Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ 25: Gặp hai sư nữ ở Si Phan Don

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ 25: Gặp hai sư nữ ở Si Phan Don

Bài và ảnh: Nguyễn Đức Quỳnh Dung

Kỳ 25: Gặp hai sư nữ ở Si Phan Don
Cổng vào một ngôi chùa ở Si Phan Don, trên đỉnh đồi xa xa có một ngôi tượng Phật lớn.

(TBKTSG Online) – Tôi đạp xe ngang qua một ngôi chùa có một pho tượng màu vàng trên đỉnh đồi; pho tượng nhìn xuống sông Mê Kông trông thật đẹp. Đã đạp xe qua khỏi, tôi quay trở lại, chạy vào để chụp hình thì thấy hai bên là hai cái nhà nhỏ không có vách tường, được xây kiên cố bằng gạch cho khách nghỉ ngơi.

>>> Lời tòa soạn.

>>> Kỳ trước: Si Phan Don – 4.000 đảo ở Champasak.

Tôi đi vào trong để chụp hình cho rõ thì thấy phía trong có một cái gần nhà của ni sư (tôi gọi mà không thấy ai cả; ngoài sân thì phơi toàn đồ trắng chứ không thấy màu cam đâu cả nên tôi đoán đây là chùa của ni sư – ni sư ở Lào mặc toàn trắng). Thế là tôi ngồi chờ họ về để xin phép cắm lều.

Ngôi nhà xây, nơi tôi dựng lều ngủ.

Một chiếc xe 7 chỗ chở du khách vào; có vài người xuống chụp ảnh; họ hỏi tôi gì đó; tôi nói: “bow hu” (không biết). Chờ mãi, trời tối dần mà vẫn không thấy ai nên tôi lấy lều ra cắm. Trong lúc lúi cúi thì nghe tiếng nói vọng ra từ ngôi nhà sàn. Tôi chạy đến xin cắm trại thì hai ni sư bảo được. Họ bảo tôi vào nhà tắm của họ mà tắm.

Thật là ở chung với hai ni sư này dễ chịu vô cùng. Họ thật đúng là Lào, hiếu khách vô cùng. Tôi tắm giặt đồ, rồi lấy thức ăn lên chỗ họ ăn. Họ lấy đủ món ra mời tôi ăn. Hình như họ quý tôi lắm, luôn miệng bảo sáng mai đến ăn cơm cùng họ xong rồi hãy đi. Tôi lấy bản đồ và lấy máy tính ra cho họ xem ảnh. Hơn 8 giờ tối, tôi chia tay họ để đi ngủ.

Bình minh trên sông Mê Kông.

Tôi thích hai ni sư này và thích không khí nơi ấy vô cùng. Xa khu dân cư, thanh tịnh, trong lành (nằm trên đồi có nhiều cây cối bao phủ), xung quanh nơi họ ở trồng hoa tươi. Tôi thích họ và nơi ấy vô cùng. Nếu tôi biết tiếng Lào nhiều hơn thì chắc ở đó tu chung họ luôn rồi. Nguyên nơi ấy chỉ có hai ni sư thôi. Hai ni sư tên là Tọi và Lasumy.

Sáng tôi thấy vài nhà sư đi từ trên đồi xuống để khuất thực. Tôi hỏi hai ni sư thì họ bảo gần pho tượng Phật lớn có sư ở. Thì ra thế! Nhưng họ ở cách nhau khá xa.

Họ không đi khất thực mà buổi sáng nấu cơm; họ nấu riêng hai loại cơm gạo nếp và cơm gạo tẻ (gạo tẻ là cho tôi ăn). Lasumy nấu cả thức ăn Việt Nam, đó là cá kho măng. Tôi không được ăn cơm Việt với người Việt mà ăn món Việt với người Lào.

Ni sư Lasumy bên tượng con gà, tượng trưng cho một vị thần nào đó của người Lào.

Càng ngày tôi càng “thấm” kiểu ăn của Lào. Họ chủ yếu là nấu cho được một rổ cơm nếp, còn ăn thì có thể lấy tỏi ớt đâm nhuyễn rồi cuộn với cơm mà ăn. Nếu sang hơn một chút thì có thêm món gà nướng que. Nếu không thì chỉ cơm với muối cũng thành bữa.

Hai ni cô bảo tôi đem ba lô vào nhà họ gửi; họ khóa cửa lại rồi dắt tôi lên chỗ tượng Phật. Cô Tọi thì đi vác mấy thanh gỗ to và dài. Cô Lasumy thì dẫn tôi đi giới thiệu về mấy pho tượng (thực tình tôi chẳng hiểu gì mấy). Mấy pho tượng có hình con gà là vị thần gì đó của họ; mỗi con gà có một tư thế khác nhau tượng trưng cho một vị thần khác nhau.

Cô ấy dẫn tôi vào một căn phòng rồi tụng kinh, tôi ngồi nghe và bắt chước cô ấy lạy. Cô ấy lấy hình của sư trụ trì ra cho tôi xem, sư đã 100 tuổi rồi mà tai mắt vẫn còn thính, đọc sách và viết không cần mang kiếng. Sau đó cô dẫn tôi đi gặp sư trụ trì; giữa đường thì gặp một nhà sư đi xuống, cô ấy bước ra khỏi lối đi và chắp hai tay lại hỏi sư trụ trì ở đâu. Sư không có mặt ở đấy. Vậy là cô ấy dẫn tôi đi trở xuống.

Đi lòng vòng lên xuống đồi, tôi mệt quá nên nằm ra ngủ cùng con mèo có tên là Đăm (tiếng Lào nghĩa là Đen, do con mèo 5 tuổi lông toàn màu đen). Một vị sư vào và đưa bình bát cho cô lấy thức ăn bên trong ra. Cô lấy ra nào tiền loại giấy 500 và 1 ngàn, nào là cơm nếp, nào là bánh kẹo, nào là trái cây. Cô lấy một ít bánh và vài quả chuối cho vào bọc ny lông đưa cho tôi. Vị sư này tu ở chùa gần đó và là bố của cô Tọi. Ông ta đến thăm con gái, giúp họ sửa chữa vài thứ và chỉ họ cách ép mè để lấy dầu. Tôi thu dọn đồ dạc xong thì ở lại đó xem họ ép dầu. Lần đầu tiên tôi được thấy cảnh ấy.

Có người đem hai bịch bánh canh thật to vào cúng dường. Cô Lasumy gọi hai mẹ con một người vừa cúng dường thức ăn từ trên đồi xuống để đưa thức ăn cho họ. Các sư có khá nhiều thức ăn, ăn không hết thì họ đem cho lại bớt những người cúng dường khác.

Hai ni cô này khá là sạch sẽ. Họ không cho thức ăn thừa trở lại vào nồi để hâm mà đổ cả cho chó ăn. Tóm lại dù sao cũng là phụ nữ nên dĩ nhiên phải sạch sẽ và ngăn nắp hơn nam giới rồi. Khoảng hơn 10 giờ, tôi chia tay họ và đạp xe theo đường quốc lộ 13. Gần như đối diện ngôi chùa này là chùa của bố cô Tọi.

Chiếc "phà" đưa khách và xe máy qua sông được ghép thành từ hai chiếc thuyền gỗ nhỏ.

Tôi thấy bảng chỉ dẫn ra bến phà. Phà cho người cách đó khoảng 800 mét; phà cho xe cách đó 4 cây số (phải chạy tiếp trên đường quốc lộ 13 thêm vài cây nữa). Tôi rẽ vào phà cho khách bộ hành. Chiếc phà mà họ dùng để chở xe máy trông thật ngộ, đó là hai chiếc thuyền ghép lại và có một mảnh gỗ to bắc ngang qua.

Tôi hỏi giá thì họ gọi một thanh niên xuống cho giá dành cho du khách là 30 ngàn kip. Tôi cảm ơn và chạy thẳng sang phà dành cho xe cộ nhưng tôi chạy theo lối nhỏ xuyên qua các bản dọc sông Mê Kông chứ không ra quốc lộ 13.

Tôi ghé vào một ngôi chùa, gặp hai nhà sư. Khi tôi hỏi về hội đua thuyền thì họ cho biết sẽ diễn ra vào ngày 2/12 và từ bờ bên kia (nghĩa là phải qua đảo) thì xem được rõ hơn. Đi tiếp một đoạn thì đến bến phà. Tôi leo lên một chiếc phà nhỏ loại hai chiếc thuyền ghép lại (lúc ấy tôi là hành khách duy nhất); khi đến bờ thì tôi móc túi ra tờ 5 ngàn kip đưa. Đưa tiền xong, tôi đẩy xe ra đi thì nghe tiếng họ nói: “ha phan” (không hiểu như vậy là nhiều hay ít nữa?).

Một đoạn đường làng rợp bóng tre xanh mát dọc theo bờ sông Mê Kông.

Đạp xe dọc theo đường chính mmootj đoạn, tôi rẽ vào một con đường nhỏ rợp bóng tre dọc theo bờ sông Mê Kông. Đi một hồi thì đến khu vực có bệnh viện, nhà trọ, nhà hàng và cái chợ nhỏ. Ở chợ này, giá dưa hấu khá đắt, 12 ngàn một quả loại tôi thường mua chỉ 5 ngàn kip thôi. Đạp xe đi thẳng hoài thì thấy một ngôi chùa. Dọc sông là bãi cỏ, vậy là tôi có nơi cắm trại ngay bên dòng Mê Kông, có lối xuống sông tắm, bờ sông không trơn trợt. Vậy là quá lý tưởng! Tôi làm một vòng ra chợ mua thức ăn rồi quay về đó dựng trại ngủ luôn.

Buổi sáng, tôi dậy và thu xếp. Tôi vào chùa nhờ chú tiểu đem lên nhà sạc pin máy vi tính giúp tôi. Gội đầu xong, tôi lấy xe đạp chạy ra chợ thì thấy vài người dân xách thức ăn đi ra từ một con đường. Tôi hỏi họ thì họ bảo chợ ở phía ấy. Đó là một cái chợ địa phương. Tôi ăn một tô khợp bun, một tô bánh canh và mua theo rất nhiều thức ăn cho bữa trưa và chiều.

Tôi chạy một vòng. Hôm nay là ngày lễ gì đó mà họ có mít tinh và không cho tôi vào (sau này tôi mới biết hôm đó là ngày quốc khánh của Lào). Hỏi mấy giờ có đua ghe, họ bảo ngày mai – tức là ngày 3/12; nghĩa là tôi phải ngủ thêm một đêm nữa trên đảo để chờ! Đi lòng vòng riết thấy chán, tôi quay về chùa. Trên đường về ghé vào “giường hàng” – ngồi bày hàng trên giường để bán – của một bà mẹ bán món giò khạo (giống gỏi cuốn của Việt Nam), giá 1 ngàn kip/cái. Tôi ăn luôn 5 cái. Hình như buổi sáng tôi ăn hoài không no hay sao á? Vừa ăn một tô bún và một tô bánh canh, vậy mà ăn tiếp 5 cái gỏi cuốn, tôi vẫn ăn … nhẹ nhàng nữa chứ.

Đoạn sông Mê Kông sẽ diễn ra cuộc đua ghe ngo.

Trở về chùa, tôi vào chính điện ngồi gõ bài. Một du khách Đức vào, tôi bắt chuyện với ông ta và bắt mối cho chú tiểu nói (chú ta muốn nói lắm nhưng ngại). Trước khi chia tay, ông ta lấy ra 10 ngàn kip tặng cho chú tiểu. Còn tôi cặm cụi ngồi gõ bàn phím.

Vài đội thuyền từ các địa phương khác đến nghỉ ngơi tại chùa này. Vậy là tôi được xem họ chuẩn bị cho cuộc đua ghe ngo vào ngày hôm sau. Đi bụi qua Lào như tôi sướng quá, vừa không tốn tiền nhà trọ vừa được xem người dân chuẩn bị cho lễ hội ở trong chùa này nữa. Các đội thuyền lần lượt đến cùng với tiếng trống tùm tum, vui ơi là vui. Không ngờ ngôi chùa này lại là một trong những nơi tập trung của các đội thuyền tham gia cuộc đua ghe ngo lớn này.

Ngủ hai đêm ở Moung Khong, trên đảo Si Phan Don để chờ xem hội đua ghe ngo xong, tôi lại quay về chùa Phu Khau Keo nơi có hai ni sư Tọi và Lasumy. Khi tôi đến thì cô Lasumy đang chặt cá trê ra nhiều khúc, sau đó thì nêm gia vị hành ngò tỏi ớt, rồi chia thành 3 phần cho vào lá chuối, gói lại, sau đó cho vào nồi (loại nồi để nấu “khâu nieo” – cơm nếp) hấp. Đó là món “móc ba” của Lào.

Buổi tối, tôi lấy tiền các nước ra tặng cho họ; họ vui vô cùng. Ngoài ra tôi còn tặng cho cô Lasumy hình Đức Phật mà tôi được tặng ở Ấn Độ (rất đẹp và tôi rất thích). Tôi tặng cho cô Tọi một chiếc vòng đeo tay và một cái túi đựng điện thoại mà tôi mua ở Trung Quốc.

Thời gian tôi đi bụi đủ dài để tôi thấy rằng những thứ mà tôi mang theo chỉ là phù du. Không phải do tôi “ngộ” ra điều gì cao siêu mà là vì tôi thường ngủ lều, ngoại trừ tiền và hộ chiếu tôi luôn mang theo người, mọi thứ khác cất trong ba lô có thể bị mất bất cứ lúc nào do để bên ngoài lều cùng với chiếc xe đạp. Những món nào tôi thích nhất thường lấy ra cho người khác trước vì nếu không cho đi thì khi bị mất sẽ thấy tiếc vô cùng. Vì thế, tôi quan sát người địa phương mà tôi ở chung, thấy họ có thích món gì hay thiếu món gì, tôi lấy cái tôi có ra hỏi họ thích không; nếu họ thích thì tôi tặng luôn. Làm thế vừa để trả ơn họ giúp đỡ tôi, vừa để cho hành lý nhẹ bớt, vừa để lỡ có bị “chôm” ba lô sẽ không thấy tiếc những thứ bị mất. Tóm lại là toàn là có lợi, nên tôi cứ cho hết sạch.

