Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng từ chuyện phạt nặng lái xe khi đã “có rượu”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ vọng từ chuyện phạt nặng lái xe khi đã “có rượu”

Danh Đức

(TBKTSG) – Trước hết, xin đừng lầm tưởng rằng tôi là người không uống rượu, mà là do đã không bao giờ quen được thói “dô! 100%!” và “không say không về”. Cái “tật” của tôi có lẽ do từ nửa thế kỷ đã quen thấy những quảng cáo rượu bia trên báo chí hay các bảng quảng cáo khổng lồ trên tường lời khuyên “Hãy biết uống có chừng mực” và từ đó khắc ghi trong đầu nguyên tắc sống “có chừng mực” này. Sau này, ở các nước đó người ta thay bằng dòng chữ “Lạm dụng rượu nguy hiểm cho sức khỏe” giống như trên các bao thuốc lá, nhưng tôi vẫn ngưỡng mộ lời khuyên “… có chừng mực”.

Kỳ vọng từ chuyện phạt nặng lái xe khi đã “có rượu”
Ảnh: Thành Hoa

Và cũng không chỉ là “uống có chừng mực” như một nguyên tắc vừa nói ở trên, mà điều đặc biệt muốn nhấn mạnh thêm nữa là “đã uống rượu bia thì không lái xe”, bởi nó gây ra bao nhiêu hệ lụy mà bấy lâu nay xã hội đã chứng kiến. Thế nên, thiết nghĩ cũng đừng lập tức phản ứng, thậm chí chỉ trích đối với quy định mới đây về việc xử phạt khi lái xe có nồng độ cồn, mặc dù được cho là quá nghiêm khắc: chỉ cần có nồng độ cồn là đã bị phạt; nồng độ cồn càng cao, hình phạt càng tăng nặng.

Luật pháp các nước từ lâu cũng đã rất nghiêm khắc về việc này. Như ở nước chuyên sản xuất, uống và xuất khẩu rượu vang là Pháp, nơi mà bình quân mỗi người (từ bế ẵm cho tới lớn tuổi), uống mỗi năm là 11,7  lít cồn nguyên chất (tức 1.170 ly rượu “thông thường”, mỗi ly chứa 10 gam cồn nguyên chất)(1), luật pháp ở đó chỉ cho phép nồng độ đo được trong mỗi lít máu là 0,5 gam, tương đương 0,25 miligam mỗi lít khí thở ra(2). Ở nước này, trường hợp nặng, như vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, còn bị xem như là một tội, ngoài bị phạt tiền, còn bị dừng xe, hủy bằng lái cho tới ba năm; hai năm tù giam (chiếu điều L234-1 Luật Đường bộ), cấm lái xe không trang bị thiết bị xét độ cồn và chống khởi động máy cho tới năm năm… Ở Mỹ, BAC (cách gọi nồng độ cồn trong máu) đối với người lái xe trên 21 tuổi trên 0,08 gam/lít là phạm pháp, đối với dưới 21 tuổi còn thấp hơn, từ 0,00-0,02 gam/lít(3).

Thành ra, không thể vì bất cứ lý do gì mà bày ra những cuộc tranh cãi đi ngược với đà tiến hóa chung, một ý nghĩa khác của chữ “hội nhập” với toàn thế giới. Việc uốn nắn lại một xã hội là điều cần thiết.

Mặt khác, hãy nhìn xa hơn những lợi ích giới hạn của an toàn giao thông. Marcel Drulhe và Serge Clément, trong Hướng đến một xã hội học về bênh “bệnh rượu” và người “bệnh rượu” (NXB L’Harmattan, 1995) đã luận về việc uống, sự phổ biến rượu và “bệnh rượu” như sau (tr.22/45):

1. Do lẽ con người xã hội hóa chính là con người hành động đúng với các “chuẩn mực” của “thế giới xã hội” của người ấy.

2. Nên, việc người ấy đáp ứng nghiêm nhặt hay không các “chuẩn” ấy, còn khiến cho người ấy tự hủy đi cách thức người ấy trước kia tự đánh giá mình, mà nâng mình lên hoặc hạ mình xuống để đáp ứng tập thể. Các “chuẩn” mới này được cảm nhận như là những “nghĩa vụ” bị áp đặt dẫn đến sự bị làm nhục hay những hình phạt khi bị tẩy chay (mà ở Việt Nam có thể hiểu là “không chơi được”, “không hòa đồng…).

3. Từ đó, người bị “chỉ trỏ” sẽ tự vấn “thiên hạ muốn gì ở tôi? Tôi phải cư xử làm sao?”. Và rồi bênh “bệnh rượu” hiện hình như một bước chuyển từ “uống tốt” sang “uống xấu” (l’alcoolisme apparaît comme un passage d’un “bien boire” à un “mal boire”).

Một khi đã cùng nhìn nhận rằng xã hội đã chìm trong điều gọi là “uống xấu” thì lợi ích của luật cấm rượu khi lái xe còn là một sự góp phần làm chuyển biến xã hội. Biết đâu một khi luật mới này được thực thi tốt và kiên trì sẽ bớt đi thói uống “thẳng cẳng” (đám cưới cũng dzô, đám ma cũng dzô…), thói bỏ cơm tối gia đình, cùng các thứ tệ lậu kèm theo như bạo lực từ ngoài đường tới trong gia đình, thói a dua, xu nịnh, kết bè kết phái… Một khi đầu óc tỉnh táo thường xuyên hơn, bớt “nhiễm độc” rượu, sẽ không chỉ đi lại một cách an toàn, đúng luật giao thông hơn, mà còn dẫn tới một trạng thái mới, dễ nhìn thấy, nghe thấy cái phải, cái trái hơn, xã hội sẽ bớt thói quen “làm càn” hơn. Sẽ bớt những tay “táy máy” phụ nữ, trẻ con trong thang máy rồi đổ thừa do… “có uống chút rượu”! Sẽ bớt những hành vi phi nhân cách, phi xã hội khi tự chối bỏ nhân cách và tư cách quan chức của mình mà làm càn hay xu nịnh! Sẽ từ đó hình thành trở lại nhận thức và ý thức phải, trái, đúng, sai khi không còn những áp lực bầy đàn bất cứ dưới hình thức nào.

Rồi thì, với thời gian và với điều kiện các nhân viên công lực kiên trì với luật mới này, những thói quen cá nhân cũ sẽ phôi pha đi, những lề thói xã hội cũng sẽ xoay chiều, hình thành những thói quen mới và biến thành tập quán xã hội mới, khởi đầu cho nề nếp hóa xã hội. Một xã hội biết chừng mực chính là một xã hội tiến tới thái bình, thịnh trị.

(1) CNEWS 09/11/2019

(2) Sécurité routière, Règlementation de l›alcool au volant.

(3) dui.findlaw.com

Vị trí đặt bình chọn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới