Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng các khoản đầu tư từ châu Âu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ vọng các khoản đầu tư từ châu Âu

Quốc Hùng

(TBKTSG) – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) mà Nghị viện châu Âu vừa thông qua được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư và hàng hóa chất lượng cao từ Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam.

Kỳ vọng các khoản đầu tư từ châu Âu
Nhiều doanh nghiệp khu vực châu Âu tham gia hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại ở Việt Nam.Ảnh: Quốc Hùng

Cơ hội tăng dòng vốn

Bước vào những ngày làm việc đầu năm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam – Vũng Tàu đã nhận giấy phép điều chỉnh tăng vốn thêm 68,8 triệu đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư của nhà máy Heineken tại Bà Rịa-Vũng Tàu lên 381,3 triệu đô la. Theo đó, nhà máy bia Heineken tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A sẽ nâng công suất thêm 490 triệu lít/năm, đạt 1.100 triệu lít/năm.

Trong khi đó, Công ty Datalogic Việt Nam ở khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) có vốn đầu tư từ Ý, chuyên sản xuất máy đọc mã vạch, sau 10 năm liên tục nâng công suất hiện đã đạt doanh thu hơn 200 triệu đô la/năm, trở thành nhà máy lớn nhất trên thế giới của tập đoàn này. Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Datalogic Việt Nam, cho biết đây là nhà máy duy nhất của Datalogic ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, luôn trong tư thế sẵn sàng tăng công suất khi nhu cầu thị trường trên thế giới tăng.

Cũng gần đây, nhà máy Nestlé Bông Sen tại Hưng Yên của Công ty Nestlé Việt Nam đã hoàn thành việc mở rộng sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao. Với việc này, nhà máy đã nâng tổng vốn đầu tư lên 107 triệu franc Thụy Sỹ, tăng gấp đôi công suất và những điều kiện sản xuất giảm thiểu tác động tới môi trường, như việc sử dụng năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời.

Việc rót thêm vốn của Heineken, Datalogic và Nestlé… phần nào cho thấy sự tin tưởng của các doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường đầu tư ở Việt Nam. Tính đến giữa năm 2019 đã có khoảng 2.250 dự án từ khu vực châu Âu đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký gần 25 tỉ đô la Mỹ.

Đáng chú ý, những nhà đầu tư mới từ khu vực này đang gia tăng các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng đầu tiên của năm 2020 có khá nhiều dự án mới được cấp chứng nhận đầu tư. Như Pháp có 4 dự án mới, 2 dự án tăng vốn cùng với 19 lượt đầu tư góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước; Đức có 3 dự án mới, 3 dự án tăng vốn cùng 4 lượt góp vốn mua cổ phần; Hà Lan tuy chỉ với một dự án đầu tư mới nhưng vốn đăng ký khoảng 20 triệu đô la, cùng 6 lượt góp vốn mua cổ phần với gần 15 triệu đô la… Những động thái này được cho là các doanh nghiệp đón đầu cơ hội khi EVFTA và EVIPA có hiệu lực.

Trên thực tế, việc đón đầu này đã diễn ra từ gần 3 năm nay. Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA là hiệp định thương mại tự do toàn diện và tham vọng nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển. “Lần đầu tiên, thỏa thuận này cho phép Việt Nam tiếp cận đặc quyền thị trường tiêu dùng châu Âu khoảng 500 triệu người, đồng thời mở ra cơ hội phát triển thị trường cho các nhà đầu tư châu Âu”, ông nói.

Theo các chuyên gia, với tiềm năng phát triển hoạt động đầu tư từ các nước EU cùng với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại và đầu tư của EU với khu vực. Theo Eurocham, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn. Một khảo sát từ hơn 1.000 doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam năm 2019 cho thấy một xu hướng mở rộng kinh doanh và giao thương tại Việt Nam. Các chuyên gia dự đoán với “đòn bẩy EVFTA”, GDP của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng 7-8% vào năm 2025.

Còn nhiều việc phải làm

Theo một số doanh nghiệp châu Âu, với lợi thế “cầu nối” của thị trường ASEAN và những cam kết đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn trong EVFTA và EVIPA, Việt Nam có cơ hội thu hút những luồng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU và mức đầu tư sẽ tăng trên tất cả các lĩnh vực.

Với EVFTA, Việt Nam có cam kết trong các lĩnh vực mới như chính sách cạnh tranh hay sự bảo hộ sở hữu trí tuệ ở mức độ cao. Còn trong EVIPA, Việt Nam sẽ tự do hóa thị trường đầu tư, tạo sự thuận lợi tương đương cho nhà đầu tư nước ngoài như các nhà đầu tư trong nước. Một số cam kết trong bảo hộ đầu tư bao gồm không trưng thu và quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư, hoặc đảm bảo đền bù thỏa đáng nếu trưng thu và quốc hữu hóa…

Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư trong EVIPA sẽ tiếp tục góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn vốn đầu tư từ EU và các nước khác.

Những cam kết trong EVIPA được xây dựng chi tiết và tiến bộ hơn so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các nước thành viên EU trước đây. Điều này giúp Việt Nam đạt được sự cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, có tiêu chí rõ ràng cho từng hành vi mà Nhà nước không được thực hiện; có những quy định nhằm bảo đảm quyền điều chỉnh chính sách của quốc gia nhận vốn đầu tư, nhất là đối với các chính sách về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn môi trường, bảo vệ người tiêu dùng…; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư thường trực thay cho cơ chế giải quyết theo vụ việc…

Những lĩnh vực mà Việt Nam cam kết điều kiện thuận lợi hơn cho EU, gồm một số dịch vụ chuyên môn, các dịch vụ tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối cũng như các lĩnh vực mà EU có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…, được kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Về những kỳ vọng đối với chất lượng của dòng vốn đầu tư, có ý kiến cho rằng các đối tác EU có ưu thế về công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ sạch cũng như có tính minh bạch thực thi luật pháp, thực thi cam kết. Do đó, những dòng vốn FDI từ EU thông qua các dự án có thể giúp Việt Nam tiếp cận và bắt kịp các xu hướng phát triển mới của thế giới, thúc đẩy phát triển kinh tế mà không gây tổn hại các mục tiêu xã hội và môi trường.

Nhưng bên cạnh những thuận lợi vẫn còn đó những thách thức. Bởi lẽ với mục tiêu thu hút FDI chất lượng cao, EVIPA được đánh giá mới chỉ là yếu tố hỗ trợ chứ không mang tính quyết định đối với hoạt động đầu tư. Muốn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và trình độ công nghệ.

Một trong những mối lo ngại lớn của các nhà đầu tư EU là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam vẫn cần rà soát Luật Sở hữu trí tuệ nhằm có những điều chỉnh phù hợp với các cam kết sâu hơn trong EVFTA và các FTA thế hệ mới khác, cũng như để bảo đảm thực thi đầy đủ và nghiêm túc các cam kết. Bên cạnh đó là việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, như hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp liên quan đến đầu tư, đất đai, quy hoạch…; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công; phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực…

Theo người đứng đầu EuroCham, các nhà đầu tư EU muốn có một môi trường đầu tư và thương mại có thể dự đoán, ổn định và thân thiện với doanh nghiệp. “Các kiến nghị của các thành viên EuroCham nếu được xem xét tháo gỡ sẽ giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng và phát triển”, ông Nicolas lưu ý. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới