Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ 3: Chè cổ trên dãy Hoàng Liên Sơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ 3: Chè cổ trên dãy Hoàng Liên Sơn

Ngô Trần Hải An

Trời cuối thu vào đông, mưa nhiều nên lúc nào cũng nghe tiếng suối róc rách. Nước suối ở đây mát lạnh và rất trong. Ảnh: Hải An

(TBKTSG Online) – Các chuyến đi Hoàng Liên Sơn trước đây, chúng tôi tìm hiểu về những nét đẹp hoang sơ của núi rừng và văn hóa truyền thống của các dân tộc phía bắc như Lô Lô, Tày, Nùng, Thái, Giáy, Dao, Mông… Lần này chúng tôi nhằm mục đích chính là tìm về một rừng chè cổ thụ ngàn năm kỳ lạ nằm sâu trong dãy Hoàng Liên Sơn, nơi mà sự hiện diện của con người con rất hiếm hoi.

Có lần tôi tình cờ đọc được một bài báo về một rừng chè cổ thụ có hàng ngàn năm tuổi với vô số những cây chè cao hàng chục mét, thân vài người ôm. Loạt bài này đã “ám ảnh” tôi trong nhiều tháng sau đó. Vốn sinh trưởng ở xứ chè B’Lao nên hình ảnh cây chè ăn sâu vào tâm thức tôi với nhiều tình cảm, gắn bó đặc biệt; tôi lại rất thích du lịch khám phá, luôn muốn tìm về những vùng đất lạ với nhiều “kỳ hoa dị thảo”. Vì thế, ý tưởng thực hiện chuyến đi này luôn thôi thúc mãi trong tôi.

Mong muốn là vậy, nhưng để thực hiện chuyến đi thì tôi phải tính toán nhiều thứ; nào là công việc, chi phí, sức khỏe và tìm bạn đồng hành. Mọi thứ thực chẳng dễ dàng chút nào. Tính toán, sắp xếp xong tất cả thì đến lúc phải chuẩn bị bước thứ hai, khó hơn nhiều: Vị trí rừng chè không rõ chính xác ở đâu? Hoàng Liên Sơn thì mênh mông, biết nhờ ai dẫn đường! Đó là chưa kể, liệu những vùng chè cổ trên cao nguyên gần biên giới ấy dân đi “bụi” như chúng tôi có được phép đến đó không? Cũng may nhờ có một chữ “duyên” nên mọi việc cuối cùng rồi cũng thu xếp ổn thỏa và hành trình khám phá rừng chè kỳ lạ của chúng tôi bắt đầu.

Đêm vượt đèo Ô Quy Hồ

Tấm ảnh chụp đêm trăng trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ là một kỷ niệm khó quên trong những chuyến đi Tây Bắc nước Việt. Ảnh: Hải An

Nhớ mãi cái ngày và đêm 25 tháng 9 năm 2010. Dự định sáng hôm sau sẽ đến rừng chè, thế mà đến 4g40 phút chiều chúng tôi vẫn còn ở Mù Cang Chải (Yên Bái), trời mưa lâm râm, bầu trời xám xịt, nặng nề. Mà từ Mù Cang Chải đến Sapa còn đến 132km đường núi, chưa kể phải vượt qua cung đường đèo Ô Quy Hồ đầy nguy hiểm nằm vắt mình cheo leo trên sườn núi ở độ cao 1600-2045m. Muốn đi rừng chè thì phải lên trạm kiểm lâm Núi Xẻ (Lào Cai) rồi từ đó mới đi tiếp.

Khoảng 7g tối, chúng tôi đến Than Uyên (Lai Châu) lúc này trời đã tối đen. Xe bị hư đèn, phải ghé sửa ở một tiệm ven đường, khi nghe nói chúng tôi sẽ đi Sa Pa thì anh chủ nhà và mọi người xua tay lia lịa, nói không nên đi vì đường đèo dốc nguy hiểm và rất vắng người; hơn nữa nếu xe bị hư dọc đường thì chỉ có chết mà thôi vì nhà dân còn hiếm huống chi tiệm sửa xe.

Chị chủ còn kể thêm mấy câu chuyện ma cỏ làm chúng tôi “tắt lửa”, nhụt hết ý chí, tính sẽ ngủ lại rồi sáng mai đi tiếp. Nhưng nếu như vậy thì kế hoạch ngày mai sẽ hỏng bét. Tính mãi, cuối cùng cả hai đứa quyết định liều mình đi tiếp, phó mặc số mạng cho trời định đoạt. Trùm mặt mũi tay chân kín mít bằng tất cả mọi thứ sẵn có, chúng tôi lên đường ngay khi sửa xong đèn xe.

Trong mịt mù đêm tối, vây quanh là trùng điệp núi rừng đen kịt cao ngất trời như những con quái vật chực nuốt chửng hai gã lãng du dại dột, điên khùng. Tôi nắm chặt tay lái, cố tập trung hết sức, căng mắt nhìn theo vạch sơn trắng trên mặt đường qua ánh đèn của chiếc xe máy. Người bạn đường ngồi sau liên mồm rống hết bài này đến bài khác để xua bớt nỗi sợ hãi giữa đêm đen trên đường đèo.

Tôi đã từng đọc một bài viết về một chuyến vượt đèo Ô Quy Hồ ban đêm. Lúc đó, thật tình tôi cứ nghĩ là người viết phóng đại quá về cảm xúc; nhưng đêm nay tôi mới biết câu chuyện đó không thổi phồng chút nào.

Có một lúc, không hiểu tại sao đèn xe đột ngột tắt ngủm! Đến bây giờ, chúng tôi không thể quên được khoảng khắc kinh hoàng ngắn ngủi đó. Tôi vội vàng dừng xe trong nỗi sợ hãi tột cùng, tinh thần như rơi tuột xuống vực. Cả hai đứa tôi cứng họng, người trơ như phỗng. May sao đèn lại bật sáng, xe lại băng băng lướt tới trong sự hồi hộp và thoáng ân hận đã không nghe lời can ngăn của người nhà thợ sửa xe lúc tối. Lúc ấy, chúng tôi cảm nhận thật rõ trong lồng ngực tim vẫn đang đập thình thịch.

Nhưng có lẽ mọi việc đều được cân bằng, bù trừ. Mãi mãi, không bao giờ chúng tôi quên được món quà tuyệt diệu được thiên nhiên ban tặng trong đêm vượt đèo Ô Quy Hồ hôm ấy. Khi xe vượt qua một khúc ngoặt, cả bầu trời đang đen kịt bởi những dãy núi cao ngất che phủ bỗng như bừng sáng, bóng tối nhường chỗ cho ánh trăng bạc phủ tràn trên khắp cả núi rừng.

Hiếm có sự thay đổi cảm xúc nào đột ngột mà thú vị đến sững sờ như thế. Dãy Hoàng Liên Sơn như con quái vật khổng lồ đã thôi không còn nhăm nhe nuốt chửng chúng tôi mà trở nên thơ mộng lạ thường. Trên trời cao, những cụm mây lững lờ trôi, mặt trăng thoắt ẩn, thoắt hiện như muốn nói: “Có chị Hằng đây, hai bạn trẻ đừng lo chi nữa”.

Đúng 9 giờ 21 phút, hai chúng tôi dừng xe trên đỉnh Ô Quy Hồ tràn ngập ánh trăng, thở phào nhẹ nhõm dù không quên rằng còn một chặng đường xuống đèo dài thăm thẳm. Trời rét căm căm cũng mặc, chúng tôi cố ghi lại hình ảnh tuyệt diệu này, nhưng tiếc là chiếc máy ảnh du lịch không giúp tôi chụp được hình ảnh như mong muốn. Dù sao, bức ảnh cũng là dấu ấn về một kỷ niệm đẹp, một chuyến đi đầy cảm xúc mạnh và những phút giây ngất ngây hiếm hoi giữa thiên nhiên vùng cao tây bắc.

Đường món lên Hoàng Liên Sơn. Ảnh: Hải An

Từ đỉnh đèo, chúng tôi đi tiếp 20 km về Sapa trong cái lạnh căm căm, sương mây mờ mịt. Những con dốc uốn quanh, lao sâu thăm thẳm. Về đến Sapa, chúng tôi vào nhà trọ Hoa Sen quen thuộc, tắm rửa nghỉ ngơi rồi đánh một giấc lấy sức cho chương trình khám phá khu rừng chè kỳ lạ sáng mai. Hôm sau, chúng tôi lên trạm Tôn tìm anh Diện nhưng anh đi vắng nên không gặp được. Rất may là trước khi đi công tác, anh Diện đã thu xếp, nhờ anh Huấn – một nhân viên kiểm lâm dẫn đường cho chúng tôi.

Leo núi Hoàng Liên

Đường đến khu rừng chè cổ có phần giống như đường đi lên đỉnh Fansipan, từ trạm Tôn leo lên lán 2.200 mét rồi rẽ theo đường Sín Chải đi tiếp sẽ có đường rẽ vào rừng chè. Nói là đơn giản vậy nhưng dấn thân rồi mới biết, nỗi ám ảnh chuyến leo Fansipan lần trước không còn trong giấc mơ mà đã thành hiện thực. Những cảm xúc từ chuyến đi lần trước dần trở lại, cũng con đường này, cũng những thân cây này, dù mới chỉ một lần nhưng cảm giác sao rất thân thuộc.

Mùa này thời tiết mát dịu, nhưng không bù lại cái khổ là trời cứ mưa lâm râm. Đi rừng, sợ nhất là mưa, vất vả lắm. Chụp hình cũng khó khăn, cứ lôi máy ra chụp xong lại phải cất vào ngay vì sợ ướt. Thỉnh thoảng, sau những khúc leo trèo mệt nhọc lại có chút thong dong nhìn ngắm màu tím hoa mua. Nói vậy thôi, chúng tôi không dám nhẩn nha bởi thời gian không nhiều, phải đi về cho kịp trong ngày nên không đi chậm được. Dọc đường, anh Huấn vui vẻ trò chuyện thú vị khiến chúng tôi thấy hưng phấn, bớt đi sự mệt mỏi với chiếc ba lô nặng 6-7 ký trên lưng. Anh nói về hệ sinh thái đa dạng của rừng quốc gia Hoàng Liên, thỉnh thoảng lại xen vào những câu chuyện đường rừng với những chi tiết thêm thắt đầy vẻ hoang đường.

Thỉnh thoảng, chúng tôi dừng chân nghỉ bên những gốc cổ thụ bên dòng suối nhỏ. Trời cuối thu vào đông, thời tiết lại mưa nhiều, nên lúc nào cũng nghe tiếng suối róc rách bên tai, nước suối ở đây mát lạnh và rất trong. Có những đoạn đường bộ khó đi, chúng tôi lội dọc con suối, chốc chốc hớp một ngụm nước là thấy tinh thần phấn chấn thêm một chút. Dọc đường gặp rất nhiều cây lớn bị sâu mục, đầu hàng trước “sát thủ” thời gian nên đành ngã xuống.

Tác giả (phải) và bạn đồng hành trên đường tìm đến rừng chè cổ trên Hoàng Liên Sơn. Ảnh: Hải An

Sau hơn hai tiếng đồng hồ lội rừng, chúng tôi đến lán 2.200m, nghỉ chân 20 phút rồi tiếp tục hành trình. Từ lán 2.200 bắt đầu không đi theo đường leo Fansipan nữa mà rẽ qua đường Sín Chải, lại xuống độ cao 2.000m. Trên đường đi phải băng qua một khu rừng rộng lớn nhưng xơ xác tiêu điều, được gọi là Thung lũng chết.

Một lối mòn do trâu đi chui qua những lùm cây um tùm. Bên dưới là đất bùn, lá mục và …phân trâu. Ảnh: Hải An

Cách đây khoảng gần chục năm, xảy ra một vụ cháy lớn trên diện rộng nên vô số cây cổ thụ đã bị chết cháy, mênh mông những thân cây cháy đen chọc thẳng lên trời, mây mù bao phủ, gió thổi ào ạt, và cả cái lạnh thấm vào người. Một cảm giác liêu trai, vừa có phần thần bí. Nhìn những thân cây khổng lồ cháy đen bao năm rồi trơ thân cùng tuế nguyệt, chợt thấy một chút chạnh lòng dù chẳng biết vì điều chi!

Dọc đường, chúng tôi bắt gặp những chú ngựa hoang. Gọi là ngựa hoang vì không biết có từ khi nào, người Mông khi lên Fansipan gặp chúng đã bắt về thuần dưỡng để vận chuyển đồ đạc. Lại có cả những chú trâu do người Mông đem lên đây làm công việc cày bừa, kéo gỗ…

Trên mênh mông núi rừng Hoàng Liên, biết bao nguy hiểm rập rình, côn trùng, sâu bọ rắn rết… biết đâu dưới lớp lá cây ẩm mục kia có gì hay sau những bụi cây um tùm lại là vực sâu muôn trượng. Vậy người Mông làm sao để tránh bất trắc xảy ra? Vậy mới thấy nhiệm vụ của những con trâu, con ngựa nơi này quan trọng biết dường nào! Theo bản năng thiên phú, trâu và ngựa thường biết chọn những con đường an toàn để đi có thể con đường đó đâm thẳng vào những bụi cây dày đặc nhưng lại an toàn hơn con đường phẳng phiu.

Người ta bảo rằng, người Mông thường lấy muối rắc trên đường mà họ muốn đi qua, trâu ngựa thèm muối sẽ đi tìm liếm ăn, rồi đi riết mà thành đường, người Mông lại theo đó mà đi. Nhưng vì con trâu, ngựa có chiều cao khiêm tốn nên những con đường đi cũng chỉ lùm xùm bên dưới còn phía trên cây tre trúc vẫn đan dày. Cũng từ đó tạo nên những con đường luồng thú vị nhưng không kém phần… kinh hãi. Toàn hành trình, tôi sợ nhất là vượt qua đoạn đường này, dưới chân sình ngập cao đến gần đầu gối, rồi dày đặc phân trâu ngựa. Cảm giác ghê sợ không thể nào tả xiết.

(còn tiếp)

Hoàng Liên Sơn là một dãy núi ở vùng tây bắc Việt Nam. Gọi là Hoàng Liên Sơn vì trên núi này có nhiều cây hoàng liên.

Dãy Hoàng Liên Sơn rộng 30km, chạy dài 180km theo hướng tây bắc – đông nam, giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, kéo dài đến tận phía tây Yên Bái. Đây là phần cuối của dãy Ai Lao Sơn, đoạn tận cùng phía đông nam của dãy Hymalaya.

Phần tây bắc của dãy núi có nhiều đỉnh cao trên 2.800 mét, trong đó có đỉnh Fansipan cao 3.143 mét, cao nhất Đông Dương. Ngoài ra, còn có đỉnh Tả Giàng Phình cao 3.090 mét và đỉnh Pú Luông cao 2.938 mét.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới