Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỹ sư nông nghiệp ở Chile

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỹ sư nông nghiệp ở Chile

Trần Ngọc Châu

Kỹ sư nông nghiệp ở Chile
Nữ kỹ sư Emily Faulconer, Giám đốc sản xuất của hãng rượu vang Arboleda.

(TBKTSG Online) – Khi nói đến kỹ sư nông nghiệp, người ta thường nghĩ đến những sinh viên tốt nghiệp về thực vật, về giống cây trồng, về đất đai, về kỹ thuật canh tác, hay về chế tạo máy nông nghiệp… Tôi cũng vậy, chưa bao giờ nghĩ kỹ sư nông nghiệp là những người sản xuất rượu, cho đến khi tôi gặp những người sản xuất rượu vang ở Chile. Hầu hết những người mà tôi gặp đều là kỹ sư nông nghiệp.

“Tất cả các chuyên gia rượu vang đều phải tốt nghiệp đại học nông nghiệp năm năm. Sau đó thực tập ít nhất hai năm tại một vườn nho và nhà máy sản xuất rượu vang. Họ sẽ được cấp chứng chỉ là winemaker”, Max Weinlaub, Giám đốc sản xuất của hãng rượu vang Vina Maipo, vừa nói vừa ký tên anh vào chai rượu Malbec với logo là “bức tường đá”.

Tôi không biết các trường đại học nông nghiệp, chế biến thực phẩm hay bách khoa của Việt Nam có đào tạo kỹ sư nấu rượu đế (từ gạo, nếp) hay không? Tôi vẫn nghĩ rượu đế là “quốc tửu” chưa-được-bầu-chọn mà thôi vì nó gắn liền với lịch sử cây lúa nước hàng ngàn năm, giống như cây nho của nông nghiệp Chile vậy.

Chất lượng, không phải giá cả

Nhà sản xuất rượu vang, kỹ sư Eduardo Gajardo của hãng Indomita ở thung lũng Maipo, cho biết: “Các loại vang đỏ của Betwines đã được nhập vào Việt Nam và ngày càng có nhiều đơn đặt hàng”. Theo anh, có hai lý do khiến rượu vang Chile vươn lên vị trí thứ ba ở thị trường Việt Nam sau Pháp và Úc, đó là chất lượng và giá cả hợp lý. Đối với hãng của anh, ưu tiên không phải về giá cả mà về chất lượng. Điều tôi chú ý trong cách giải thích của anh về chất lượng chính là: “Bảo đảm không có can thiệp nào của công nghệ hay bàn tay con người vào quá trình sản xuất”.

Eduardo cho biết, biến đổi khí hậu đang làm con người “biết sợ” và phải tìm cách thích ứng. Công ty của anh cũng nỗ lực theo hướng đó. Các kỹ sư ở các đồn điền trồng nho bạt ngàn, ở nhà máy hay các hầm rượu vang đều hiểu rõ nguyên lý tồn tại này.

“Logo của chúng tôi là một cây cổ thụ, qua đó chúng tôi xác tín với khách hàng sự bảo vệ môi trường khi canh tác trên đất trồng nho”, chị Emily Faulconer, kỹ sư sản xuất rượu của Công ty Arboleda, vừa nói vừa chỉ tay vào logo công ty.

Còn chị Cinthia Morabito, Giám đốc nhãn hàng, người gốc Argentina, sau khi thuyết trình ở phòng thí nghiệm đã đưa chúng tôi đến “hầm đất mẫu” thực địa. Tại đây, chị chỉ cho chúng tôi các lớp đất đá với các hiệu ứng của chúng với rễ nho. “Nếu không hiểu lịch sử cấu tạo thổ nhưỡng của từng vùng thì không thể chọn giống thích hợp”, kỹ sư Cinthia nói khi nhảy lên khỏi chiếc hầm nhỏ.

Khi đến thăm vườn nho Vina Sena nằm thoai thoải sườn đồi, kỹ sư nông nghiệp Diego Rodriguez cho chúng tôi “xem” hướng gió từ bốn mặt của thung lũng, cho biết mọi giai đoạn từ xuống giống, cắt tỉa, thu hoạch đều dựa theo hướng gió và độ chiếu sáng của mặt trời. Các giống nho đỏ như Cabernet, Malbec, Carnenere, hay nho trắng Chardonay, Sauvignon blanc… cũng được lựa chọn sao cho thích hợp với đất, đá, hướng gió thổi và ánh mặt trời. “Chúng tôi rất hạn chế nước tưới, vì nước là vàng”, anh Diego nói khi đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống thung lũng, nơi có các dây dẫn nước nhỏ như những mạch máu chằng chịt đã được “chương trình hóa”.

Tôi đã từng thăm những vùng trồng cam chuyên canh trong sa mạc ở Israel và hiểu rõ nguyên tắc tiết kiệm nước tưới: không một giọt nào bị lãng phí. Tất cả nằm trong một chu kỳ của một phần mềm trong bộ nhớ.

“Canh tác khô”

Chúng tôi được kỹ sư nông nghiệp Dennis Murray, Giám đốc sản xuất của hãng Vina Montes, giới thiệu phương pháp tiết kiệm nước lần đầu tiên được thí nghiệm tại Chile. “Vào năm 2009, chúng tôi bắt đầu một dự án tiên phong trong ngành công nghiệp rượu vang. Đó là các nghiên cứu về tác động với cấp độ khác nhau của nước tưới nho, chất lượng nho và các loại rượu vang.  Kết quả cho thấy càng ít nước tưới, mặc dù sản lượng thấp, nhưng chất lượng lại tăng cao”.

Theo triết lý “canh tác khô” (dry farming), Montes để cho thiên nhiên làm công việc của nó nhờ vào lượng nước mưa. “Chúng tôi sẽ không tưới nước trừ phi thiên nhiên không cung cấp đủ lượng mưa tối thiểu mà dây nho cần. Khi đó chúng tôi mới can thiệp để bù lượng nước còn thiếu”. Phương pháp canh tác này giúp giảm đến 65% nước. Nếu tưới nước, một cây nho sẽ cho 2,2kg trái, còn nếu không tưới thì nó chỉ cho 0,5kg. Mặc dù sản lượng thấp (5.000-6000 kg/héc ta) so với tưới nước (10.000-11.000 kg/héc ta), nhưng chất lượng, độ phenols cao và màu sắc rượu rất đẹp.

“Phương pháp này mở ra một tương lai bền vững, bảo vệ môi trường. Sản xuất nhằm vào chất lượng, tăng giá trị chứ không chạy theo sản lượng. Ban đầu lợi nhuận sẽ bớt đi, nhưng đó là hứa hẹn của tương lai”, Dennis nói. Theo anh, bền vững không phải là thuật ngữ của kinh tế toàn cầu hóa, mà là một thực tế mà mỗi con người, từng công ty phải thực hiện nếu muốn tồn tại.

Dennis cho biết, bốn nhà sáng lập công ty vào năm 1987-1988 đều là kỹ sư nông nghiệp. Lúc đầu họ tự nguyện làm việc, không lãnh lương để sản xuất ra loại vang Montes Alpha Cabernet Sauvignon hảo hạng. Hiện nay, loại vang này đã xuất khẩu sang 100 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Những cá nhân sáng lập đã để lại một tấm gương sáng, đó là lý tưởng vì chất lượng. Họ đều tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, là chuyên gia. Họ mới là nhân tố chính mang hiệu quả cho ngành nông nghiệp nho chứ không phải người nông dân”, Dennis nói và cho biết thêm, cả vườn nho rộng 150 héc ta và nhà máy của Montes ở thung lũng Colchagua chỉ có 20 lao động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới