Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ 2: Quá cảnh qua Thái Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ 2: Quá cảnh qua Thái Lan

Cây cầu mang tên Hữu Nghị, bắt qua sông Mê Kông, nối Lào và Thái Lan – Ảnh: Blog Dulichbui.org

Nghĩ đến đoạn đường dài thăm thẳm đến Vientiane, thủ đô của Lào mà tôi thấy ngán ngẩm. Vì thế thay vì đi Thae Khaet, tôi đón xe đi Mudkahan, một thành phố của Thái Lan giáp biên giới với Savannakhet của Lào, giá vé chỉ có 13.000 kip. Tôi định dùng giao thông của Thái Lan mà đi dần lên Vientiane.

>> Kỳ 1: Tìm đường sang Lào

Quá cảnh qua Thái

Xe khởi hành lúc 9h40 sáng. Khi đến cửa khẩu Lào thì làm thủ tục xuất mất 10.000 kip, sau đó mất thêm 200 baht làm thủ tục nhập ở cửa khẩu Thái Lan. Tôi không hiểu sao tại cửa khẩu này lại phải trả nhiều tiền như vậy, trong khi các cửa khẩu của Thái Lan lại miễn phí?

Phải chăng do cây cầu Thai-Lao Friendship, nhiều người đi xem quá nên phải đóng tiền hao mòn? Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau là xe đến Thái Lan. Kế bên bến xe là một siêu thị rất lớn. Người Lào sang đây mua sắm rất nhiều. À, có thể đây là nguyên nhân cửa khẩu này thu tiền rất cao và cũng là nguyên nhân ở Lào không hề có nơi mua sắm nào đủ lớn và hiện đại để được gọi là siêu thị. Tôi đi xe tuk tuk đến khu chợ Indochina. Đang đứng lóng ngóng vì không biết ở đâu cho rẻ thì một ông người Thái, khoảng 35 tuổi, mập mạp bụng phệ (đặc điểm chung của nhiều người Thái bây giờ) giới thiệu tôi khách sạn Huanum, 150 baht/phòng. Tôi gật đầu luôn.

Thành phố này cũng nhỏ nên đi đến các khu chợ đều gần. Ở chợ Indochina có bán hàng hóa Việt Nam. Ô phía kia có người đang bán ổi không hạt, giá tương đương 25.000 đồng/kg, thấy rẻ hơn giá bán ở Việt Nam và lại trông khá ngon mắt, tôi mua luôn một kg.

Ăn xong một kg ổi, no bụng luôn làm tối hôm đó được ông người Thái (người giới thiệu khách sạn này) dẫn đi chợ đêm, có bán khá nhiều đồ ăn ngon, nhưng không thể ăn nổi nữa nên thấy tiếc ghê.

Hôm đó ở đây tổ chức hội chợ. Trong hội chợ có nhiều trò chơi như phóng phi tiêu làm bể bong bóng, thảy vòng, vớt cá, bắn súng… Có rất nhiều gian hàng bán quần áo, giầy dép, có cả gian hàng trưng bày xe máy. Ngoài ra, phía dưới sân khấu ca nhạc là cả một cái sân rộng để người dân có thể nhảy theo ca sĩ. Dân Thái rất thích khiêu vũ và họ nhảy khá đẹp. Có cả quay lô tô, mỗi vé là 40 baht, giải nhất là một pick-up truck của hãng Honda. Ngoài ra còn có rất nhiều trò chơi cho trẻ em. Nói chung hội chợ ở đây tương tự như các hội chợ ở Việt Nam nhưng quy mô lớn hơn nhiều.

Ham chơi nên đến gần 12h đêm tôi mới về khách sạn. Con đường cạnh sông Mê Kông khá trong lành và yên tĩnh.

Sáng hôm sau, chợ Indochina chưa dọn hàng, nên tôi phải qua một con phố khác ăn sáng. Ở đây một món giá từ 30-35 baht. Tôi thuê xe tuk tuk 50 baht đến siêu thị cạnh bến xe trung tâm. Siêu thị này giống như Metro ở Sài Gòn, bán cả sỉ và lẻ. Tôi mua thử một hộp thức ăn được ghi là Fried Chinese Sausage. Khi ăn mới biết đó là lạp xưởng, toàn là dầu mỡ không, ngán muốn chết.

Ở đây tiền đô Mỹ đổi ở ngân hàng Bangkok Bank có tỷ giá khá thấp 33,01; trong khi ở bên ngoài đổi đến 35.Tối nay, tôi lại ra chợ đêm chơi. Hôm nay ở đây có tổ chức thi hoa hậu trong trang phục truyền thống (có thể là hoa hậu cho khu vực này).

Đông Bắc Thái Lan

Sáng hôm sau, tôi đón xe đi That Phanom. Từ Mudkahan đến That Phanom khoảng 1 tiếng đồng hồ, giá vé xe buýt là 35 bath.

Tôi định ở That Phatnom một đêm nhưng xui cho tôi, hôm đó là ngày mọi người đi chùa, đi lễ hội rất đông. Giá khách sạn ở đây rất mắc 400 baht/đêm nhưng rất đẹp vì các khách sạn nằm dọc theo bờ sông Mê kông mát rượi và nên thơ. Ở khách sạn Chivon nằm thụt ra sau các khách sạn này có phòng giá 100 baht/đêm nhưng nhìn không sạch sẽ lắm. Tôi được một người Thái khuyên là không nên ở đây vào thời điểm này bởi vì mọi thứ đều mắc theo mùa lễ hội.

Vẫn còn sớm nên tôi dự định dạo một vòng lễ hội trước khi lên xe buýt đi đến một thành phố khác. Không muốn đeo ba lô trên vai chen chúc vào những nơi này, tôi tìm đến chỗ ban trật tự lễ hội và gửi đồ. Thấy tôi là người nước ngoài, dù không nói được nhiều tiếng Anh, họ cũng vui lòng giữ giùm miễn phí và còn tặng cho một tấm bản đồ. Tôi đi một vòng quanh khu lễ hội. Đúng là một quốc gia Phật giáo. Người dân đi chùa rất đông. Tôi mua một ít quần áo Thái Lan vì nghe nói thành phố này rất gần khu làng dệt lụa của Thái Lan. Nghĩ chắc mua ở đây giá cả rẻ hơn. Nhưng thật ra tôi đã nhầm. Kinh nghiệm rút ra là chớ nên mua đồ ở các nơi lễ hội.

Đã trưa nên tôi đến lấy ba lô để đón xe đi Nakhon Phatnom. Thấy một ông cảnh sát đang đứng ở cổng ra vào, tôi chạy đến hỏi thăm đường ra bến xe. Ông này không biết nói tiếng Anh, chỉ hỏi tôi người nước nào. Tôi nói Việt Nam. Ông ta chạy vào lấy xe máy ra và ra dấu bảo tôi leo lên. Nghĩ thầm trong bụng chắc ông ta chở mình đến bến xe đây. Vậy là khỏi tốn tiền thuê xe tuk tuk. Cảnh sát Thái Lan dễ thương quá. Nhưng tôi đã nhầm. Ông ta chở tôi đến một cửa hàng do người Việt làm chủ. Đối diện cửa hàng này là trạm đón xe. Ổng giao tôi lại cho ông chủ người Việt để hướng dẫn.

Ông chủ này chắc khoảng 40 tuổi, bận túi bụi với công việc mua bán (cửa hàng này có vẻ làm ăn được đây) nhưng vẫn không quên bảo tôi ngồi chờ ở trạm khi nào có xe đi Nakhon Phatnom thì ra dấu cho tôi lên xe. Ở Thái Lan, xe chỉ ghi toàn tiếng Thái nên người nước ngoài không biết đường nào mà lần. Thế là ông chủ vừa bán hàng vừa trông đón xe cho tôi.

Cuối cùng xe đi Nakhon Phatnom cũng đến, một chiếc xe buýt 2 tầng, giá vé là 45baht cho một tiếng đồng hồ trên xe. Khi đến Nakhon Phatnom, tôi hỏi thăm đường đến các khu nhà trọ rẻ tiền thì được chỉ vào khu người Việt. Lúc đó, ở khu này đang có đám ma, ngoài cửa ghi tiếng Việt. Nhìn thấy tiếng Việt tôi mừng quá vào hỏi thăm luôn. Phòng ở đây chủ yếu cho thuê theo tháng cho công nhân Việt Nam qua ở làm việc.

So với mức sống của người Thái, tôi thấy lao động Việt Nam đáng thương quá. Khu ở của họ thực sự là khu ổ chuột của Thái Lan. Nhưng những người Việt được sinh ra ở Thái Lan thì có mức sống khá hơn rất nhiều. Họ học hành tử tế và làm những nghề có thu nhập cao, nhưng đổi lại họ không nói rành tiếng Việt, thậm chí con cháu đến đời thứ 3 là không nói được tiếng Việt luôn. Tôi ở đây một đêm, giá 60baht.

Ở đây cũng có khu chợ Indochina và chợ đêm nhưng không nhộn nhịp đông đúc như ở Mudkahan và That Phanom. Có lẽ chùa chiền ở đây không nổi tiếng lắm.Thái Lan biết cách khai thác bờ sông Mê Kông hiệu quả hơn Lào. Thường họ xây công viên dọc theo bờ sông để dân chúng và khách du lịch có thể ra ngắm cảnh và thư giãn.

Tối hôm đó, tôi ra công viên bờ sông đi dạo. Bên kia sông là phía Lào. Ánh đèn sáng loáng và tiếng nhạc xập xình vọng sang. Tôi nghĩ: “Ah, thì ra dân Lào biết cách “ăn chơi” hơn người Thái nhiều”. Vài bạn trẻ Thái Lan đem máy ra chụp mặt sông ban đêm.

Theo Blog Thichdibui

Kỳ 3:Tìm đường về Vientiane

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới