Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng vào những cơ hội mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ vọng vào những cơ hội mới

Văn Hòa

Kỳ vọng vào những cơ hội mới(TBVTSG) – Các nhà đầu tư và chuyên gia tại cuộc hội thảo về chủ đề cơ hội kinh doanh trên Internet do Quỹ Đầu tư mạo hiểm CyberAgent Ventures (Nhật Bản) tổ chức hồi tuần qua đã chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp huy động vốn và cách thức kinh doanh, tạo nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Một trong những đề xuất được góp ý nhiều tại cuộc hội thảo là tận dụng cơ hội kinh doanh từ trào lưu mạng xã hội ở Việt Nam. Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty VNG – đơn vị sở hữu mạng xã hội Zing Me, cho rằng các doanh nghiệp phát triển ứng dụng, dịch vụ nội dung số nên hợp tác với các mạng xã hội để tận dụng số lượng thành viên rất lớn từ các mạng này.

Kinh doanh ứng dụng trên mạng xã hội

Ông Khải trích dẫn số liệu thống kê của Google Ad Planner (GAP) cho thấy đến tháng 7-2011, các mạng xã hội ở Việt Nam hiện thu hút một lượng lớn người sử dụng là Zing Me (6,8 triệu) và Go.vn (1,8 triệu). Trong đó, khoảng 1/3 người sử dụng là giới trẻ trong độ tuổi 18-24 và đây là nguồn khách hàng tiềm năng của các nhà kinh doanh dịch vụ trực tuyến, nhà phát triển nội dung số lẫn các mạng xã hội.

Theo ông, để phát triển được một ứng dụng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người sử dụng đã khó, đưa vào kinh doanh trực tuyến lại càng khó hơn, chưa kể đến việc nhà phát triển ứng dụng còn phải xây dựng kênh thanh toán thuận tiện và an toàn cho người sử dụng khi họ mua các ứng dụng trên mạng. Do đó, việc các nhà phát triển ứng dụng bắt tay với các nhà quản trị mạng xã hội trong nước sẽ giúp cả hai bên phát huy lợi thế của nhau. Các mạng đang có lượng thành viên lớn như Zing Me hoặc Go.vn thì có thêm nội dung đa dạng, phong phú để thu hút người truy cập, còn các nhà phát triển nội dung số thì bán được ứng dụng và có thể tận dụng được kênh thanh toán trực tuyến do các mạng xã hội đã xây dựng sẵn.
Bên cạnh đó, mạng xã hội còn có tính liên kết và hiệu ứng lan truyền, khi một thành viên nào trong cộng đồng này sử dụng một ứng dụng thì có khả năng bạn bè của thành viên đó (trong danh sách – friend list) cũng biết đến ứng dụng đó. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể sử dụng mạng xã hội để tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ của mình với chi phí khá rẻ so với các kênh truyền thông khác.

Ông Khải cho biết Viettel đã bắt đầu đưa các ứng dụng của mình lên Zing Me để kinh doanh và tận dụng hệ thống kênh thanh toán trực tuyến của mạng này.

Kỳ vọng vào dòng vốn mới

Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho biết họ đã ghi nhận trong thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, bao gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm, đã quan tâm và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông. Một sự kiện thời sự được nhắc lại tại cuộc hội thảo là việc NTT Docomo, hãng cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất Nhật Bản, vào tháng 8 đã công bố đầu tư vào Công ty cổ phần truyền thông VMG Media nhằm mở rộng dịch vụ của hãng này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khoản đầu tư đầu tiên ở Việt Nam, NTT Docomo đã mua khoảng 25% cổ phần của VMG Media, tương đương 370 tỉ đồng (1,4 tỉ yen).

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện của Quỹ CyberAgent Ventures ở Việt Nam, cho biết đến nay quỹ này đã đầu tư vào bảy doanh nghiệp là VNG, VMG, VGame, Baokim, CleverAds, Di Động Xanh và Vật giá Việt Nam.

Chiến lược của quỹ này khi đầu tư tại thị trường Việt Nam là chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập (startup) có ý tưởng kinh doanh dịch vụ Internet như mạng xã hội, dịch vụ nội dung số trên điện thoại di động, các dịch vụ quảng cáo trực tuyến hay những dịch vụ trực tuyến khác có sức hút lớn…

“Khi thẩm định dự án để đầu tư, chúng tôi dựa vào giá trị doanh nghiệp, những chiến lược cụ thể cũng như tiềm năng kinh doanh những ý tưởng của doanh nghiệp và kế hoạch trong tương lai của doanh nghiệp đó”, ông Dũng nói.

Có bốn yếu tố để CyberAgent Ventures xem xét đầu tư vào một doanh nghiệp: thị phần trong tương lai của ý tưởng, đối tượng khách mà dịch vụ nhắm đến cùng giá trị mang lại cho khách, sự khác biệt và thế mạnh của dịch vụ đó so với các dịch vụ trên thị trường, tầm nhìn và quyết tâm thực hiện ý tưởng của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Về mức đầu tư, theo ông Dũng, tùy vào từng giai đoạn của doanh nghiệp cũng như tiềm năng về thị trường của ý tưởng, CyberAgent Ventures sẽ đầu tư từ 500.000 đến 1 triệu đô la Mỹ theo hình thức mua cổ phần doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược.

Ngoài ra, khi đầu tư vào các doanh nghiệp, quỹ này sẽ tư vấn triển khai những kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp và tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các công ty con của tập đoàn cũng như các đối tác của quỹ. Bên cạnh đó, trong tương lai, nếu các doanh nghiệp muốn triển khai dịch vụ ra nước ngoài, quỹ sẽ hỗ trợ và mời các chuyên gia ở các thị trường mà quỹ đã đầu tư tư vấn cho doanh nghiệp. Trong năm nay, CyberAgent Ventures dự định đầu tư thêm 4-5 công ty, nâng tổng số doanh nghiệp mà quỹ đầu tư lên 12-13.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật giá Việt Nam, cũng nói rằng định hướng phát triển của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút luồng vốn từ các quỹ mạo hiểm. Tính đến hết năm ngoái, Vật giá Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch gọi vốn đầu tư với sự tham gia của IDG Ventures (2008), CyberAgent (2009) và Mitsui (2011). Trong tương lai gần, dự kiến vào năm 2014, công ty sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để thu hút nguồn vốn trong xã hội, năm 2015 sẽ tiến hành kế hoạch xây dựng các nhà kho, khu bảo quản hàng hóa và tiến vào lĩnh vực bán lẻ trực tuyến theo mô hình của Amazon.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới