Thứ Hai, 25/09/2023, 08:00
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Kỳ cuối: Chặng đường về thót tim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ cuối: Chặng đường về thót tim

Bài và ảnh: Lê San

Kỳ cuối: Chặng đường về thót tim
Cánh đồng chum ở tỉnh Xiengkhuang, Lào.

(TBKTSG Online) – Khi tất cả 8 xe đã buộc đồ đạc xong xuôi để xuất phát đi Xiêngkhuang thì một chiếc xe máy lại dở chứng. Đám con trai hì hục vào sửa chữa, nhưng rốt cuộc không thể đi thêm một cây số nào nữa, đành cho nó lên ô tô từ Luang Prabang để về Việt Nam. Đồng thời hai người cỡi “em nó” cũng phải đi xe khách về theo.

>>> Kỳ 1: Rong ruổi xe máy qua vùng Bắc Lào.

>>> Kỳ trước: Cố đô êm ả.

Mỗi ngày có một tuyến xe từ Luang Prabang về Việt Nam qua cửa khẩu Nậm Cắn ở Nghệ An. Mất thêm 1 triệu tiền cước xe và 700.000 kíp/2 người. Có lẽ đây là điềm báo cho một chặng đường trầy trật phía trước. Đoàn còn lại 7 xe máy lên đường về nước. Rời Luang Prabang, xuôi theo quốc lộ 7 đến thị xã Phonsavan, tỉnh Xiengkhuang, nơi có địa danh Cánh đồng chum nổi tiếng.

Thêm một xe máy phải gửi ô tô quay về trước khi đến được Cánh đồng chum.

Cung đường gần 500 km toàn bộ là đèo dốc. Những khúc cua gấp liên tục làm cho cả người nhộn nhạo. Đang đổ đèo ngon trớn thì một xe mất lái lao vào vách đá. May mắn là đâm vào vách đá chứ trượt chút nữa là rơi xuống vực. Do tốc độ đi chậm nên anh chàng lái xe chỉ bị trầy môi, người đằng sau không bị làm sao. Chiếc xe không chạy được nữa. Cả đoàn dừng lại, vạ vật giữa trưa nắng chang chang để nghĩ ra biện pháp.

Cuối cùng trưởng đoàn quyết định ra đường vẫy nhờ xe đưa trở lại Luang Prabang rồi cho theo xe khách về Việt Nam. Có rất nhiều xe bán tải chạy ngang qua đường và một xe dừng lại chở cả người lẫn xe với giá 300.000 kíp. Đoàn lại bị rơi rụng thêm một xe và hai người. Cả quãng đường còn lại về thị xã Phonsavan, tay lái nào cũng tập trung cao độ. May mắn thay dọc đường không xảy ra sự cố nào nữa. Chúng tôi đến được Phonsavan lúc 10 giờ tối.

Cả thị xã chỉ có một cột đèn đỏ duy nhất, chỗ ngã tư đường dẫn đến Cánh đồng chum. Cả đoàn hò hét như thấy chuyện lạ. Đây cũng đèn dỏ duy nhất chúng tôi thấy trong suốt chuyến đi trên đất Lào. Dân Lào đi xe rất chậm và có quy củ.

Những chiếc chum đá nặng khoảng 500kg đến 1 tấn, có niên đại 15 – 20 thế kỷ.

Chúng tôi nghỉ trọ lại chờ sáng mai đi thăm Cánh đồng chum. Thị xã nhỏ bé này từng bị tàn phá nặng nề trong thời chiến tranh trước đây gần nửa thế kỷ; ngày nay thì toàn bộ Cánh đồng chum chịu thêm thảm họa đốt rừng của cư dân. Cánh đồng chum là tên gọi cả một khu vực văn hóa lịch sử gần thị xã Phonsavan (tỉnh Xiengkhuang), nơi có hàng ngàn chum bằng đá (có niên đại khoảng 1.500 – 2.000 năm) nằm rải rác dọc theo cánh đồng thuộc cao nguyên Xiengkhuang, ở vị trí đầu phía bắc của dãy núi Trường Sơn. Có 3 khu vực được tham quan trong khoảng 2.000 khu vực. Theo người quản lý khách sạn, nơi này còn sót lại rất nhiều bom mìn từ hồi chiến tranh. Đi lang thang bậy bạ rất có khả năng “tạch”.

Chúng tôi tham quan khu vực 1 cách thị xã khoảng 15km. Các chum đá được làm từ đá vôi, đá ong và đá cẩm thạch nặng từ 500kg đến 1 tấn. Làm thế nào những cái chum cổ này xuất hiện và tác dụng của nó vẫn là một bí ẩn. Nhiều người đồn rằng mỗi cái chum là một ngôi mộ. Nghe thế, cả đoàn chúng tôi chẳng ai dám ngồi lên một cái chum nào. Vì cánh đồng nào cũng giống nhau nên chúng tôi tranh thủ thời gian tham quan rồi lên đường về cửa khẩu Nậm Cắn ở Nghệ An để xuôi về Hà Nội.

Mới có mấy ngày ở trên đất Lào nhưng chúng tôi ai cũng cảm thấy mình đã đi một thời gian rất lâu. Cảm giác nhớ nhà nôn nao. Đường về tiếp tục đi qua những đoạn đèo dốc. Thỉnh thoảng đi qua những bản làng, người dân Lào vẫn đang ăn mừng năm mới, nhảy múa tưng bừng. Đang đi ngon trớn, trời bỗng dưng tối sầm, mưa đổ xuống như trút. Đường đã khó đi lại càng khó hơn. Liên tục vào thắng và cài số. Qua một đoạn đèo cua gấp, một xe bẻ cua không kịp lại bị “xòe”, may nhờ mặc áo mưa nên người lái xe chỉ bị xước củi chỏ chảy máu. Người ngồi sau và xe không việc gì.

Qua cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), còn cách Hà Nội 300km nhưng đã thấy gần như đã về nhà.

Đi được một đoạn lại có một xe khác bị “xòe”, cả người lăn lông lốc làm cả đoàn hoảng hồn. May sao người cũng chỉ bị xây xát nhẹ. Phía trước một chiếc xe máy của các bạn Lào cũng bị ngã, cả đoàn lại giúp. Anh lái xe bị gãy mất hai cái răng cửa, còn bạn ngồi sau thì bị trầy đầu gối. Anh bạn đỡ cái xe dậy hoảng hồn, vì xe của bạn Lào này không có thắng trước. Xe cứ trượt về phía trước. Lúc này mới biết các bạn Lào đi xe "điêu luyện" như thế nào.

Mưa to vẫn không dứt, gió thổi phần phật, chúng tôi vẫn cố đi tiếp. Vì 4 giờ là cửa khẩu ở nước bạn đóng cửa. Trầy trật rốt cuộc cũng đến được cửa khẩu kịp giờ. Chúng tôi vào làm thủ tục rất nhanh nhưng lại tiếp tục bị phạt mỗi xe 50.000 kíp. Lý do các anh đưa ra là chúng tôi đi sai cửa khẩu. Nhập cảnh ở cửa khẩu nào thì phải xuất lại ở cửa khẩu đó. Nộp phạt xong các anh vui vẻ tiễn đoàn chúng tôi đi. Cũng không quên một câu “Sabaidee Bunpimay”. Về tới cửa khẩu bên Việt Nam, mặc dù còn quãng đường hơn 300km nữa mới tới Hà Nội nhưng ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng cũng đã về tới Việt Nam, chuyến đi ngắn ngủi nhưng đầy bất trắc và cả những kỷ niệm tuyệt vời về một đất nước Lào thân thiện và hiếu khách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới