Thứ hai, 9/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng gì khi Việt Nam liên tiếp nâng cấp quan hệ ngoại giao?

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trước xu hướng chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong những năm gần đây, không chỉ cần phải mở rộng quan hệ mà còn phải thắt chặt hợp tác sâu sắc hơn, mới có thể giúp những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam tránh được rủi ro.

Tổng bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia Tan Sri Dato’ Johari Bin Abdul. Ảnh: TTXVN

Tăng cường vị thế quốc tế

Chỉ trong vòng hai tháng qua, Việt Nam đã lần lượt nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện với Pháp rồi đến Malaysia, đồng thời cũng nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược với Brazil. Hiện Việt Nam có chín đối tác chiến lược toàn diện, năm trong số đó được ký kết trong hơn một năm qua, gồm Mỹ (tháng 9-2023), Nhật Bản (tháng 11-2023), Úc (tháng 3-2024), Pháp (tháng 10-2024) và Malaysia (tháng 11-2024). Bốn đối tác trước đó là Trung Quốc (tháng 5-2008), Nga (tháng 7-2012), Ấn Độ (tháng 9-2016) và Hàn Quốc (tháng 12-2022).

Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia, trong đó có các cường quốc quân sự lẫn kinh tế, trải rộng từ châu Á sang châu Âu cho đến châu Mỹ và châu Úc, giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế, khẳng định mình là một đối tác đáng tin cậy và chủ động hội nhập. Hợp tác với các cường quốc và các đối tác có sức ảnh hưởng lớn cũng tạo lợi thế cho Việt Nam khi tham gia các tổ chức quốc tế và các diễn đàn toàn cầu, như ASEAN, Liên hiệp quốc, APEC...

Nếu như Malaysia là quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN mà Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thì Pháp là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đặc biệt, việc ký kết với Pháp cũng đánh dấu Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4/5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp, quốc gia còn lại là Anh.

Mở rộng mối quan hệ với các quốc gia phát triển để thu hút vốn đầu tư, công nghệ và kinh nghiệm quản trị là điều rất quan trọng. Thực tế cho thấy trong giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung rồi sau đó là đại dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương và có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển khi chuỗi cung ứng được tái sắp xếp.

Mỹ, Nhật Bản và Pháp là ba quốc gia trong nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (nhóm G7), bốn quốc gia còn lại là Canada, Đức, Ý và Anh. Đặc biệt, ngoại trừ Nhật Bản, sáu quốc gia còn lại trong nhóm G7 đều là thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nếu xét theo 10 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới tính đến cuối năm 2023, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với năm quốc gia là Mỹ và Trung Quốc lần lượt xếp thứ 1 và thứ 2, Nhật Bản và Ấn Độ xếp thứ 4 và 5 (sau Đức) và Pháp xếp thứ 7 (sau Anh).

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng, nguy cơ xung đột quân sự có thể lan rộng, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Pháp, giúp Việt Nam duy trì thế cân bằng và tránh bị phụ thuộc quá mức vào bất kỳ một cường quốc nào. Chẳng những vậy, việc hợp tác quốc phòng với nhiều quốc gia dựa trên mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng giúp Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, khả năng phòng thủ, đảm bảo an ninh hàng hải.

Với chính sách đối ngoại hướng đến mục tiêu đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, không phụ thuộc vào một nước hay khối nước nào, việc nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia phù hợp với chiến lược “làm bạn với tất cả các nước” và tăng cường hòa bình, ổn định trong khu vực. Điều này giúp Việt Nam duy trì độc lập và tự chủ trong chính sách đối ngoại, giữ được thế cân bằng chiến lược giữa các nước lớn.

Phát triển quốc gia là mục tiêu xuyên suốt và cốt lõi

Trước xu hướng chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong những năm gần đây, ngay cả các cường quốc kinh tế cũng sử dụng các hàng rào thuế quan và cả rào cản phi thuế quan, không chỉ cần phải mở rộng mối quan hệ mà còn phải thắt chặt hợp tác sâu sắc hơn, mới có thể giúp những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam hạn chế được tác động của các cuộc chiến tranh thương mại và nguy cơ tắc nghẽn, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong đó, mở rộng mối quan hệ với các quốc gia phát triển để thu hút vốn đầu tư, công nghệ và kinh nghiệm quản trị là điều rất quan trọng, vì việc hợp tác toàn diện mới có thể đảm bảo nguồn lực ổn định cho tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy trong giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung rồi sau đó là đại dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng dương và có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển khi chuỗi cung ứng được tái sắp xếp. Hợp tác với các quốc gia lớn cũng giúp Việt Nam đảm bảo nguồn cung năng lượng, nguyên liệu, thực phẩm và hợp tác y tế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể khai thác lợi ích từ sự khác biệt giữa các đối tác, trên tinh thần đôi bên cùng hợp tác có lợi. Đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên là Trung Quốc hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Quan hệ với Nga được kế thừa từ mối quan hệ với Liên Xô trước đây và mang lại các cơ hội hợp tác quốc phòng truyền thống và năng lượng. Mỹ trong những năm qua không chỉ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, mà việc nâng cấp quan hệ với nền kinh tế số 1 thế giới này được kỳ vọng giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các lĩnh vực công nghệ cao, đầu tư và giáo dục.

Hàn Quốc và Nhật Bản - hai quốc gia Đông Á gần với Việt Nam, là những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam trong những năm qua. Việc thắt chặt quan hệ với hai quốc gia này tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để phát triển hạ tầng và các ngành công nghiệp. Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường cung cấp các khoản vay ưu đãi và có thể giúp Việt Nam ngày càng hiện đại hóa nền kinh tế. Với Ấn Độ, đó là mối quan hệ lịch sử lâu đời, có thế mạnh trong hợp tác quốc phòng và ngành công nghiệp dược phẩm.

Ngoài các lợi ích về ngoại giao, chính trị hay kinh tế, mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nền kinh tế lớn cũng giúp Việt Nam phát triển khoa học và công nghệ. Đơn cử như quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo và sản xuất bán dẫn. Các nước này cũng có thể hỗ trợ tài chính, công nghệ, và kinh nghiệm để Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, và phát triển năng lượng tái tạo, ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Nga và Ấn Độ thì có thể hỗ trợ trong lĩnh vực không gian và công nghệ quốc phòng. Xu hướng thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng được quan tâm, khi mà những năm qua, hàng ngàn sinh viên Việt Nam được cấp học bổng và hỗ trợ học tập tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, và châu Âu. Các đối tác này cũng hỗ trợ cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới