Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng vào lực đỡ của dòng tiền ngoại!

Đăng Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Vào thời điểm hiện tại, trong khi tâm lý nhà đầu tư trong nước đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều tin đồn thì dòng tiền ngoại lại đang có dấu hiệu ngược dòng “bắt đáy” khá mạnh.

Khối ngoại giảm bán ròng

Suốt trong một giai đoạn dài, bắt đầu từ đầu năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã “miệt mài” bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Riêng trong năm 2021, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục lên tới 62.237 tỉ đồng trên cả ba sàn.

Trong đó, trạng thái bán ròng được duy trì trong gần cả năm khi chỉ có duy nhất tháng 4, khối này mua ròng nhẹ hơn 400 tỉ đồng, còn lại các tháng khác, giá trị bán ròng đều đạt vài ngàn tỉ đồng. Đặc biệt, tháng 3 và tháng 5-2021 là hai tháng bán ròng mạnh nhất trong năm 2021 của khối ngoại khi lần lượt đạt 11.214 tỉ đồng và 11.567 tỉ đồng.

Tuy vậy, trong quí 1-2022, việc bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dấu hiệu suy giảm khi khối này chỉ còn bán ròng 6.561 tỉ đồng, giảm gần 63% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong khi vẫn bán ròng 7.275 tỉ đồng trên sàn HOSE thì khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trên sàn HNX và UpCom với giá trị lần lượt là 164 tỉ đồng và 550 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng việc khối ngoại giảm dần việc bán ròng đã dần hình thành xu hướng từ năm 2021 và trong năm 2022, nếu không còn yếu tố bất ngờ, có thể khối này sẽ thực hiện mua ròng trở lại.

Nguyên nhân được đưa ra là trong giai đoạn trước, khối ngoại thường khá “nhạy cảm” với các diễn biến vĩ mô như lệnh phong tỏa phòng chống dịch Covid-19, hay số liệu tăng trưởng GDP thấp… Khi những rủi ro này xuất hiện thì việc bán ra của khối ngoại là điều dễ hiểu. Thời gian gần đây, tốc độ bán ròng của khối này dần thu hẹp lại. Điều này cũng đến từ các yếu tố vĩ mô như Việt Nam đang đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau dịch, tập trung cho tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và có hàng loạt chính sách kích thích mạnh mẽ khác.

Hai năm nay, không có nhiều nhà đầu tư nội dựa vào động thái giao dịch của khối ngoại để làm tham chiếu giao dịch theo nữa. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, điều ngược lại lại đang diễn ra khi tâm lý nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng mạnh bởi nhiều tin đồn còn dòng tiền ngoại lại đang có dấu hiệu ngược dòng “bắt đáy” khá mạnh.

Trong bối cảnh bình thường mới, khi dòng tiền của khối nhà đầu tư nội có phần phân tán còn dòng tiền của khối ngoại lại có xu hướng hồi phục thì các cổ phiếu có nền tảng tốt là những mã được yêu thích nhất nhằm hạn chế rủi ro. Nhóm cổ phiếu VN30 được nhận định sẽ dần lấy lại vị thế nền tảng và dẫn dắt thị trường như những gì đã diễn ra trong các năm trước đây.

Bên cạnh đó, động thái của khối ngoại luôn phản ánh độ nhạy với kinh tế vĩ mô. Do vậy, nhóm ngành khối này quan tâm thời gian tới khả năng cao gắn với câu chuyện phục hồi kinh tế cũng như những ngành nghề được hưởng lợi từ gói kích thích tăng trưởng. Theo đó, khối này vẫn sẽ ưu tiên các ngành công nghiệp, các công ty đa ngành nghề, bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp hay các cổ phiếu đầu ngành, các doanh nghiệp ít tác động đến môi trường vì quan điểm đầu tư đi cùng với phát triển bền vững.

Chiến lược đầu tư cần sự chọn lọc

Quy mô dòng tiền ngoại hiện chiếm tỷ trọng không lớn trên thị trường chứng khoán trong nước (ước tính chỉ chiếm dưới 10% tổng giá trị giao dịch hàng ngày). Trong những năm trước, dòng vốn này luôn đóng vai trò dẫn dắt thị trường, được nhà đầu tư cá nhân trong nước xem như một chỉ báo quan trọng.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi kể từ đầu năm 2020 tới nay khi dịch Covid-19 đã kích thích dòng tiền lớn của nhà đầu tư cá nhân trong nước ồ ạt đổ vào thị trường, đưa chỉ số VN-Index liên tục vượt đỉnh. Có thể nói, lực cầu lớn của dòng tiền trong nước đã hấp thụ được hết lượng hàng bán ra của khối ngoại trong giai đoạn trước.

Với nhiều nhà đầu tư cá nhân, động thái của khối ngoại chỉ được họ xem là thông tin tham khảo về mặt vĩ mô, chứ họ không có ý định theo “dấu chân” của khối này. Hiện có tới 90% số nhà đầu tư trên thị trường là nhà đầu tư cá nhân, phong cách chủ đạo của nhóm nhà đầu tư này là “lướt sóng”, trong khi khối ngoại lại chủ yếu đầu tư trung hạn.

Do vậy, không có nhiều nhà đầu tư nội dựa vào động thái giao dịch của khối ngoại để làm tham chiếu giao dịch theo nữa. Ngay cả việc bám theo quỹ ngoại ETF cũng đã không còn hiệu quả trong những năm gần đây khi có nhiều nhà đầu tư “bắt bài” được ETF và đã tiến hành giao dịch trước các phiên tái cơ cấu danh mục của các quỹ.

Mặc dù vậy, thời điểm hiện tại, điều ngược lại lại đang diễn ra khi tâm lý nhà đầu tư trong nước bị ảnh hưởng mạnh bởi nhiều tin đồn còn dòng tiền ngoại lại đang có dấu hiệu ngược dòng “bắt đáy” khá mạnh. Hiện dòng tiền mới của khối ngoại đang có xu hướng “ưu ái” nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành ngân hàng, bất động sản hay nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch như bán lẻ, xuất khẩu, và hàng hóa thiết yếu hơn.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn sớm để chờ đợi vào việc dòng vốn ngoại sẽ mang lại hiệu ứng ngay trên sàn chứng khoán, dù sự quan tâm trở lại của khối này đã rõ nét hơn so với thời gian trước.

Nhìn chung, trong năm 2022, việc kiếm lợi nhuận dễ dàng trên thị trường chứng khoán sẽ khó có thể diễn ra nữa do mặt bằng thị giá của cổ phiếu trên sàn đã không còn rẻ. Bên cạnh đó, các câu chuyện về tiềm năng tăng giá đã được kể trên diện rộng và giá khá nhiều cổ phiếu đã phản ảnh cho kỳ vọng phục hồi giai đoạn hậu Covid-19.

Trên cơ sở đó, chiến lược đầu tư trong năm 2022 sẽ cần sự chọn lọc hơn. Trong đó, nhà đầu tư có thể lưu tâm đến nhóm ngành được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế như: đầu tư công, bất động sản công nghiệp. Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới việc lạm phát tăng trở lại và chu kỳ phục hồi của nhóm cổ phiếu hàng hóa: dầu khí, hóa chất, phân đạm…, tiếp đến là nhóm ngành xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ; vận tải hàng hóa trong bối cảnh nhu cầu vận tải gia tăng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới