Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng 10 năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ vọng 10 năm

Phi Tuấn

Ông Võ Anh Tuấn, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (phải), trao biểu trưng món vay của Dự án Mekong cho PGS.TS Hà Thanh Toàn, tân Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Văn Nhật Triều.

(TBKTSG) – Những người sáng lập cùng các nhà tài trợ STF hy vọng những người nhận học bổng hôm nay sẽ thành đạt trong tương lai, và chính họ lại là những người cho trở lại.

Khi còn là sinh viên khoa Công nghệ sinh học trường Đại học An Giang khóa DH8SH, với Đào Đình Thắng số tiền 4,2 triệu đồng vay được là một “khoản đầu tư lớn và thật sự có ý nghĩa”, phần nào trang trải cho việc học. Đến nay, ra trường, Thắng đang có một công việc ổn định tại một công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, và một trong những việc đầu tiên anh làm là hoàn trả trọn vẹn số tiền đó để nó lại tiếp tục đến với những sinh viên đang cần giúp đỡ khác.

“Dù chưa thực sự thành đạt nhưng tôi đã có đủ hành trang và năng lực để vững vàng bước đi trên đường đời. Tiền vay tôi đã trả, nhưng ân tình đã được nhận qua chương trình thì sẽ mãi không quên”, Thắng tâm sự.

Số tiền mà Thắng vay nằm trong Dự án Mekong, thuộc Chương trình cho vay tiền học không tính lãi của Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Foundation – STF).

Một ngày đẹp trời năm 2009, ông Võ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng, đã tìm đến STF. Ngành địa ốc ngày đó đang dần thấm đòn của khủng hoảng, nhưng ấp ủ về một dự án hỗ trợ sinh viên khu vực ĐBSCL của ông Tuấn, cùng với nỗi trăn trở về giáo dục của những thành viên sáng lập STF đã gặp nhau. Và kết quả là đến nay đã có 961 sinh viên các trường đại học Cần Thơ, Cửu Long, An Giang và trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau mượn hơn 3,4 tỉ đồng, trong số nguồn quỹ ban đầu là 4 tỉ đồng do Vạn Phát Hưng tài trợ.

Từ kết quả của Dự án Mekong, một chương trình tương tự, Dự án miền Trung, cũng được khởi động, nguồn vốn ban đầu do chương trình hòa nhạc hàng năm Saigon Times Concert và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam đóng góp.

Trở lại thời kỳ ban đầu, hơn 10 năm trước, chứng kiến những khó khăn của học sinh, sinh viên khu vực ĐBSCL và miền Trung trong việc tìm đường đến trường sau những thiên tai lũ lụt liên miên, ý tưởng thành lập một quỹ hỗ trợ giáo dục được hình thành. Khi đó, nhóm TBKTSG đã cùng các thân hữu hỗ trợ cho 2.500 học sinh, sinh viên của miền Trung và ĐBSCL tiếp tục đến trường. Và ngày 22-2-2002, STF đã được thành lập với sứ mạng góp phần phát triển nguồn nhân lực, giúp đỡ những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục giấc mơ đến lớp. Những phần học bổng dài hạn được cấp, những tủ sách tri thức được xây dựng, những ngày hội thi tay nghề được tổ chức, những chiếc máy vi tính được trao đến các vùng xa, những khoản vay không lấy lãi được thực hiện…

STF từ đó có thêm những doanh nghiệp đồng hành trong các chương trình như: Học bổng một lần hoặc dài hạn STF-Doanh nghiệp, Chương trình cho vay tiền học không tính lãi tại ĐBSCL và miền Trung, “Hỗ trợ máy tính cho trường học vùng xa”, xây lớp học cho trường học vùng sâu: Công ty TNHH Thực phẩm Dân Ôn (DanOn Foods), Công ty PepsiCo International Vietnam, Ngân hàng TMCP Á Châu, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng, Công ty liên doanh TNHH KFC Việt Nam, Tổng công ty Bến Thành, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, Công ty một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, Công ty TNHH Manulife Việt Nam, Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam, Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam, Công ty Metinfo, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH CSC Việt Nam, Công ty Nestlé Việt Nam, tập đoàn Berjaya Corporation Berhad…

Danh sách còn rất dài và có một điều không thể kể hết là tấm lòng của những mạnh thường quân. Ngoài những suất học bổng trao tặng, còn đó những đóng góp lặng thầm đơn giản, nhưng hữu ích. Đó là tìm và biên dịch để in các cuốn sách phổ cập tri thức của nhóm thân hữu trí thức người Việt ở Úc, ở Đức. Đó đơn thuần là hành động biếu tặng tiền nhuận bút của các cộng tác viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn như các anh: Trương Văn Tân, Trang Quan Sen… hay là những buổi giao lưu sôi động của nhóm Doanh nhân hát với những thông điệp ấm áp. Một hình ảnh mà các chị ở STF hay nhắc đến là phu nhân của cựu Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, bà Nyetta J. Yarkin, hàng tuần đều đặn nhận bài qua e-mail, biên tập các bài báo tiếng Anh của tờ Saigon Times Weekly, và tất cả số tiền nhuận bút bà nhận được suốt từ tháng 6-2008 đến tháng 4-2010 đều tặng cho STF.

Nói như ông Tuấn của Vạn Phát Hưng, làm công tác xã hội không nên so sánh tiền ít hay nhiều, mà quan trọng là ở tấm lòng, bởi tự thân hành động giúp đỡ đã nói lên tất cả. Đơn giản, sự giúp đỡ của họ là kỳ vọng thắp lên ngọn lửa tri thức đang hái những quả ngọt cho xã hội.

Trong 10 năm của STF thì có đến phân nửa thời gian giới doanh nghiệp tài trợ lâm vào giai đoạn khó khăn của khủng hoảng. Những mạnh thường quân cũng khó tìm hơn, bởi công việc kinh doanh chưa thuận lợi. Nhưng chính trong bối cảnh đó, STF vẫn cùng các nhà tài trợ xây trường, tặng máy vi tính, dịch sách, trao học bổng… Đặt trong bối cảnh đồng tiền làm ra khó khăn hơn mới thấy những nỗ lực đó đầy ý nghĩa. Cả các mạnh thường quân, lẫn những người điều hành STF tự nhủ đó chính là trách nhiệm của mình.

Những người sáng lập cùng các nhà tài trợ không đặt nhiều điều kiện đối với những người thụ hưởng, nhưng họ có một kỳ vọng trong việc chia sẻ khó khăn với học sinh sinh viên, rằng một ngày nào đó trong tương lai, những người nhận hôm nay sẽ thành đạt, và chính họ lại là những người cho trở lại, vì hơn ai hết, chính họ là những người hiểu hơn ai hết giá trị của sự giúp đỡ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới