Thứ Sáu, 29/09/2023, 12:02
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Kỳ 4: Mua sắm ở Bangkok – coi chừng hết tiền!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ 4: Mua sắm ở Bangkok – coi chừng hết tiền!

Bài và ảnh: Thanh Thanh

Kỳ 4: Mua sắm ở Bangkok - coi chừng hết tiền!
Điểm đến San Francisco ở Terminal 21.Tầng trên cùng là thành phố điện ảnh Hollywood.

(TBKTSG Online) – Để đến chợ Chatuchak, từ Bangkok, bạn có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau, nhưng sử dụng Sky train – BTS (tàu điện trên không) là lựa chọn tối ưu vì vừa nhanh chóng, an toàn và tiện lợi.

>>> Kỳ 3: Bangkok – Lộng lẫy đại hoàng cung

>>> Kỳ 2: Công viên khảo cổ Angkor

>>> Kỳ 1: Đường đến Angkor.

>>> Kỳ trước: Bangkok: Lộng lẫy đại hoàng cung.

Trên tàu điện có hệ thống loa thông báo bằng hai ngôn ngữ tiếng Thái – tiếng Anh, các trạm dừng đang và sắp đến, hoặc bạn cũng có thể theo dõi bảng điện tử (ngay trong toa xe, phía trên cửa sổ) hiển thị các điểm đã đi qua và điểm sắp đến bằng các nút đèn sáng màu đỏ và màu xanh. Các trạm của BTS đều có thang bộ, thang cuốn, thang máy, có lối đi thông với trung tâm mua sắm… Tại đây đều có các quầy bán thức ăn nhanh, nước giải khát, đồ lưu niệm…

Hành khách đi Sky train sẽ yên tâm xuống đúng nơi mình muốn, khi theo dõi bảng điện tử thông báo các trạm dừng trên Sky train.

Mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi đều được ban tổ chức phát một thẻ đi Sky train, thẻ có giá trị sử dụng trong 24 giờ của ngày hôm đó. Số lần đi không giới hạn. Bạn phải quẹt thẻ mới được vào và ra cổng của trạm đi – đến và nhớ giữ thẻ cẩn thận để sử dụng cho những lần sau. Chợ Chatuchak ở ngay bên dưới của trạm Mo Chit.

Chatuchak là ngôi chợ cuối tuần lớn nhất ở Bangkok, mở cửa ngày thứ Bảy, Chủ nhật, từ 6 giờ đến 20 giờ, về hình thức tương tự như bao ngôi chợ khác, cũng kinh doanh đủ loại mặt hàng; từ vớ, giày, quần áo, hàng lưu niệm, trang trí nội thất, đến túi xách, trang sức, thực phẩm, giải khát… với giá khá rẻ. Ngày tham quan này, ban tổ chức để cho các khách mời được tự do mua sắm, tự túc ăn trưa tùy thích… Chúng tôi có hai giờ để mua sắm và ăn trưa tại đây. Thật thú vị khi chúng tôi được tiếp cận, làm quen với những người bán hàng, họ tiếp đón khách rất niềm nở, ân cần và vui vẻ dù việc giao dịch mua bán có thành hay không.

Các khách hàng Việt Nam đang hỏi giá áo thun tại một gian hàng của chợ Chatuchak.

Áo pull cổ trái tim, đủ màu sắc và kích cỡ. Giá bình quân 100 baht/chiếc, nếu mua hai chiếc được giảm 10 baht. Một chiếc kẹp tóc có nơ, để kẹp phía sau tạo thành một kiểu tóc búi rất xinh, giá 50 baht/chiếc. Giày cao gót khoảng 5 phân, bằng nhựa, giá 120 baht/đôi. Thắt lưng giả da giá 50 baht/sợi. Cơm bình dân: cơm gà quay, kèm món canh giá 40 baht, trà đá miễn phí; nước trái cây, nước suối 12 baht… Giá bán không phân biệt khách hàng trong hay ngoài nước. Chợ này hàng hóa có giá rẻ hơn khu vực các gian hàng ngoài trời ở các khu trung tâm Bangkok.

Sát bên chợ có một công viên có nhiều cây xanh, bãi cỏ rất thoáng mát, ban tổ chức có yêu cầu chúng tôi tập trung tại đây sau khi mua sắm theo thời gian đã ấn định. Tuy nhiên, có một số bạn vẫn còn mải mê mua sắm, nên trong khi chờ đợi các bạn ra đông đủ, một số bạn – với vẻ mặt đầy thỏa mãn – ngồi xem lại những món hàng đã tậu được và ví chúng như là những “chiến lợi phẩm” vì được mua với giá “bèo” so với nơi khác. Ba lô, túi xách của mọi người đều căng phồng, tưởng chừng như dây kéo sắp bung ra vì quá tải.

Điểm đến Tokyo (Nhật) ở Terminal 21.

Có quá nhiều hàng hóa để lựa chọn và mua sắm, có lẽ đem bao nhiêu tiền cũng hết sạch vì mặt hàng nào cũng đẹp, kiểu dáng lạ mắt và hấp dẫn: nào là quần jean, áo pull, mắt kiếng, đồ lưu niệm… có bạn mua cho mẹ đôi giày, chiếc áo kiểu, có bạn mua cho cha mấy chiếc thắt lưng hay cái bóp giả da cá sấu, hay mua cho anh chị em cái áo thun, khăn choàng thời trang, bộ dụng cụ học sinh, sau khi đã mua cho mình quần jean, áo pull hay chiếc mũ model. Hàng lưu niệm thì chắc chắn ai không thể sót vì vừa làm kỷ niệm cho riêng mình (nhất là đối với nhiều bạn sinh viên do đây là lần xuất ngoại đầu tiên) vừa để tặng bạn bè, người thân.

Tham quan Terminal 21, trung tâm thương mại hiện đại, cao khoảng 7 tầng, mỗi tầng là một điểm đến (arrival) –  với thiết kế, bài trí biểu trưng cho một thành phố lớn, hay thủ đô của một trong một số quốc gia trên thế giới – thủ đô Rome của Ý, Paris của Pháp, Luân Đôn (Anh), San Francisco, Hollywood (Mỹ), Tokyo (Nhật), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)… Đến đây, cảm giác như bạn đang đáp máy bay xuống các phi trường để viếng thăm các thành phố xinh đẹp và nổi tiếng này. Và càng thích thú hơn khi bạn thấy điểm đến của nước nào thì người dân của nước đó có mặt đông hơn, tâm lý chung là ai cũng muốn tìm đến những không gian mang hình ảnh quen thuộc của mình.

Một du khách Thổ Nhĩ Kỳ đang ngồi bên bức tượng có người đàn ông chơi đàn ở điểm đến Istanbul.

Có thể nói công trình Terminal 21 là một sáng kiến, một điểm cộng cho ngành du lịch Thái Lan. Họ luôn tìm nhiều cách mới lạ để hấp dẫn du khách, thay vì cứ xây dựng một trung tâm thương mại bình thường như bao nơi khác.

Bangkok còn vô số nơi mua sắm khác như khu Siam với Siam Paragon (điểm mua sắm mới, hiện đại), trung tâm Siam, Mah Boon Krong – MBK (không cách xa khu vực Siam, bày bán nhiều mặt hàng thời trang, quần áo thể thao, điện thoại di động, các sản phẩm và phụ kiện công nghệ thông tin cho nên đây là nơi lui tới thường xuyên của giới trẻ. Trong đây cũng có khá nhiều nhà hàng, tiệm ăn). Ngoài ra, khu vực này còn có Platinum, Central World Plaza, Big C, các gian hàng ngoài trời, các khu chợ sỉ… nếu không được định hướng trước, bạn sẽ thấy choáng ngộp và lúng túng vì không biết phải chọn nơi nào để đến trước.

Ở nước nào cũng có không gian mua sắm, tuy nhiên tạo ra được môi trường phong phú, thân thiện, ấm áp, tin cậy, thoải mái giữa khách hàng và người buôn bán không phải nơi nào cũng thành công như thủ đô Bangkok.

Kỳ sau: Bang Pa In – Cung điện Mùa Hè.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới