và Chính phủ cũng đã phê duyệt rất nhiều đề án, chính sách để thực hiện. Thế nhưng, cho đến nay, ngoài việc hỗ trợ về vốn vay, hỗ trợ lãi suất cho vay…, thì lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam nói chung và MGDLH nói riêng vẫn giậm chân tại chỗ.

Mới đây, Thủ tướng cũng đã ký ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Theo đó, nhà nước sẽ cho vay 100% giá trị máy móc, thiết bị sản xuất trong nước với tỉ lệ nội địa hóa trên 60% và có nhãn hàng hóa. Đồng thời hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu và 50% năm thứ ba.

Tuy nhiên, hiện nông dân rất khó để tìm được một chiếc MGDLH có chất lượng cao do Việt Nam sản xuất do các loại máy được sản xuất theo dây chuyền hiện đại, có độ bền cao, đồng bộ về chi tiết… lại vắng bóng, chưa được đầu tư.

Theo ông Ngô Văn Hùng, chủ cơ sở chế tạo MGDLH Hiệp Hùng, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, Long An: “Dù vài năm gần đây chất lượng MGDLH nội địa có được cải tiến. Song, thực tế mà nói thì chúng ta vẫn chưa có một doanh nghiệp nào được đầu tư bài bản, có dây chuyền sản xuất hiện đại và đồng bộ cả”.

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Tịnh, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch khẳng định: “Các doanh nghiệp tư nhân cũng góp phần vào công tác chế tạo MGDLH. Thế nhưng, vì cơ sở tư nhân khả năng đầu tư còn hạn chế, không có những dây chuyền về mặt chế tạo đồng bộ nên chất lượng máy không đồng đều chính vì vậy có những hạn chế nhất định, người tiêu dùng không chuộng”.

“Về phía nhà nước, cũng có những chủ trương lớn, đã giao cho một số công ty lớn tham gia vào thị trường để chế tạo MGDLH. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp, công ty lớn được giao nhiệm vụ vẫn chưa có một công ty, doanh nghiệp nào có được một dây chuyền chế tạo tương đối đồng bộ bởi vì dây chuyền chế tạo MGDLH tương đối phúc tạp” – ông Tịnh cho biết thêm.

Điều đáng buồn là lâu lâu người đọc báo ở thành phố thấy báo chí viết về một Hai Lúa nào đó mày mò tự chế tạo một chiếc máy nào đó phục vụ cho việc thu hoạch lúa, bắp hay cà phê thì khen lên "tận mây xanh", nhưng công bằng mà nói, dù Hai Lúa nhà ta có giỏi tới đâu thì độ bền của máy móc, sự tinh xảo làm sao bằng một máy nông nghiệp được sản xuất từ một dây chuyền hiện đại.

Phải có doanh nghiệp đi đầu

Muốn lấy lại thị trường MGDLH nói riêng và thị trường máy nông nghiệp nói chung đang rơi vào tay của các nước như Nhật, Trung Quốc thì điều quan trọng nhất là phải có một doanh nghiệp chịu nhảy vào cuộc, có đầu tư bài bản để vực dậy tiềm năng của ngành chế tạo máy nông nghiệp ở Việt Nam.

Trao đổi với người viết về vấn đề: “Làm sao để có thể vực dậy ngành chế tạo MGDLH nội địa?”, ông Nguyễn Hồng Thiện, chủ DNTN Tư Sang 2, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết: “Điều quan trọng nhất bây giờ là phải giao cho một doanh nghiệp đảm nhận trọng trách chế tạo MGDLH và doanh nghiệp đó phải đầu tư một dây chuyền đồng bộ về chế tạo MGDLH. Khi đã đầu tư rồi phải sản xuất hàng nghìn chiếc/năm. Đồng thời, dịch vụ sau bán hàng phải được đầu tư hoàn chỉnh, nghĩa là khi người dân khi sử dụng máy nếu có hỏng hóc là đến ngay đại lý lấy phụ tùng sửa chữa ngay”.

Theo ông Tịnh, trong các loại đầu tư thì đầu tư cho máy nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư mang lại hiệu quả thấp, vì vậy nó chưa đủ sức hấp dẫn để cho các doanh nghiệp nhảy vào cuộc làm việc này (chế tạo MGDLH – người viết).

“Tôi đề nghị nhà nước phải có một sự hỗ trợ nào đấy để doanh đầu tư vào đây (ý nói MGDLH) có được lợi nhuận như đầu tư vào những lĩnh vực khác. Nhà nước làm được việc này thì mới mong sẽ có một vài doanh nghiệp nhảy vào vì đầu tư một dây chuyên chế tạo thiết bị MGDLH phải hàng trăm tỉ đồng. Đặc biệt, thời gian đầu phải có chính sách hỗ trợ nào đấy để doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận để duy trì sản xuất” – ông Tịnh nói.

Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp chế tạo MGDLH nội địa và các nhà chuyên môn, muốn giành lại thị trường MGDLH nhất thiết phải có một doanh nghiệp lớn đi tiên phong trong lĩnh vực này, có đầu tư hệ thống dây chuyền chế tạo với công nghệ tiên tiến, có sự hỗ trợ của nhà nước.

Công nghệ chế tạo của Việt Nam còn rất thấp

Ông Phan Thanh Tịnh, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết: “Về công nghệ chế tạo MGDLH, công nghệ chế tạo của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Nếu mặt bằng chung của thế giới là 10 thì mình chỉ đạt 6 – 7, vì vậy nếu so sánh về chất lượng thì mình không thể so với Trung Quốc, Hàn Quốc và càng không thể so với Nhật Bản”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới