Kỳ 3: Luang Prabang: “Sabaidee Bunpimay”
Bài và ảnh: Lê San
![]() |
Mua chim phóng sinh nhân lễ năm mới. |
(TBKTSG Online) – Đến Luang Prabang, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà nghỉ nằm ở khu trung tâm nhưng giá cả cũng rất phải chăng. Tết Bunpimay năm nay được nhà nước Lào đưa vào chương trình hoạt động của “Năm du lịch Lào 2012” nên rất đông du khách. Dòng người cùng xe cộ đổ ra đường phố rất náo nhiệt.
>>> Kỳ 1: Rong ruổi xe máy qua vùng Bắc Lào.
>>> Kỳ trước: Hành xác ngày đêm vượt đèo.
Tắm xong, tôi rủ một chị bạn ra phố xem cảnh té nước trong khi các bạn khác còn nghỉ ngơi. Vừa bước chân ra khỏi nhà nghỉ đã thấy các nhân viên của nhà nghỉ tụ tập ở trước sân. Họ đặt cả mấy thùng nước to và dẫn vòi nước ra sân, đem loa thùng và mang theo cả một két bia Lào. Nhạc được bật to hết cỡ, giữa cái nắng trưa trên đỉnh đầu và cái nóng hừng hực của gió Lào, nhưng các bạn vẫn rất nhiệt tình ra giữa đường té nước mọi người đi qua.
![]() |
Chuẩn bị thùng, thau chứa nước để tạt người đi đường. |
Thấy chúng tôi bước ra, một bạn chạy lại kéo chúng tôi ra giữa sân rồi lần lượt từng bạn tưới nước từ trên cổ xuống. Sau đó các bạn bảo chúng tôi tưới nước lại cho họ. Khi hai bên đã ướt như chuột lột, một bạn mang bia ra mời chúng tôi. Mỗi người làm một cốc bia mát lạnh và mọi người cùng nhảy nhót một lúc. Trước khi đi, chị quản lý ân cần dặn dò chúng tôi rằng buổi chiều trở lại để theo xe của nhà nghỉ đi té nước trên đường phố. Chúng tôi hứa là sẽ về sớm để tham gia.
Dọc theo khu phố chính Sisavangvong và những con phố nhỏ hơn quanh đó, người dân đã đứng đầy ngoài vỉa hè chờ người đi qua để tạt nước. Chủ yếu là thanh niên và trẻ con tham gia, chứ không thấy người già. Những chiếc xe bán tải chở đầy người và chất thêm thùng nước chạy nối đuôi nhau trên những ngã đường. Ở Lào hầu như nhà nào cũng có xe bán tải. Không khí tưng từng trên tất cả các con phố. Chỉ đi qua có hai con phố, người chúng tôi đã ướt sũng. Thỉnh thoảng một vài nơi, sau khi tạt nước họ còn mời chúng tôi uống bia.
![]() |
Khách du lịch nước ngoài cũng tham gia hội té nước. Trong ảnh, một anh công an bị nữ du khách xịt nước trên đường phố. |
Trên khu phố chính, nhiều du khách châu Âu cũng sắm súng bắn nước để xịt lại. Họ rất thích thú tham gia trò vui này. Chị bạn tôi cũng cầm lấy một gáo nước tưới lên người bọn trẻ con làm cho mấy đứa cứ ngẩn hết cả người. Ngoài bắn nước, lũ trẻ con còn trét các loại bột lên mặt, lên người. Người ta bảo bôi các loại bột lên để chúc phúc, chúc may mắn. Thỉnh thoảng vài xe tuk tuk chở đầy người đi qua bị tạt nước cho ướt hết. Không ai cáu giận khi bị té nước, họ chỉ bật cười và nói “Sabaidee Bunpimay”.
Nhạc từ loa thùng được bật to quá cỡ và mọi người nhảy múa ngoài đường. Tất cả mọi người đều có thể tham gia từ người dân cho tới du khách. Chị bạn bảo đây là lễ hội vui nhất mà chị được tham gia. Cứ thế vừa khô được một lúc lại bị dội cho ướt sũng, chúng tôi về đến nhà nghỉ trong tình trạng ướt từ trên xuống dưới. Thừa thắng xông lên, chúng tôi tham gia cùng với những nhân viên nhà nghỉ tạt nước người đi đường.
![]() |
Ra phố, đi một đoạn là người ướt sũng. |
Sau khi xin lỗi chị quản lý vì không lên xe đi tạt nước được, chúng tôi tranh thủ lên đường thăm thác Tat Khuangsi. Đây là địa điểm nhất định phải đến khi thăm cố đô. Nằm cách Luang Prabang 32 km, con đường vòng vèo qua những rừng cây gỗ trụi lá, thân trắng khẳng khiu. Cứ tưởng như những cây này đã chết nhưng sau này hỏi người dân mới biết đó là rừng cây gỗ tếch. Trời xanh ngắt, rừng cây trắng trải dài, đường vắng xe cộ và im ắng. Cứ như chúng tôi đang đi ở một vùng nào đấy của nước Nga, như trên các chương trình tivi hay giới thiệu. Thỉnh thoảng đi qua những ngôi nhà nằm ngay đường quốc lộ, người dân vẫy tay ra hiệu dừng xe lại để nhận những gáo nước chúc may mắn.
Rong ruổi một hồi, chúng tôi cũng tới được thác. Thác Tat Khuangsi là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Luang Prabang. Mỗi người mất 20.000 kíp tiền vé để vào cổng. Trên đường đi lên thác có khu bảo tồn động vật hoang dã. Tiền vé thu được một phần sẽ dùng cho việc bảo tồn những con gấu ở đây. Thác nhỏ đổ từ trên cao xuống tạo thành tầng tầng lớp lớp những chiếc hồ nhỏ có màu nước trong xanh như ngọc bích. Thấy du khách đu mình nhảy xuống từ dây treo trên cây, một cô bạn trong nhóm cũng bắt chước leo lên cây đu mình nhảy ùm xuống nước. Cả đoàn hò reo cổ vũ, nhưng mãi không thấy cô bạn nổi lên mới phát hoảng, mấy anh chàng tức tốc nhảy xuống vớt bạn lên. Cô nàng thấy người xuống cứu, tay túm, chân đạp… mãi mới lôi được lên. Hóa ra là cô này không biết bơi nhưng thấy người ta nhảy hay quá cũng liều mình làm một cú nhớ đời!
Từ thác về chúng tôi đi ăn tối. So với Việt Nam, cách thức phục vụ của các bạn Lào khá chậm. Chúng tôi ăn từ 6 giờ đến 9 giờ tối mới nếm xong tất cả các món gọi ra. Danh sách các món ăn cũng giống như ở Việt Nam nhưng chế biến theo cách của người Lào. Món nào cũng rất nhiều tiêu, nhưng ăn lại thấy vị đậm đậm rất ngon.
![]() |
Khu hàng giải khát trong chợ đêm. |
![]() |
Hàng thổ cẩm và đồ lưu niệm, mỹ nghệ trong chợ đêm. |
Sau bữa tối, chúng tôi vào phố ngắm chợ đêm. Chợ đêm Luang Prabang họp trên phố Sisavanvong, từ ngã tư Chao FaNgum cho đến chân dãy núi Phousi, cạnh Bảo tàng cung điện hoàng gia. Chủ yếu bán các hàng thổ cẩm, hàng lưu niệm. Du khách đi chợ tấp nập. Đi chợ ở đây không có cảm giác bỡ ngỡ như thường thấy khi đi nước ngoài. Người bán hàng chủ yếu là phụ nữ, mặc trang phục như người Mông bên mình. Họ ngồi thêu thùa, khâu vá, tiếp khách rất niềm nở nhưng không có kiểu mồi chài. Mỗi quầy đều có một có một bàn tính. Khi cần mua gì, khách chỉ cần lựa chọn và người bán sẽ bấm trên cái bàn tính số tiền. Không cần mặc cả vì người bán không nói thách nhiều.
Khu phố ẩm thực nằm ở một ngõ nhỏ gần chùa Wat Mai. Tôi và chị bạn tranh thủ thưởng thức buffet rau giá chỉ có 8.000 kíp. Phía trong là các quầy hàng bán rất nhiều đồ ăn chế biến theo kiểu địa phương, đặc biệt là xôi và cá sông Mekong. Bánh mì kiểu Lào là đồ ăn thu hút nhiều người nhất vì nó tiện mang theo. Một ổ bánh mì giá 15.000 kíp phải to gấp ba lần ổ bánh mì ở Việt Nam, đầy ắp chả, thịt, đu đủ chua và tương ớt cay cay ngọt ngọt. Mua một ổ mà đến ba người chúng tôi mới ăn hết. Ngày lễ tết nhưng chợ cũng không mở khuya hơn. Mới 10 giờ đêm, một vài hàng đã dọn dẹp nghỉ ngơi.
![]() |
Những con ngõ nhỏ trong khu trung tâm vắng vẻ về đêm. |
Người ta bảo người Lào không làm nhiều, chỉ làm vừa đủ ăn. Quá 11 giờ, con phố dài dần vắng vẻ. Thành phố ban ngày nhộn nhịp là vậy, nhưng đêm đến nó trở lại với nhịp sống hằng ngày. Thả bộ dọc theo các con đường dọc bờ sông, ánh đèn dọc đường đẹp lung linh. Những quán bar vẫn còn sáng đèn, những vị khách Tây ngồi thong thả nhâm nhi vài cốc bia Lào.
Không khí đêm êm đềm, tĩnh lặng. Dọc theo phố Sakkarin và Sisavangvong, những ngôi chùa chùa nối liền kề nhau, Wat Saen, Wat Sop, Vat Souvannakhiri, Wat Sirimungkhun, Vat Sensoukharam. Wat Xiêng Thông, là ngôi chùa nổi tiếng nhất. Người ta bảo đứng trên đỉnh Phousi có thể ngắm thấy cả thành phố nhưng tối rồi nên chúng tôi đành bỏ qua. Dạo một vài vòng là hết thành phố. Chúng tôi tranh thủ về ngủ sớm để sáng mai dậy sớm đi xem khất thực. Hoạt động đáng xem nhất khi đến cố đô Luang Prabang.
Kỳ sau: Cố đô êm ả