Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

…Là cái chi chi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

…Là cái chi chi?

Thiên Di

(TBKTSG) – Cuối cùng thì tuần lễ cấp cao APEC cũng đã khép lại. Các lãnh đạo cùng các phu nhân và phu quân cũng đã ra về. Dân chúng ở các địa phương nơi đón tiếp cũng đã hết những ngày phải chịu thương, chịu khó “nhường đường” cho các đoàn xe công vụ. Các phóng viên cũng đã về lại các tòa soạn và nhà mình – nơi mà theo lời Tổng thống Donald Trump là không đâu bằng. Các trang báo, nhất là báo mạng, cũng đã khép lại một “cao trào”.

Nói cho ngay, không phải năm nào xứ ta cũng đón tiếp cả mấy chục lãnh đạo hàng đầu như thế! Một sự kiện như thế chỉ lặp lại sau hơn một chục năm. Trong một góc nhìn nào đó, sự kiện lần này khác lần trước, “đời thường” hơn.

“Đời thường” trong góc nhìn của thể loại báo chí, kiểu của tờ tạp chí People sau này hay tuần báo Paris Match trước kia, chuyên đưa tin về các nhân vật tên tuổi, các “ông hoàng, bà chúa”… Đó là một thể loại không kén độc giả mà trái lại. Năm 1990, một tùy viên báo chí của Đại sứ quán Pháp hỏi một nhà báo ở Việt Nam có muốn đọc tờ Paris Match, ông sẽ gửi biếu, nhà báo đó đã trả lời “cám ơn, không” vì thời đó câu chuyện hàng đầu trên tờ tuần báo này là về bà hoàng Monaco, rồi đến cô con gái “ngôi sao”… Những năm sau này ở Việt Nam, cái gọi là thông tin “đời thường” của các nhân vật được báo chí tập trung khai thác không phải là ít, cứ như thể không có những câu chuyện đó, quả địa cầu này sẽ… ngừng quay! Và tuần lễ vừa rồi là cả một dãy núi Himalaya của những “nhân vật” cùng các màn xuất hiện của họ.

Từ sau sự kiện đi ăn bún chả, uống bia Hà Nội của ông Barack Obama, đã nổi lên một cái “dịch” (trong ý nghĩa chiến dịch) đi uống cà phê vỉa hè ở đây, đi ăn bánh mì thịt ở kia. Những câu chuyện về các “siêu xe” hay siêu nhân mật vụ xem ra đã “xưa” rồi, là “đĩa nhạc” nghe đã “rè” rồi! Lần này có một nhân vật trẻ tuổi, tài cao, “ăn ảnh” nên được rao truyền cùng khắp trong khi nội dung những việc nhân vật ấy đã làm, tại sao, vì sao, lợi, hại như thế nào lại trở thành thứ yếu và không được truyền thông khai thác!

Các sự kiện trọng đại như tuần lễ vừa qua hơi “bị” hiếm ở ta, khác với những nơi mà chuyện ông tổng thống này qua, bà thủ tướng kia tới hầu như tuần nào cũng có. Thử hình dung báo chí Bỉ sẽ đăng những gì khi mà mỗi tháng lãnh đạo các nước EU – còn đông hơn APEC ngay cả sau khi Anh đã “Brexit”- họp với nhau một lần!

Cuối cùng, đến sáng thứ Hai 13-11, khi tấm màn nhung của tuần lễ này đã hạ, cũng có thể đọc được vài tựa báo chạm một chút vào tầng đáy của các nội dung APEC! Sự hội nhập của một nền kinh tế vào thương trường thế giới, của một quốc gia vào bàn cờ địa chính trị mới đang sắp lại, thành hay bại, nhanh hay trễ nãi, còn có phần của những người cầm bút trong việc giải thích “cái đó là cái chi chi?”. Đầu thập niên 1990, khi cả một khối tan rã, Tây Âu (lúc đó còn gọi như thế) căng ra khẩu hiệu “ngôi nhà chung” thì câu hỏi mang tính tồn tại đặt ra chính là “ngôi nhà chung đó có rui, mè, rường cột… phải như thế nào?”. Sau này, thêm một khẩu hiệu khác là “ngôi làng toàn cầu”, vậy cái “hương ước” trong ngôi làng ấy ra sao ắt hẳn quan trọng hơn là các câu chuyện kể về ông này, bà nọ. Có lẽ nhiều khi người ta viết không đơn thuần là chuyện sở thích cá nhân mà vì sự tồn tại của cái “nồi cơm”! 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới