Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỹ thuật HDR: đáng yêu hay đáng ghét?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỹ thuật HDR: đáng yêu hay đáng ghét?

Phương Mai

(TBKTSG Online) – Kỹ thuật chụp ảnh HDR (high dynamic range – kỹ thuật tạo nên một bức ảnh bằng cách kết hợp nhiều bức ảnh khác chồng lên nhau) đã trở nên phổ biến trong giới nhiếp ảnh gia trong những năm gần đây.

Kỹ thuật HDR nhấn mạnh vào độ sâu giữa vùng sáng (highlight) và vùng tối (shadow) mà máy ảnh có thể ghi nhận. Điểm hay của HDR là biến bức ảnh bình thường thành bức ảnh như một tranh vẽ. Nhưng điều này cũng khiến nhiều người phàn nàn rằng sử dụng kỹ thuật HDR sẽ khiến bức ảnh trở nên “quá lố” và trông không thật.

Kỹ thuật HDR: thật hay không thật?

Ảnh chụp với kỹ thuật HDR. Tác giả: Halo

Không phải là không có cơ sở khi một số nhiếp ảnh gia đã quá đà trong việc chỉnh sửa hình ảnh bằng kỹ thuật HDR khiến cho tác phẩm không còn mang tính phản ánh trung thực hình ảnh bên ngoài nữa. Ví dụ như khung cảnh trời âm u, bỗng xuất hiện một cây bàng lớn với những tán lá to rực rỡ như đang giữa trưa hè.

Trong khi một số nhà phê bình cho rằng những bức ảnh như tranh vẽ trông quá giả tạo thì những người ủng hộ kỹ thuật HDR cho rằng HDR khiến bức ảnh lung linh hơn, có độ sâu của không gian ba chiều và giúp các bức ảnh bị hỏng (dư sáng hoặc thiếu sáng) vẫn có thể được tái sử dụng.

Một người trước đây từng có ác cảm với HDR vì theo anh trông nó cứ giả giả, thì nay sau một thời gian sử dụng kỹ thuật HDR, anh cho biết: “Từ khi có kỹ thuật HDR, những bức ảnh tưởng chừng như đã bị vứt sọt rác của tôi bỗng như hồi sinh và mang một sức sống mới”.

Với HDR thì bất cứ một ai, thậm chí các phó nháy không chuyên cũng có khả năng tạo nên một bức ảnh chuyên nghiệp.

Làm thế nào để tạo nên một bức ảnh theo kỹ thuật HDR?

Một bức ảnh HDR được tạo thành bằng cách sử dụng các chương trình chỉnh sửa ghép các bức ảnh của cùng một góc độ nhưng được chụp dưới ba chế độ khác nhau: bình thường, thiếu sáng và dư sáng. Mặc dù còn khá mới mẻ, nhưng kỹ thuật HDR đã dần khẳng định được vị trí của mình và được xem như một bộ môn nghệ thuật của nhiếp ảnh.

Ảnh chụp với kỹ thuật HDR. Tác giả: Halo

Các phần mềm xử lý đồ họa thường dùng để tạo ra các sản phẩm HDR là Photoshop và Photomatrix. Các phần mềm này sẽ tạo điểm nhấn vào phần highlight (nổi nhất, sáng nhất) và shadow (tối, mờ) trong hình để tạo nên những bức ảnh sống động, có sức sống hơn.

Một nhiếp ảnh gia người Mỹ đã sử dụng kỹ thuật HDR trong công việc được vài năm, chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn chụp một bức ảnh theo kỹ thuật HDR, bạn nhất thiết phải sử dụng chân máy, sau đó bạn chụp một loạt những bức ảnh ở cùng một góc độ nhưng theo ba chế độ khác nhau.

Tiếp theo đó, dùng các phần mềm xử lý đồ họa như Photoshop hay Photomatrix để ghép và chỉnh sửa các bức ảnh lại với nhau.”“HDR cũng cho bạn cơ hội được nhìn thấy những bức ảnh mà mắt thường bạn không thể nào nhìn thấy được” – Joseph Canady, nhiếp ảnh gia đã sử dụng hơn 100 bức ảnh để tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp mặt trời mọc trên đỉnh núi, chia sẻ về điểm mạnh của HDR.

Một bức ảnh được chỉnh sửa theo kỹ thuật HDR giúp cho hình ảnh thêm tươi sáng, giảm chói, làm bức ảnh trở nên sống động, tập trung nổi rõ những điểm nhấn.

Nhưng cũng chính vì những đặc điểm đó mà nhiều người cho rằng kỹ thuật HDR đã phá hỏng nghệ thuật nhiếp ảnh do nó tạo ra hình ảnh không thật.

Tuy vậy, khi bạn thật sự đam mê tìm tòi, sáng tạo và nhất là chỉnh sửa dựa trên những gì có thật, đừng làm quá lố thì bạn sẽ tạo nên một bức ảnh HDR tuyệt vời mà không hề mất tự nhiên.

(CNN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới