Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ký gửi cà phê: Lợi ích nhiều hơn rủi ro

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ký gửi cà phê: Lợi ích nhiều hơn rủi ro

Hồng Văn thực hiện

Ông Lê Đình Trị Lê

(TBKTSG Online) – Ký gửi cà phê từ nông dân tới đại lý, hay nông dân, đại lý tới doanh nghiệp xuất khẩu trong hơn 15 năm qua đã hình thành nên một tập quán gắn liền với đường đi của hạt cà phê nhân từ khâu sản xuất tới khi xuống tàu xuất khẩu, thế nhưng, tập quán này cũng đi kèm nhiều rủi ro cho các bên tham gia.

>>Nên luật pháp hóa thủ tục mua bán cà phê chốt giá sau

>>Hơn 18.000 tấn cà phê gửi kho: Kẻ nói có người nói không

>>Sự hình thành và cách làm ăn của các đại lý cà phê

>>Ký gửi cà phê: rủi ro đeo bám nông dân 

Chuyên trang Nông sản Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi cùng ông Lê Đình Trị Lê, ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Inexim Dak Lak, một chuyên gia pháp lý và người đã gắn với kinh doanh cà phê hơn 15 năm qua xung quanh tập quán ký gửi cà phê ở Tây Nguyên.

– TBKTSG Online: Thưa ông, là người trồng cà phê và hàng năm ông cũng mang cà phê của mình đi ký gửi, nhưng lại là chuyên gia pháp lý và là đại diện của doanh nghiệp khi tranh tụng trước tòa án những vụ việc liên quan tới ký gửi cà phê, ông có thể cho giải thích cho bạn đọc báo cái gọi là tập quán ký gửi và nhận gửi cà phê từ nông dân cho đại lý, nông dân và đại lý với các công ty trong hơn 15 năm qua?

Ông Lê Đình Trị Lê: Hình thức cà phê gửi kho là người sản xuất có cà phê mang đến gửi cho đại lý hoặc doanh nghiệp xuất khẩu, các đại lý nhận gửi cà phê của nhiều hộ trong vùng rồi mang đến kho doanh nghiệp xuất khẩu gửi và với người gửi, dù là nông dân hay đại lý thì mục đích cuối cùng là chờ giá tốt để bán.

Từ những năm 1994 trở về trước, cụm từ “ký gửi cà phê” hầu như ít người biết đến. Do vào thời kỳ này, việc quyết định giá mua – bán cà phê nội địa hầu như thuộc độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, đại lý chỉ là người mua gom cho các doanh nghiệp, còn nông dân sản xuất cà phê thì chỉ có biết giá bán do các doanh nghiệp và đại lý thông báo.

Khi giá cà phê tăng đột biến vào vụ mùa 1995 – 1996 và vẫn giữ giá ở mức cao các năm tiếp theo nên rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu cơ từ khắp các nơi đổ về Tây Nguyên mua cà phê bằng hình thức chốt giá giao tiền cho doanh nghiệp quy ra lượng cà phê gửi kho hoặc có thể tổ chức mua gom rồi gửi vào kho các doanh nghiệp xuất khẩu để tạm trữ chờ giá lên.

Theo đó cán bộ nhân viên các công ty cà phê và nhiều người khác có tiền cũng tham gia mua cà phê của nông dân gủi kho, một số đại cà phê và người sản xuất có sản phẩm cà phê lâu nay chỉ tích trữ tại nhà nay cũng mang đến các doanh nghiệp để gửi với mong muốn khi giá tăng thì gút bán nhanh kiếm lời vì nếu trữ tại nhà thì không kịp gút và giao hàng theo giá tại một thời điểm muốn bán.

Từ đó hình thành mối quan hệ: gửi kho và nhận gửi kho cà phê cho đến nay mà chúng ta có thể gọi là tập quán ký gửi cà phê, đã ăn sâu vào tiềm thức người kinh doanh cà phê nhân.

Ngoài mục đích chờ giá tốt chốt bán kiếm lời, việc gửi kho cà phê còn giải quyết giúp nông dân nhiều mặt, như nông dân có cà phê gứi vào kho đại lý, khi cần tiền đầu tư cho vườn cây hoặc tiêu dùng khác thì người nông dân đến đại lý chốt bán một ít, số còn lại tiếp tục gửi, nên rất thuận tiện và nhanh chóng. Cũng có nhiều hộ hàng năm dành ra một ít sản lượng gửi vào đại lý để gom góp làm của để dành với mong muốn tích lũy để làm nhà, mua sắm máy móc có giá trị lớn, hoặc là nông dân có số lượng cà phê nhưng chưa có nhu cầu bán có thể mang cà phê đó đến gửi trực tiếp vào kho doanh nghiệp, các đại lý mang cà phê nhận gửi của dân đến gửi tại các doanh nghiệp để có thể ứng tiền đưa vào kinh doanh quay vòng mà không phải trả lãi vay. Còn doanh nghiệp chủ động nguồn hàng để chế biến và xuất khẩu.

Nói chung thì việc gửi và nhận gửi cà phê vào các kho của đại lý và doanh nghiệp đều có lợi cho các bên có khả năng và nhu cầu, chính vì vậy nó mới hình thành tập quán, vì nếu ký gửi mà hại nhiều hơn lợi thì tập quán này nó không tồn tại tới ngày hôm nay.

Tuy nhiên, qua thời gian từ hơn 10 năm nay việc gửi và nhận gửi cà phê vào kho tại các doanh nghiệp và đại lý cũng đã diễn ra nhiều tiêu cực, nhiều người có cà phê gửi kho thậm chí có nhiều người giữ lại cà phê để gửi kho chờ giá, mang vườn cây, nhà ở đi thế chấp ngân hàng để có tiền đầu tư nhưng cà phê thì cứ gửi, đã trở thành tay trắng vì đã bị người nhận gửi chiếm dụng rồi tuyên bố phá sản hoặc đã bỏ trốn.

– Theo ông, tại sao trong những năm qua, nhiều đại lý, công ty kinh doanh nhận ký gửi cà phê vỡ nợ, phá sản, đánh bài cùn không chịu trả khi nông dân, đại lý ký gửi tới chốt giá nhưng phương thức ký gửi vẫn tồn tại?

Không phải tất cả các doanh nghiệp, các đại lý đều hành xử như vấn đề ông đặt ra, mà nó chỉ là một bộ phận nhỏ, còn phần lớn các doanh nghiệp, các đại lý đều hoạt động tốt cho nên phương thức ký gửi cà phê vẫn tồn tại, đó là những doanh nghiệp và đại lý nhận gửi là người có đạo đức trong kinh doanh, làm ăn chân chính, họ luôn chủ động và hướng dẫn người gửi cùng thiết lập các tài liệu/hồ sơ chặt chẽ như phiếu nhập kho, phiếu kiểm định chất lượng hàng gửi, hợp đồng gửi kho, Giấy chứng nhận gửi kho…

Còn một số đơn vị, cá nhân cố tình lập lờ, chứng từ không bảo đảm tính pháp lý là nhằm để chiếm đoạt để làm giàu cá nhân, hoặc sử dụng hàng gửi đưa vào kinh doanh làm lợi cho mình, khi bị thua lỗ thì đánh bài cùn như ép chốt giá thấp, kéo dài thời gian trả nợ, hoặc tuyên bố phá sản, bỏ trốn.

Đã biết là vậy nhưng tại sao sự việc xù nợ, vỡ nợ vẫn cứ diễn ra? Vấn đề cơ bản là do người gửi thiếu thông tin và theo thói quen cứ tin tưởng vào khả năng của doanh nghiệp hoặc đại lý, cụ thể như một đại lý nào đó có dấu hiệu bất thường thì doanh nghiệp (nơi đại lý quan hệ mua bán cà phê) sớm phát hiện và tương tự nếu doanh nghiệp có dấu hiệu “không ổn” thì ngân hàng bắt mạch và có phương án hành xử ngay.

Còn bà con nông dân thì đâu có điều kiện để nắm thông tin, cứ tưởng nơi mình gửi tài sản là uy tín, là đại lý lớn, là doanh nghiệp lớn làm ăn bài bản… không thể nào cướp không của họ, đến khi mất tài sản thì mới kêu la đến chính quyền, cơ quan pháp luật.

– Luật pháp điều chỉnh mối quan hệ ký gửi cà phê như thế nào và tại sao nhiều vụ đại lý, công ty nhận ký gửi phá sản, vỡ nợ nhưng người gửi luôn đứng về phía thua thiệt, hay luật pháp chưa điều chỉnh về mói quan hệ này?

Văn bản pháp luật thì không thể quy định chi tiết cho từng hành vi phát sinh cụ thể, mối quan hệ nhận gửi tài sản được quy định tại các điều từ Điều 559 đến Điều 566 trong Bộ luật Dân sự hiện hành; còn vì sao khi các công ty, các đại lý phá sản, vỡ nợ nhưng ngưòi gửi luôn đứng về phía thua thiệt thì có mấy lý do như sau:

Thứ nhất: do tài liệu/hồ sơ chứng cứ giữa bên gửi và bên nhận không rõ ràng, thiếu chứng cứ, chứng cứ chưa hợp pháp, có sự gian dối trong khai báo cung cấp chứng cứ, có sự tranh chấp về trách nhiệm… , nên cần phải có thời gian để điều tra xác minh, đôi khi không thể chứng minh được mối quan hệ nhận và gửi nên cơ quan pháp luật không thể kết luận là có gửi hay không.

Thứ hai: do mối quan hệ gửi và nhận cà phê gửi kho là quan hệ dân sự, nên mặc dù sau khi xét xử, án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bên phải thi hành án không còn tài sản, hoặc không chứng minh được tài sản, hoặc giá trị khối tài sản hợp pháp đưa vào thi hành án không đủ để trả nợ cho bản án.

Và còn nhiều lý do khác mà trong đó có lý do tiêu cực trong thụ lý hồ sơ, điều tra xét xử đã là tiền lệ cho các vi phạm liên tiếp xảy ra trong quan hệ này.

– Cám ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới