Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng đổi mới toàn diện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ vọng đổi mới toàn diện

Lê Văn Tứ

(TBKTSG) – Đại hội VI (1986) của Đảng đã được ghi vào lịch sử là đại hội đổi mới, bởi đã diễn ra theo một tinh thần mới, một cách làm mới, so với các đại hội trước.

Thay vì dàn đều tổng kết thành tích, nêu lên những yếu kém, khuyết điểm và xác định nhiệm vụ nhiệm kỳ tới cao hơn nữa, Đại hội VI đã dùng phép duy vật biện chứng “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói đúng sự thật”, tập trung phân tích những sai lầm trong thời kỳ sau chiến tranh đã khiến đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng.

Điều đặc biệt có ý nghĩa là đại hội đã đi tới gốc của thực trạng, tìm ra nguyên nhân của nguyên nhân khủng hoảng là “những yếu kém trong công tác tư tưởng và tổ chức”.

Thấm đượm tinh thần cách mạng và phương pháp khoa học đó, Đại hội VI đã quyết định đường lối đổi mới, bắt đầu từ đổi mới kinh tế trên cơ sở đổi mới tư duy kinh tế, chuyển nền kinh tế từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhờ thực hiện đường lối đổi mới đó, với những bổ sung của các đại hội sau, kinh tế dần hồi phục và phát triển, không những vượt qua được khủng hoảng kinh tế trầm trọng trong giai đoạn 1976-1985, chịu được tác động tiêu cực của những cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính khu vực và thế giới, mà còn đưa được nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đó là những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đường lối đổi mới.

Ba bài học từ Đại hội VI

Các đại hội sau Đại hội VI đã trở lại với thông lệ dàn đều vốn có: khẳng định thành tích, vạch yếu kém, định nhiệm vụ. Các dự thảo văn kiện Đại hội XI cũng tiếp tục tinh thần: “Không ai có thể và được phép phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 25 năm đổi mới”.

Nhưng tình hình đất nước hiện nay không cho phép chúng ta say sưa với những thành tựu đã đạt, bởi:

1) đó vẫn chỉ là những điểm khởi đầu trên con đường dài đi tới “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, thường được gọi là giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội; và 2) thực trạng kinh tế-xã hội nước ta hiện nay đang ẩn chứa nhiều bất ổn, có thể biến thành khủng hoảng dưới những dạng mới nếu xử lý không tốt những vấn đề mới nảy sinh từ thắng lợi đạt được. Chưa kể những tác động bất lợi khác.

Tóm lại, đất nước có tiến lên, nhưng nguy cơ tụt hậu vẫn còn, nếu nhịp độ phát triển không cao hơn, bền vững hơn.

Không phải Đảng và Nhà nước ta không sớm nhận thấy những bất ổn này và không đề ra những biện pháp ngăn chặn. Nhưng thực tế cho thấy rất nhiều vấn đề kinh tế-xã hội bức xúc chưa được xử lý thấu đáo do chưa được nhận diện đúng mức và có tính hệ thống. Việc xử lý thường nửa vời, không dứt điểm. Phải nói rằng tình trạng trên đã và đang tác động không nhỏ tới lòng tin của dân đối với Đảng và đảng viên, đối với Nhà nước và nhân viên công quyền.

Những thành tựu kinh tế đạt được từ sau Đại hội VI khẳng định tính đúng đắn, hợp quy luật của đường lối đổi mới. Nhưng mặt khác không thể không thấy rằng những thành tựu đó đã bị hạn chế, do nhiều chủ trương, chính sách kinh tế chưa đủ rõ ràng, minh bạch, có trường hợp trái chiều nhau.

Nguyên nhân là tư duy đổi mới chưa toàn diện, thiếu hệ thống, không theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Do đó lúng túng trong hóa giải những mâu thuẫn mới xuất hiện, như: mâu thuẫn giữa nhịp độ tăng trưởng nhanh về mặt số lượng nhưng thiếu vững chắc, chậm cải thiện nhiều mặt chất lượng; mức sống được cải thiện, nhưng chất lượng cuộc sống giảm sút; phát triển kinh tế nhưng môi trường suy thoái; nhiều mâu thuẫn trong quan hệ lao động và tiền lương, trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong quan hệ sở hữu…

Để tiếp tục tiến lên theo con đường Đại hội VI đã mở ra, không có cách nào khác là phải ôn lại và nâng tầm ba bài học:

1) Về phương pháp: phải nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống (sự thật).

2) Về biện pháp: phải tập trung vào đổi mới công tác tư tưởng và tổ chức, trước hết là đổi mới tư duy.

3) Về bước đi: lúc đầu tập trung đổi mới kinh tế là đúng, nhưng để đổi mới không bị chững lại, phải đổi mới toàn diện. Cần thấy rằng ngay từ Đại hội IX (2001), Đảng đã chủ trương tiến hành cải cách hành chính. Có thể coi đó như là bước bắt đầu mở sang đổi mới chính trị. Tiếc rằng cho đến nay, cải cách hành chính vẫn chưa đạt kết quả mong muốn, mà nguyên nhân sâu xa là đổi mới vẫn mang tính cục bộ, chưa phải là đổi mới toàn diện.

Làm sao để đổi mới toàn diện?

Lý luận cũng như thực tế nóng hổi của đổi mới cho thấy: tất cả các vấn đề kinh tế – xã hội đều là tổng hòa của các quan hệ xã hội, vấn đề chỉ là ở độ đậm nhạt mặt này, mặt khác mà thôi. Trong các vấn đề kinh tế đều có sự chi phối của các yếu tố chính trị và văn hóa. Cho nên chỉ tập trung đổi mới kinh tế thì đến mức nào đó sẽ xuất hiện vật cản từ chính trị hay văn hóa. Muốn đưa đổi mới kinh tế lên tầm cao hơn, phải dọn dẹp những vật cản đó, phải tiến hành đồng thời đổi mới chính trị, văn hóa.

Biểu hiện rõ nhất mối liên hệ giữa kinh tế, chính trị, văn hóa có thể thấy được ngay trong cụm từ “kinh tế thị trường nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thoạt nghe tưởng đó là kinh tế, song “nhiều thành phần” và “sự quản lý của Nhà nước” lại là chính trị, còn “xã hội chủ nghĩa” là vấn đề nhận thức các dạng quan hệ xã hội, thuộc về ý thức hệ, thuộc văn hóa. Vậy là trong kinh tế, có chính trị và văn hóa và ngược lại.

Cho nên muốn đạt thành tựu vững chắc trong đổi mới, phải có quan điểm đổi mới toàn diện. Trong tư duy mỗi vấn đề đều phải đặt nó trong mối quan hệ tác động lẫn nhau với các vấn đề khác, tạo ra hợp lực cùng hướng, cùng chiều, các lực đổi mới sẽ cộng hưởng, không cản kéo nhau. Nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế – xã hội hiện nay, có thể thấy những mâu thuẫn mới nảy sinh từ thành tựu đổi mới 25 năm qua đã sâu sắc hơn. Muốn hóa giải, phải đặt đổi mới toàn diện thành nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn trước mắt và Đại hội XI cần chính thức đánh dấu bước mở đầu.

Thực ra trong dự thảo văn kiện Đại hội XI, đã thấy xuất hiện cụm từ “đổi mới toàn diện”. Vậy là Đảng đã thấy được vấn đề, nhưng tiếc thay chúng ta chưa thoát khỏi được nhược điểm cố hữu là tổ chức thực tiễn thường lúng túng, chậm chạp, thiếu nhất quán. Tuy có cụm từ “đổi mới toàn diện”, nhưng trong dự thảo văn kiện Đại hội XI, đề tài này chưa được trình bày tập trung, nổi bật như một trọng tâm thảo luận và quyết định tại đại hội. Nội dung đổi mới toàn diện chưa được nêu rõ.

Nhìn lại thời gian qua, có thể thấy chủ trương chung về đổi mới kinh tế thì đã rõ, nhưng vẫn cần tiếp tục minh định nội dung đổi mới kinh tế sâu hơn. Đến nay vấn đề đổi mới chính trị đã trở nên cấp bách. Nội dung đổi mới này là gì, phải chăng là đổi mới cách vận hành của cơ chế chính trị được chấp nhận lâu nay ở nước ta là: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” cho phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường? Phải chăng có thể coi cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải cách lập pháp như là những bộ phận hợp thành đổi mới Nhà nước?

Và với quan điểm đổi mới toàn diện, ba cuộc cải cách này gắn bó và tác động lẫn nhau, nhằm xác lập mối quan hệ giữa Nhà nước (chính trị) với kinh tế, giữa Nhà nước với Đảng, với dân trong điều kiện kinh tế thị trường. Và Đảng cũng cần đổi mới (nhiều nhà lãnh đạo cao cấp đã nói tới vấn đề này). Dân cũng cần đổi mới trong thái độ và hành động của mình để ngày càng “làm chủ” nhiều hơn.

Nói tới “đổi mới toàn diện” không thể không nói tới đổi mới văn hóa (hiểu với nghĩa rộng bao gồm cả giáo dục), lĩnh vực tinh thần, ý thức và tư tưởng, tâm linh. Bản thân đổi mới văn hóa có những khó khăn riêng do đặc thù của nó. Nhiều người thậm chí còn chưa nghĩ tới, mặc dù người ta thường bàn về giáo dục, về ngôn ngữ đang bị lai căng, về văn học-nghệ thuật, về phong tục, tập quán, lễ hội, về hội nhập văn hóa…

Đổi mới văn hóa không thể làm nhanh. Nhưng cần nhận thức tầm quan trọng của nó đối với toàn xã hội và đặt thành vấn đề phải giải quyết. Tiếc rằng dự thảo văn kiện Đại hội XI hầu như chưa đề cập tới vấn đề này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới