Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ 2: Ngẫm đến thị trường cà phê Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ 2: Ngẫm đến thị trường cà phê Việt Nam

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Dù Tổ chức cà phê thế giới (ICO) hay Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hay bất cứ một tổ chức nào nói rằng sản lượng robusta của Việt Nam, của Brazil hay của bất kỳ nước nào tăng thì ta chỉ nên lo lắng vừa phải. Tại sao? Xin đọc kỳ 2 của chuyên gia Nguyễn Quang Bình dưới đây.

>>Kỳ 1: Phân tích cung cầu thị trường cà phê

Giá bình quân robusta Liffe London theo từng tháng: Nguồn ICO do tác giả tổng hợp.

Tồn kho

Đây là một cuộc đấu dai dẳng giữa một bên là các nước sản xuất, một bên là các nước tiêu thụ. Khi bên tiêu thụ thấy giá sẽ cao hay lượng hàng tồn kho chưa bảo đảm an toàn cho tiêu thụ, bằng mọi giá, các thế lực tài chính với sự hỗ trợ của các ngân hàng sở tại tung tiền ra để cố đưa hàng về khả dĩ đủ để cân đối giá, tạo cơ hội lâu dài cho thị trường nằm phía bên người mua.

Về tồn kho Liffe:

Rất mất cân đối với tồn kho bên ngoài, 7 triệu bao của Liffe với 5 triệu bao của ngoài Liffe. Hàng ngoài Liffe thường là tồn kho của giới kinh doanh và rang xay. Hàng trong Liffe để sử dụng cho mục đích đầu cơ tài chính. Lượng hàng Liffe lớn, chủ yếu nằm trong tay vài ba công ty lớn.

Vấn đề là các công ty ấy có bán lượng hàng này ra hay không? Hay họ cứ dùng lượng hàng lớn này treo lủng lẳng trên TTKH để “vặn” (squeeze) thị trường theo ý mình. Nếu họ chuyển sang tay cho một thế lực tài chính, thì họ phải tạo giá rẻ cho người kia có điều kiện mua rồi sau tìm cơ hội mới.

Về lượng hàng từ Việt Nam:

Nếu nói tồn kho, chính là hàng chưa được sử dụng thực sự. Giả sử ta cho rằng nước ta từ 2 năm đổ lại đây bán mỗi tháng bình quân 92.000 tấn, gồm cả hàng hiện nay đang nằm trong các kho ngoại quan chừng 150.000 tấn. Như vậy trong 24 tháng vừa qua, hàng tháng có 6.000 tấn ở lại và 86.000 tấn xuất khỏi cảng. Theo ước tính này, lượng hàng robusta Việt Nam thực sự rang xay cần sử dụng là bao nhiêu? Bạn cứ lấy 400.000 tấn còn chưa sử dụng trong các kho châu Âu, chia đều cho 24 tháng qua, mỗi tháng có chừng 17.000 tấn chưa sử dụng. Như thế, nhu cầu thực sự của rang xay đối với robusta Việt Nam chừng 80.000-85.000 tấn.

Những con số ta xuất “siêu” (tăng so với nhu cầu thực sự) là để tạo điều kiện cho các nước tiêu thụ xây cao thêm tồn kho và tạo điều kiện cho đầu cơ tài chính xuyên quốc gia tung tác giá.

Đây cũng là yếu tố để giúp ta hiểu rằng chương trình tạm trữ và điều tiết xuất khẩu cà phê là quan trọng đối với ngành cà phê Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước đối với cà phê.

Ở đây, cũng xin nói thêm, các hãng kinh doanh nước ngoài mở kho ngoại quan để “tạm trữ” giùm ta. Nhưng sẽ rất bị động cho ngành cà phê trong nước nếu như họ thấy lợi, là họ rút sạch hàng đưa sang các nước tiêu thụ và là giá có thể liêu xiêu, có khi gây bất lợi cho ta.

Giá trong tay ai?

Giá cà phê robusta nhân xô tại Dak Lak từ ngày 25/5-25/6 – Nguồn: Giacaphe.

Không ai đoán được giá sẽ như thế nào ngoài các ông chủ của robusta Liffe và arabica Ice cũng như vài ba ông chủ đầu cơ xuyên quốc gia. Thỉnh thoảng, các bạn thấy có ông này ông kia dự đoán giá tăng giảm già non trên các phương tiện thông tin chỉ để nhiễu động thông tin.

Các bạn cứ ngẫm nghĩ mà xem. Nếu người dự báo là nhà môi giới, kỹ thuật, thì thường họ đoán giá tăng sau khi đã hốt “một mớ”, và đoán giá tăng nữa để kêu dụ thiên hạ vào chơi hàng giấy để hốt tiếp. Nếu người ấy là ông chủ một hãng rang xay, thì thường báo giá sẽ xuống vì cung tăng cầu giảm hoặc đổ thừa cho các tay chơi kỹ thuật…

Với robusta, tuy sản lượng tăng, nhưng có một may mắn: tồn kho arabica giảm trầm trọng. Tôi cứ có cảm giác các quỹ đầu cơ đang “tạo vấn đề” bên phía arabica như đã từng tạo chuyện bên phía robusta từ mấy năm nay. May mắn đó là giá cách biệt giữa 2 loại arabica và robusta rất cao. Có lúc giá arabica trên Ice cao hơn giá robusta trên Liffe đến 4.200 đô la cách biệt, cao gần gấp 200%! Ngay thời điểm hiện tại (ngày 26/06), mức cách biệt bình quân này là chừng 3.200 đô la/tấn vì giá robusta Liffe là 2.320 và Ice arabica ở mức 5.520 đô la/tấn.

Ở đây, xin đừng hiểu rằng tôi muốn nói giá arabica sẽ tăng. Với tình trạng đầu cơ khuynh loát trầm trọng như thế này, giá có thể tăng cực mạnh và cũng có thể giảm cực sốc! Dù giá arabica Ice ở mức nào, giá cách biệt giữa 2 loại cà phê càng lớn, thì cơ hội bán hàng robusta càng nhiều, và hàng robusta có chất lượng cao bao nhiêu sẽ bán chạy bấy nhiêu…vì arabica đắt, rang xay sẽ tìm hàng tốt robusta thay thế.

Nếu suy nghĩ như thế, ta sẽ thấy dù ICO hay USDA hay một tổ chức nào nói rằng sản lượng robusta của Việt Nam, của Brazil hay của bất kỳ nước nào tăng thì ta chỉ nên lo lắng vừa phải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới