Thứ Bảy, 30/09/2023, 19:55
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Kỳ 6: Bagan – xứ sở chùa chiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ 6: Bagan – xứ sở chùa chiền

Nguyễn Đức Quỳnh Dung

Đền chùa (paya) có mặt khắp nơi ở Bagan. Ảnh: Quỳnh Dung

(TBKTSG Online) – Thành phố Bagan gồm có ba khu, gồm Nyaung U, Old Bagan và New Bagan. Thường khách du lịch ba lô chọn khu Nyaung U để ở vì ở đó mọi thứ đều rẻ hơn so với hai khu kia. Ngoài ra Nyaung U rất gần bến tàu và bến xe vì thế cho dù khách du lịch chọn đến Bagan bằng tàu hay xe thì họ đều đến khu Nyaung U trước.

Kỳ 5: Chuyến phà dọc trên sông Ayeyarwady.

Kỳ 4: Một ngày ở ngoại ô Mandalay.

Kỳ 3: Cố đô Mandalay.

Kỳ 2: Thoát một cú lừa ở Yangon.

Kỳ 1: Đi bụi sang Myanmar.

>> Nhấp vào đây để xem thêm ảnh

Tác giả trong bộ váy (longi) truyền thống của người Myanmar. Mặt bôi thanaka như hầu hết phụ nữ địa phương.

Ở Nyaung U, giá phòng đơn khoảng 4-5 đô la Mỹ và giá phòng đôi khoảng 8-10 đô. Du khách có thể chọn thuê xe đạp hoặc xe ngựa để đi tham quan các ngôi chùa cổ (ở đây chùa, đền, tháp đều được gọi chung là ‘paya’.) Giá thuê xe đạp một ngày khoảng một đô la.

Từ khu Nyaung U đi xe đạp đến Old Bagan khoảng 45 phút. Điều khá ngạc nhiên là ở đây có chùa Mahabodhi, cả tên và kiến trúc đều rất giống chùa Mahabodhi ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn độ. Tại đây có một phụ nữ Myanmar rất thân thiện với mọi người, sẵn sàng mời các bạn nữ bôi thử thanakha (kem chống nắng và dưỡng da làm từ thân cây thanakha – đặc sản của các cô gái Myanmar). Sau đó, chị ta mời bạn mặc thử longi rồi chụp hình. Nếu thích thì bạn có thể mua một ít thanakha và một cái longi.

Bagan quả thật là một thành phố của những đền chùa, cho dù bạn đi đâu, loanh quanh thế nào thì bạn cũng ở trước hoặc sau, hoặc bên cạnh một ngôi đền hay chùa nào đó. Nghe nói ở đây có tổng cộng 4.000 ngôi đền, chùa lớn nhỏ. Và hình như người dân vẫn thấy con số 4.000 là chưa đủ nên họ vẫn tiếp tục xây dựng thêm những đền, chùa mới. Trong đó, có một số đền chùa được người nước ngoài tài trợ vì thế bạn có thể thấy tên của họ khắc trên tấm bảng đặt ngay trước cổng.

Một số ngôi chùa tháp bạn có thể leo lên đỉnh để chụp hình; từ góc nhìn trên cao, ngắm nhìn phong cảnh chung quanh thật tuyệt vời. Vì thế những khách du lịch hay nói đùa với nhau: Ở Bagan không hề có thợ chụp hình tồi, bởi vì chỉ cần bạn nhắm mắt lại, giơ máy lên, bấm một cái là có ngay một tấm hình đẹp.

Các ngôi chùa ở Bagan nổi bật với những bức tranh trên tường kể về cuộc đời hoặc những câu chuyện liên quan đến Đức Phật. Hiện nay rất nhiều bức hoạ bị người ta nạy ra để đánh cắp (nghe nói rất nhiều trong số đó là những du khách từ châu Âu) vì thế rất nhiều mảng tường trông rất loang lổ dù nhìn vẫn rất đẹp. Tôi tưởng tượng khi còn ở tình trạng nguyên thủy, những ngôi chùa ở Myanmar trông rực rỡ và đẹp mắt biết bao với những bức hoạ trên tường này.

Tranh vẽ trên trần nhà chùa bị tróc lở. Ở giữa là hình hai bàn chân đức Phật. Ảnh: Quỳnh Dung

Một điều đặc biệt nữa ở Bagan là những ngôi chùa nằm trong top 5 có khi lại không đẹp bằng những ngôi chùa không được liệt kê trong sách. Tôi nghĩ điều này cũng hay, bởi vì nhờ thế những ngôi chùa ít nổi tiếng này mới giữ được nguyên trạng và khá yên tĩnh, bởi vì chỉ có những du khách tự đi khám phá tìm tòi thì mới phát hiện, những du khách đi trên những chiếc xe buýt lớn và đi theo tour chẳng bao giờ biết đến những nơi này.

Suốt ba ngày ở Bagan, tôi và một người bạn ở Bỉ cứ đạp xe đi thăm những ngôi chùa và chúng tôi luôn bị bất ngờ bởi nhiều nơi đẹp đến lặng người và cảm nhận những giây phút nhẹ nhàng trong không gian yên tĩnh ở những cảnh chùa tịch mịch.

Tranh cát Bagan

Tượng Phật ở chùa Ananda. Ảnh: QD

Bất kỳ du khách nào khi đến Bagan cũng được chào mời đặc sản nơi đây là tranh cát. Các nghệ nhân dùng cát ở bờ sông gần đó, trải ra giấy vải cotton, tráng và nén, sau đó vẽ tranh lên, rồi tô màu, thế là một bức tranh cát ra đời. Có người sử dụng vàng pha loãng ra rồi dùng để tô màu cho bức tranh, vì vậy bức tranh có màu sắc khá lạ và óng ánh vàng. Một bức tranh như vậy giá khoảng 15-25 đô la Mỹ.

Nội dung các bức tranh nói về văn hoá, con người Myanmar, hoặc kể về cuộc đời đức Phật. Thường gặp nhất là những bức tranh vẽ vị Phật tương lai, tranh vẽ bàn chân Phật với 108 câu chuyện trên đó, tranh về lịch của người Myanmar (ở đây người dân tin rằng mỗi ngày trong tuần đều tương ứng với một con vật, ví dụ ai sinh vào thứ Hai thì tương ứng với con hổ và mỗi ngày họ đều đến chùa, cầu nguyện trước bàn thờ có hình con hổ).

Do những bức tranh thường được sao chép từ những ngôi chuà nên thường chúng trông khá giống nhau. Vì thế nếu bạn muốn mua thì khoan mua ngay, hãy đi lòng vòng các ngôi chùa dọ giá trước sau đó hãy quyết định. Người bạn Bỉ của tôi đã mua hớ giá hai bức tranh về bàn chân Phật và vị Phật tương lai bởi vì đã mua ngay tại ngôi chùa đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm. Sau một hai ngày đi rảo khắp các ngôi chùa, chúng tôi phát hiện ra giá thật sự rẻ hơn rất nhiều và bạn sẽ luôn bị bao vây bởi đội quân bán tranh cát cho dù bạn đang ở những ngôi chùa hẻo lánh ít khách vãng lai hay những nơi tấp nập du khách.

Đầu tiên một người Myanmar sẽ thân thiện tiếp cận bạn, hỏi thăm vài câu và sau đó rất lịch sự và nhẹ nhàng đề nghị bạn đừng nổi giận khi anh ta bày tranh của mình ra với giá rất rẻ dành cho bạn, và bạn chỉ cần mua một bức thôi. Một hai ngày đầu tiên, chúng tôi còn lịch sự xem tranh, sau đó oải quá nên từ chối ngay khi được đề nghị bởi vì ở đây một du khách có thể được chào mời bởi hàng trăm người bán tranh cát, bao gồm cả người lớn, trẻ em và người già.

Khi tôi hỏi là tại sao họ không mang tranh đến những thành phố khác để bán, như vậy họ sẽ có nhiều khách hơn. Họ trả lời rằng chính phủ không cho phép làm thế (?). Hóa ra, những người bán tranh cát cũng phải có giấy phép hành nghề. Họ cho biết, mỗi giấy phép có giá khoảng 40 đô la Mỹ, một số tiền không nhỏ đối với người dân lao động ở đây. Những người không xin được giấy phép chỉ dám hành nghề ở những ngôi chùa nhỏ, ít có khách du lịch chứ không dám đến những nơi thường xuyên có du khách ghé thăm.

Dù bị vây quanh bởi đội quân bán tranh cát, chúng tôi vẫn không bị làm cho nản lòng và thối chí bởi vì vẻ đẹp của thành phố này quả là có một không hai. Đặc biệt là khi leo lên một ngôi tháp mà ngắm cảnh hoàng hôn, bạn sẽ có cảm giác chẳng khác nào đang ở xứ sở thần tiên. Trong ba ngày ở đây, tôi đã chụp khoảng 1.000 tấm hình và người bạn Bỉ của tôi cũng vậy. Suốt thời gian ở đây, chúng tôi luôn mồm thốt lên “đẹp quá!” hoặc “không thể tin nổi!”.

Hoàng hôn Bagan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới