Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ký ức lịch sử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ký ức lịch sử

Huỳnh Hoa

(TBKTSG) – Trong một động thái khá bất ngờ, người lãnh đạo lãnh thổ Đài Loan theo chủ trương hòa hoãn với Trung Quốc đại lục, ông Mã Anh Cửu, đã ra một tuyên bố cứng rắn phản bác quan điểm của tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc liên quan đến cuộc kháng chiến chống Nhật thời Chiến tranh thế giới thứ 2.

Báo China Post (Đài Bắc) cho biết, nhân kỷ niệm 65 năm ngày quân phiệt Nhật đầu hàng Đồng minh, Nhân dân nhật báo Trung Quốc đăng bài xã luận ca ngợi sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc là yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Hoa. Vai trò của Trung Hoa Quốc dân đảng, của chính quyền nước Trung Hoa dân quốc đã hoàn toàn không được nhắc tới trong bài xã luận này, cũng như trong tất cả các hoạt động kỷ niệm chiến thắng được tiến hành rầm rộ khắp Trung Quốc.

Trong tuyên bố phản bác đưa ra ngày thứ Bảy 4-9, ông Mã Anh Cửu nhấn mạnh, sự thật lịch sử và duy nhất là Trung Hoa Quốc dân đảng, cùng Chính phủ Trung Hoa dân quốc, đã lãnh đạo nhân dân Trung Quốc, kể cả đại lục, tiến hành cuộc kháng chiến kéo dài tám năm chống lại ách chiếm đóng của quân phiệt Nhật. Trong cuộc kháng chiến này, 3,22 triệu sĩ quan, binh lính Trung Hoa dân quốc, trong đó có 200 tướng lĩnh, đã hy sinh. “Lịch sử kháng chiến được viết bằng máu của người dân và chiến sĩ Trung Hoa dân quốc và không ai có quyền thay đổi hoặc xuyên tạc điều đó”, Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố.

Để chứng minh cho sự thật này, chính quyền Đài Loan đã trưng ra tấm ảnh chụp tại hội nghị quốc tế Cairo (Ai Cập) năm 1943, trong đó lãnh đạo các quốc gia Đồng minh thảo luận về liên minh chống Nhật và vấn đề châu Á sau khi chiến tranh kết thúc.

Trong ảnh, ngồi bên cạnh Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill là Thống chế Trung Hoa Tưởng Giới Thạch chứ không phải là Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Hội nghị Cairo đã thành lập mặt trận Đồng minh chống Nhật và ra tuyên bố Cairo, quyết định sau chiến tranh, tất cả các vùng lãnh thổ Trung Quốc bị quân Nhật chiếm đóng, kể cả Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ (lúc ấy Đài Loan và Bành Hồ là thuộc địa của Nhật sau khi nhà Thanh chuyển giao chủ quyền các quần đảo này cho Nhật năm 1895) đều phải được trao trả cho Trung Hoa dân quốc.

Nhắc lại những sự thật lịch sử như vậy, ông Mã Anh Cửu lên án cái mà ông gọi là “nỗ lực viết lại một chương quan trọng của lịch sử hiện đại Trung Quốc”.

Trông người mà ngẫm đến ta. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra tuyên bố tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF 17) tại Hà Nội ngày 23-7, khẳng định Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia tại biển Đông và thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền ở khu vực này theo luật pháp quốc tế, báo chí Trung Quốc đã có hẳn một chiến dịch kéo dài suốt tháng 8 khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đồng thời với việc lên án Mỹ và hù dọa các quốc gia khác, chủ yếu nhắm tới Việt Nam. Tạp chí Beijing Review chẳng hạn, số ra ngày 12-8, đăng bài “Chủ quyền chính đáng”, nhấn mạnh “Chứng cứ lịch sử và pháp lý chứng minh Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở biển Đông”.

Có điều những chứng cứ mà tờ báo này nêu lên lại hoàn toàn võ đoán và không có cơ sở, trong khi chứng cứ pháp lý và lịch sử thật sự lại không được nhắc tới. Một sự thật lịch sử mới xảy ra gần đây mà ai cũng biết là ngày 19-1-1974 Trung Quốc bất ngờ dùng lực lượng hải quân áp đảo tấn công và chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Trước đó nữa, hội nghị quốc tế San Francisco ngày 8-9-1951 để thông qua Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Trường Sa (Spratlys) được Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu (chính phủ Bảo Đại) nêu lên đã không gặp phải sự phản đối nào từ 51 quốc gia tham dự; trong khi đó yêu cầu của Ngoại trưởng Chu Ân Lai giao hai quần đảo này cho Trung Quốc (trình bày thông qua Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko) đã bị bác bỏ với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận.

Điều đó có nghĩa là qua hội nghị San Francisco, quốc tế thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam chứ không thuộc Trung Quốc. Thi hành Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, chính quyền Việt Nam đã thực thi việc bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo này suốt từ đó đến nay.

Đây chỉ là một vài dữ kiện lịch sử được ghi chép đầy đủ trong công pháp quốc tế, chưa cần kể lại những chứng cứ hiển nhiên và rõ ràng về chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với hai quần đảo này trong thời kỳ Pháp thuộc và trước đó nữa, trong thời các vua chúa triều Nguyễn.

Ấy vậy mà báo chí Trung Quốc cứ liên tục tuyên truyền về “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên hai quần đảo này và rộng ra là cả biển Đông, bất chấp sự thật lịch sử và pháp lý. Điều đó chỉ có thể giải thích là họ bóp méo lịch sử để phục vụ cho lợi ích của họ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới