Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lập tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Đầu tư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lập tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Đầu tư

Tư Hoàng

Lập tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Đầu tư
Nhiều điều kiện kinh doanh được cài cắm vào trong các nghị định, thông tư, hướng dẫn gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp – Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Thủ tướng vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với hi vọng sẽ hạn chế được tình trạng ban hành điều kiện kinh doanh tràn lan hiện nay.

Theo quyết định, Tổ công tác bao gồm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (làm Tổ trưởng), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng.

Các thành viên khác là lãnh đạo cấp vụ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ và một số chuyên gia độc lập do Tổ trưởng Tổ công tác quyết định.

Theo quyết định, Tổ công tác có trách nhiệm tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, giám sát việc thực hiện các quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cụ thể là giám sát việc xây dựng, ban hành, sửa đổi, cập nhật công bố quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Tổ công tác phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tổ chức rà soát các văn bản quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh ban hành trước ngày 1-7-2015 không còn phù hợp với thẩm quyền quy định tại Luật Đầu tư và đề xuất phương án bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung.

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung cho biết, liên quan đến 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được Luật Đầu tư quy định, có 6.475 điều kiện kinh doanh, trong đó, có 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ.

Đứng đầu danh sách có số điều kiện kinh doanh là Bộ Tài chính (497), tiếp theo là Bộ Công thương (488), Bộ Y tế (466), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (398), và Bộ Giao thông-Vận tải (319).

Trả lời TBKTSG Online, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nói: “Thực tế là hàng loạt điều kiện kinh doanh vẫn được các bộ, ngành, UBND ban hành ở các văn bản khác như thông tư, quyết định, chỉ thị… Theo tôi, đó là những quy định ban hành trái thẩm quyền và không có hiệu lực thi hành.”

Theo ông Cung, Luật Đầu tư 2014 đã khẳng định rất rõ ràng là điều kiện kinh doanh và đầu tư chỉ được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế.

Điều đó có nghĩa, chỉ có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Vì vậy, các điều kiện kinh doanh do các bộ, UBND ban hành là trái thẩm quyền, không có hiệu lực.

Theo Quyết định của Thủ tướng, Tổ công tác còn phải thường xuyên rà soát, đánh giá tính  hợp lý, hiệu quả của các quy định về điều kiện kinh doanh để kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung theo nguyên tắc: bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết và không hợp lý, tạo gánh nặng chi phí, thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư, giảm thiểu hình thức xin cấp phép, xác nhận hoặc chấp nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển sang áp dụng hình thức ban hành tiêu chuẩn, điều kiện để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm.

Theo nghiên cứu gần đây của VCCI, mỗi năm, các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành khoảng 1.000 văn bản pháp luật, trong đó có khoảng 70% quy định trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp, khoảng 20% có tác động gián tiếp đến hoạt động kinh doanh.

Mặc dù vậy, có tới 78% doanh nghiệp chưa bao giờ được hỏi ý kiến về dự thảo pháp luật. Có tới 66% doanh nghiệp cho rằng rủi ro chính sách là rủi ro lớn nhất mà họ gặp phải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới