Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạc quan nhưng vẫn thắt chặt chi tiêu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lạc quan nhưng vẫn thắt chặt chi tiêu

Lạm phát tăng đang ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng – Ảnh minh họa: Mộng Bình

(TBKTSG Online) – Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư vào phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn cao, theo kết quả nghiên cứu của công ty truyền thông thông tin toàn cầu Nielsen.

Ông Aaron Cross, Giám đốc đốc điều hành của công ty Nielsen Việt Nam đã đưa ra nhận xét trên trong bối cảnh người tiêu dùng và các doanh nghiệp đang lo ngại về một mặt bằng giá cả mới sau khi giá xăng tăng 31% vào ngày 21-7.   

Lý do để lạc quan

Ông Cross dẫn ra Nghiên cứu về lạm phát của công ty Nielsen cho thấy dù  tỷ lệ lạm phát cao như hiện nay, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao, xếp thứ 9 trong cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu do Nielsen thực hiện.

Ông cho biết chỉ số niềm của người tiêu dùng Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường Nauy, Ấn Độ, Indonesia, Đan Mạch, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hà Lan, Hong Kong và Úc. Đây là một trong các lý do để vị chuyên gia này đưa ra nhận xét rằng: “Cơ hội phát triển về lâu dài trong tương lai ở Việt Nam vẫn còn sáng lạng dù áp lực lạm phát đang ảnh hưởng trực tiếp tới thói quen tiêu dùng của người Việt Nam”.

Theo Nielsen, nhu cầu cho các mặt hàng tiêu dùng đang tăng nhanh sẽ vẫn tăng trưởng mạnh dù phải chịu áp lực lạm phát. Trong khi thuốc lá, nước ngọt đóng chai và bia có thể bị coi là hàng xa xỉ trong thời lạm phát, nhưng thói quen tiêu dùng lại cho thấy điều ngược lại. Cuộc tổng khảo sát thị trường bán lẻ của Nielsen cho thấy giá trị tăng trưởng của các mặt hàng này vẫn tăng khá mạnh, 32% trong 6 tháng đầu năm nay.

Ông Cross dự báo các mặt hàng tiêu dùng đang tăng nhanh sẽ tiếp tục đạt tăng trưởng mạnh ở mức hai chữ số trong các năm sắp tới. Lý do là nhu cầu tiêu dùng tăng cao và Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài với hơn 85 triệu dân.

“Hầu hết khách hàng của chúng ta vẫn hứng thú với sự phát triển mạnh của Việt Nam và tiếp tục tăng sự đầu tư của họ dựa trên nhu cầu tăng mạnh của người tiêu dùng”, ông nói.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, chuyên gia này hy vọng các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong việc phát triển các thương hiệu mạnh. Mặc dù, lạm phát đang ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ vì nhiều người tiêu dùng giảm chi tiêu.

Ông Cross dẫn chứng nhiều cơ hội vẫn đang chờ các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, điện thoại di động và công nghệ mới. “Do vậy, tôi không nghĩ các nhà sản xuất nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam chỉ vì một lý do là lạm phát”.

Ông Martin Gil, Tổng giám đốc của Coca Cola tại Đông Dương, cũng là Trưởng đại diện của Coca Cola tại Việt Nam chia sẽ quan điểm trên của ông Cross. Ông Gil nói, vẫn có những yếu tố cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển tốt trong các năm sắp tới mặc dù lạm phát có ảnh hưởng đến người tiêu dùng và hoạt động của doanh nghiệp.

Aaron Cross (phải) của Nielsen Việt Nam đang trao đổi với các doanh nhân nước ngoài khi Nielsen công bố kế quả nghiên cứu về lạm phát – Ảnh: Mộng Bình

Xác định mối quan tâm của người tiêu dùng

Theo Nielsen, mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam tham gia cuộc khảo sát của công ty trong thời lạm phát là các vấn đề liên quan đến thực phẩm, xăng dầu, sức khỏe của con cái và lương.

Có tới 91% trong số 400 người tiêu dùng tham gia khảo sát, chủ yếu tại TPHCM và Hà Nội, cho rằng họ thực sự lo lắng khi thực phẩm tăng giá, 86% nói họ lo lắng về giá xăng tăng.

Mặc dù nghiên cứu của Nielsen đưa ra những nhận định khá lạc quan nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn nói rằng họ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống trong những ngày sắp tới.

Theo ông Cross, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng cao đã làm cho một số người tiêu dùng phải thay đổi thói quen, chuyển sang sử dụng các mặt hàng thay thế có giá rẻ hơn để đảm bảo chi tiêu trong gia đình với tình hình lạm phát hiện nay. Trong đó, những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm bao gồm quần áo, các sản phẩm giặt ủi, giày dép, nước xả quần áo, thịt, bia, dầu ăn, gạo và dầu gội đầu.

Khảo sát cho thấy có 77% người tiêu dùng nói rằng giá cả tăng cao buộc họ phải mua hàng ở nhiều nơi khác nhau và 60% nói rằng họ mua sắm ít lại. Hiện nay, người tiêu dùng mua sắm tại các chợ truyền thống thường xuyên hơn là ở những trung tâm mua sắm hiện đại.

Còn ông Gil cũng cho rằng trong tình hình hiện tại, người tiêu dùng rất cẩn trọng với kế hoạch mua sắm, và cân nhắc chỉ mua những thứ thật sự cần thiết.

MỘNG BÌNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới