Kỳ 3: Tiền lệ xấu từ sàn vàng, cà phê “giấy”
Anh Thư
![]() |
Màn múa Hoa cà phê trong lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột – Ảnh: Hồng Văn |
(TBKTSG Online) – Trong kỳ 1 và kỳ 2 chúng ta đã thấy sự cố gắng và những khó khăn của BCEC cũng như nhiều sàn giao dịch nông sản đã ra đời ở Việt Nam. Trước khi đi vào kỳ 3 về sàn nông sản mà tôi muốn đề cập đến chủ yếu là cà phê, có lẽ cần thiết phải nói qua một chút về tính hai mặt của một cái gọi là “sân chơi” nông sản kiểu của ta.
>> Bao giờ nông dân bán nông sản qua sàn giao dịch?
>> Xem bài “Bão không đến từ biển” đăng trên TBKTSG số 27 ra ngày 29-6-2006 bằng file word
>> Kỳ 2: Sàn giao dịch hàng hóa: Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Lúc mở cửa sàn vàng người ta có một ngàn lẻ một lý do tốt đẹp cũng như những ưu điểm được phân tích hùng hồn để mở, và gần 3 năm sau khi nhận thấy loài ký sinh cờ bạc nó trưởng thành nhanh chóng và bắt đầu gây hại đến chủ thể thì cũng có không kém chừng đó nguyên do để đóng cửa sàn vàng.
Sau năm 2000 tại Daklak và Gia Lai đã xuất hiện một hệ thống chơi “cà phê giấy”, hay có người còn gọi là “hàng future”, căn cứ trên giá cà phê của hai thị trường Liffe và CSCE đã lôi kéo một lượng người khá lớn tham gia, điều đặc biệt là hầu hết những người chơi còn không biết luật chơi của cái thị trường này nó ra làm sao?
Lúc đầu chỉ biết là mua bán cà phê “trên mạng” một đêm lời đến những vài tỉ đồng, để rồi sau đó nhanh chóng biến thành những con thiêu thân mua bán cà phê “liều mạng” đến nỗi rất nhiều người tán gia bại sản, thậm chí đi tù, tất nhiên là đi tù vì tội danh khác nhưng cũng xuất phát từ cà phê giấy, mà sau đó một số ngân hàng thương mại nghe ngóng bất kỳ một đại lý, công ty nào có dính dáng đến cái chữ “mạng” hay “giấy” là tìm đường thoái thác cho vay.
Chúng ta không phản đối chương trình xổ số kiến thiết quốc gia cũng như không phản đối sự ra đời của một sàn giao dịch nông sản hoạt động vì ích lợi cộng đồng trong tính chất giao hàng kỳ hạn và tính chất bảo hộ hàng thực mà một số bài viết đã phân tích.
Không ai chối cãi được tính tích cực của chương trình xổ số kiến thiết quốc gia, thế nhưng song hành với nó, hay nói đúng hơn cùng ký sinh với nó là nạn số đề khiến cho bao nhiêu gia đình tan nát, nhưng dù sao thì loại ký sinh này chưa gây chết đến chủ thể. Sàn giao dịch nông sản cũng vậy, cũng có mặt trái của nó là dễ dàng biến tướng thành cờ bạc. |
Nhưng nếu mượn những điều tốt đẹp và hoa mỹ như “sự ra đời của sàn giao dịch nông sản góp phần rút ngắn con đường đưa sản phẩm của nông dân đến với thị trường thế giới” mà không chỉ ra được con đường đó nó dài ngắn, khúc khuỷu ra làm sao thì rõ ràng là một kiểu nói lấy được.
Cũng tương tự như sàn vàng, sự biến thiên khá lớn của sàn giao dịch cà phê là tính hấp dẫn cho những nhà đầu tư, sẽ không có gì để nói khi một nông dân đứng tại thời điểm tháng 9 (lúc chưa thu hoạch cà phê) nhìn thấy giá tháng 11 trên thị trường Liffe ở London đang cao và thỏa mãn cho sự đầu tư trồng trọt của mình và anh ta quyết định bán kỳ hạn giao tháng 11 cho sản phẩm nhằm tránh rủi ro theo nhận định đến tháng 11 giá sẽ hạ lúc đi vào cao điểm thu hoạch.
Vấn đề sẽ khác đi trong một hoàn cảnh khác khi một người bỏ ra số tiền ngang bằng khoảng 1 tấn cà phê thật để ký quỹ cho đặt lệnh bán/mua với giá trị tương đương 10 tấn trên mạng (thường mua bán qua sàn Liffe chỉ cần ký quỹ 10% giá trị hàng thật từng thời điểm).
Tôi xin đưa ra ví dụ: một người sau khi ký quỹ đang đứng tại thời điểm tháng 9 nhìn thấy giá tháng 11 đang giao dịch tăng và có cùng nhận định như anh nông dân nói trên là trong tương lai càng gần tháng 11 giá sẽ sụt giảm nên ra lệnh bán giao hàng tháng 11 với giá 2.000 đô la/tấn.
Đến gần thời điểm giao hàng tình hình thực tế lại không như nhận định là sụt mà giá lại tăng lên 2.200 đô la/tấn, đối với anh nông dân thì được xem như là mất lời, nhưng không lỗ bởi sự lỗ lãi của anh nông dân được cân đối trên sự đầu tư vườn cây trong năm, quá trình cân nhắc bán giá nào của anh nông dân cũng tác động thị trường và phản ánh lên tình hình thực tế của giá thành sản xuất như một chuỗi hệ quả của thị trường thực.
Thế nhưng đối với một người chơi hàng giấy thì phải mua vào lại từ trên mạng để thanh toán cho cái vị thế bán trước đây của mình đã tạo, động tác mua vào lại của nhà đầu tư này gọi là mua bù bán mà trong thuật ngữ thị trường gọi là Short Covering (xem chi tiết các thuật ngữ giao dịch nông sản thế giới tại đây).
Đến đây chúng ta đã thấy nhà đầu tư lỗ 200 đô la x 10 tấn = 2.000 đô la. Nếu như trước đây nhà đầu tư này đã ký quỹ vào hệ thống ngân hàng trung gian giao dịch giữa họ và thị trường Liffe là 2.000 đô la thì từ nay trở đi nhà đầu tư này sẽ không còn quyền ra lệnh bán hay mua gì nữa, muốn chơi tiếp thì họ phải đặt tiếp tiền ký quỹ vào, đoạn này giống như chơi bài xì phé vậy, phải đặt “chến” (như một cách ký quỹ ban đầu) vào thì mới được chơi tiếp.
Nó còn nghiệt ngã hơn cả chơi xì phé trong trường hợp giả sử nhà đầu tư chỉ lỗ ví dụ 1.700 đô la, tức là còn 300 đô la trong tiền ký quỹ thì vẫn không được chơi tiếp vì số tiền không đủ bảo đảm lượng tối thiểu để bán hay mua.
Vẫn chưa hết, nếu như mức lỗ của nhà đầu tư nằm đúng với số tiền họ đã ký quỹ thì theo quy định của Stoploss (ngưng thua lỗ) sẽ tự động chốt giá giùm cho anh ta khi giá đụng đến mức 2.200 đô la/tấn, nếu muốn không bị tự động ngưng thua lỗ để chờ cơ hội biết đâu giá xuống lại thì phải đóng tiếp tiền ký quỹ vào sao cho phải cao hơn mức có thể lỗ tiếp.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều nhà đầu tư thiêu thân chạy vạy xoay xở tiền bằng mọi giá, bằng mọi loại lãi suất nóng đóng vào ngân hàng trung gian để không bị stoploss, nhưng sau đó vẫn dính stoploss, có nghĩa là họ mất luôn cả tiền vừa đóng vào thêm.
Người ta thường lấy định luật bảo toàn của nhà bác học Lomonoxop để nói đùa “tiền bạc không mất trong không gian, nó chỉ được chuyển đổi từ túi của người này sang người khác” trong trường hợp này rõ ràng là nó chạy từ túi người thua sang người thắng và chúng ta thử xem người thắng là ai?
Họ là những nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, tham gia cuộc chơi trên sàn giao dịch với một nguồn tài chính hùng mạnh với đầy đủ thông tin cung cấp từ những tay phân tích chuyên nghiệp trên mọi bình diện từ thời tiết, kinh tế – chính trị 5 châu cho đến đồng tiền các nước mạnh yếu thế nào trong những ngày tới, họ thừa sức biết lúc nào nên bỏ ra lỗ nhỏ và lúc nào nên gom hết.
![]() |
Năm 2005, không chỉ doanh nghiệp mà nhiều nông dân, đại lý cà phê ở Tây Nguyên đổ xô “chơi cà phê giấy”, sau đó nhiều đại lý phá sản vì thua lỗ. Trong ảnh là nông dân phơi cà phê (ảnh chỉ có tính minh họa) – Ảnh: TL. |
Không những có khả năng khuynh đảo giá thị trường mà còn có khả năng tạo luồng thông tin định hướng suy nghĩ người chơi là nhà đầu tư theo ý họ muốn, trong quá trình làm việc tôi đã có dịp gặp một trong số những người mua lớn và họ đã không ít lần nói chính xác giá mở cửa chiều nay (theo múi giờ thì sàn Liffe mở cửa vào 4-5 giờ chiều giờ Việt Nam).
Tôi không có ý tự ti chúng ta nhỏ bé nhưng biết người biết ta cũng là một quyết sách của ngày xưa nhờ vậy mà Tư Mã Ý còn sống sót để xây dựng lên nhà Tấn nhờ tránh đối đầu trực diện với Khổng Minh.
Cách chơi trên sàn nông sản hiện nay trên thế giới chẳng khác chơi tài xỉu là mấy, một người đánh cược vào tài (lớn) với hy vọng tổng của 3 con xúc xắc lớn hơn 10 và ngược lại trong cùng thời điểm có người hy vọng nó là xỉu (nhỏ – từ 10 trở xuống) cũng với ba con xúc xắc sau khi lắc, những tay cờ bạc bịp có thể lắc xúc xắc ra tài hay xỉu là tùy ý, tùy vào bên nào có lượng tiền đặt lớn hơn.
Cũng tương tự như tài xỉu, một người ra lệnh mua vào với hy vọng giá lên để bán ra là người đang theo phía “tài” trong thuật ngữ thương mại tiếng Anh gọi là những người theo “Bullish Trend” – xu hướng tăng và ngược lại là những người ra lệnh bán ra để chờ giá hạ xuống sẽ mua thuộc về phía “Bearish Trend” – xu hướng hạ là những người đang hy vọng sẽ ra kiểu “xỉu”.
Sở dĩ tôi đem so sánh vấn đề sàn giao dịch nếu làm ăn theo kiểu nêu trên giống như đánh tài xỉu là bởi giữa hai
Hiện nay hàng giấy, hàng future tại Lâm đồng cũng đang có xu hướng hồi sinh (mà rồi sẽ hồi tử) như ở Daklak và Gia Lai trước kia. Nghe đâu hiện đang có phong trào mở sàn giao dịch nông sản, nhìn lại chúng ta đã thua trên sàn nông sản tự phát trước đây (giao dịch với các sàn nước ngoài), chúng ta đã có tiền lệ xấu trên sàn vàng được phép mở cửa chính thức để rồi phải đóng cửa cũng chính thức và để lại bao nhiêu hệ lụy tổn thất. |
loại hình này giống nhau về căn bản ở một điểm, đó là người đặt cược (nhà con) không hề có một chút gì chủ động hay một yếu tố nào có thể nói tương đối chắc rằng 3 con xúc xắc kia tổng sẽ ra dưới hay trên 10, một tay bạc bịp không những giỏi xóc xúc xắc mà còn rất rành tâm lý người chơi, họ biết lúc nào là cho nhà con ăn (có thế người ta mới hào hứng chơi tiếp) và lúc nào là nên đánh đòn knock-out.
Nếu như số tiền thắng thua này chạy vòng quanh trong nước thì chúng ta có thể yên tâm với định luật của ngài Lomonoxop nhưng vấn đề không phải vậy, khi chuyển số tiền này cho người thắng ở nước ngoài bằng đô la, trong khi có biết bao nhiêu rào cản để chống chảy máu ngoại tệ mạnh nhưng lại để ngoại tệ ngang nhiên sắp hàng tự nguyện chảy ra một cách hợp pháp thông qua chơi hàng giấy, qua ngân hàng trung gian.
Điều đáng buồn là hàng trăm công ty nông sản trong nước chơi hàng giấy qua các ngân hàng trung gian được ngân hàng nhà nước cho phép nhưng hàng năm, không một ngân hàng nào công bố tổng lượng ngoại tệ giao dịch với các sàn nông sản nước ngoài là bao nhiêu, phía doanh nghiệp Việt Nam thua bao nhiêu, thắng bao nhiêu?