Tôi mở máy tính cho họ xem bộ phim “Dòng Máu Anh Hùng” của Johnny Trí Nguyễn. Họ xem say mê và gọi đó là kungfu Việt Nam.

Sáng hôm sau, cô Lasumy chiên trứng và chúng tôi ăn cơm tẻ cùng trứng chiên và món móc ba. Cô Tọi lấy cơm nếp và một gói móc ba cho tôi mang theo ăn dọc đường.

Toàn cảnh Si Phan Don chụp từ trên đồi.

Sau đó, họ lên đồi lạy Phật, tôi xin đi theo. Họ tụng kinh, lạy Phật. Cô Lasumy lấy bốn cây nhang thắp lên và đưa cho tôi, sau đó dẫn tôi ra tượng Phật lớn và dạy tôi ngồi thiền.

Khi trở lại nhà, tôi lười đi quá nên quyết định ở lại thêm một đêm. Dù sao thì hôm đó cũng mới là ngày 4/12, trong khi mộc của tôi đến ngày 6/12 mới hết hạn.

Khoảng 10 giờ rưỡi họ làm gỏi ăn với ớt tỏi trước, rồi sau đó mới ăn cơm; lúc này có thêm một phụ nữ 53 tuổi đến từ sáng sớm. Buổi trưa tôi ra vườn hái rau tập tàng để chiều nấu canh ăn. Sau đó hai cô rủ tôi đi chơi. Họ mặc đồ thật đẹp rồi dẫn tôi đến ngôi chùa gần đó. Từ trên chùa này, có thể nhìn thấy cảnh sông Mê Kông và hòn đảo Si Phan Don bên kia. Họ giải thích cho tôi ý nghĩa các bức tranh vẽ trên tường, nhưng tôi không hiểu lắm.

Hai ni sư tên là Tọi (trái) và Lasumy. Ni sư Lasumy 30 tuổi, tu ở chùa này 9 năm rồi. Ni sư Tọi 27 tuổi, tu ở đây được 5 năm.

Trở ra ngoài, tôi chụp hình cho hai ni cô. Sau đó, chúng tôi đến tiệm rửa hình. Tôi chỉ định rửa một tấm mà tôi thích nhất để tặng họ, nhưng cả hai cô đều thích nhiều tấm hình chụp cảnh na ná nhau. Cuối cùng họ rửa đến 8 tấm, ngoài 1 tấm tôi thích, còn lại chủ yếu chụp ở hai cảnh mà thôi. Tôi để họ trả tiền luôn; 5 ngàn kip/tấm; đắt quá.

Ở tiệm chụp hình, có một nhà sư đang ôm máy tính gõ gõ, tôi hỏi nhà sư có bài hát Lào không? Nhà sư bảo có và chép vào USB của tôi đến gần 200 bài hát. Ngoài ra nhà sư còn chép một số hình ảnh của Phật nữa. Tôi chọn tấm đẹp nhất làm hình nền cho desktop bởi các hình Phật mang theo tôi tặng hết cả rồi.

Khi chúng tôi về thì người phụ nữ 53 tuổi đang đào khoai lang, khoai mì lên để luộc ăn. Dân Lào coi chùa chiền là tài sản chung. Họ đến đó trồng trọt chăm sóc cây cối và có thể nấu nướng, hái lượm… tự nhiên như ở nhà. Tôi rất thích cái phong cách giản dị, mộc mạc và vô cùng tự nhiên của người Lào. Tiếc là họ đang dần dần bị lai căng, ảnh hưởng những cái không hay của các nước láng giềng nhiều quá. Chắc vài năm nữa, khi trở lại thì tôi sẽ có một đất nước Lào khác chăng?

Tôi ăn khoai luộc no cả bụng, không cần ăn cơm chiều nữa. Sáng hôm sau, người phụ nữ 53 tuổi dậy sớm nấu cơm mà cô Tọi ngâm gạo từ tối hôm trước. Hôm ấy hai cô không phải nấu nướng gì cả. Thức ăn là món sụm ba (giống như nem cá) và móc ba. Họ ăn trước. Người phụ nữ kia hấp rau mà tôi hái hôm qua lên, sau đó trộn mè rang đâm nhuyễn cùng gia vị là nước mắm, tỏi nướng được đâm nhuyễn vào. Khi nấu món gì bà ta cũng lấy chén, dĩa ra để dành cho hai cô trước rồi sau đó mới ăn.

Kỳ sau: Đua ghe ngo ở Si Phan Don.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới