Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lách vào “giao hàng dặm cuối”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lách vào “giao hàng dặm cuối”

Dũng Nguyễn

Lách vào
 

(TBKTSG Online) – Nếu khách hàng cần giao nhận hàng không biết đến cái tên Tín Tốc thì cũng chẳng có gì quá khó hiểu khi thị trường giao nhận có rất nhiều tên tuổi nhỏ như vậy. Tuy nhiên, sau 3 lần sáp nhập các công ty cùng ngành, Tín Tốc đã tăng năng lực đáp ứng lên đến 9.000 đơn mỗi ngày với 120 nhân sự, trong đó 90 nhân viên giao hàng phục vụ hơn 2.000 khách hàng, chủ yếu là các cửa hàng kinh doanh trực tuyến.

Sáng lên lớp, chiều hỗ trợ giao hàng, tối viết báo cáo, ngày chạy 3 ca nhưng đôi khi chỉ kịp ăn có một bữa là câu chuyện mà cô sinh viên năm thứ 3 Nguyễn Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1994) đã trải qua khi cùng 3 nhà sáng lập khác, xây dựng Tín Tốc thành một công ty giao nhận trong ngày với công suất 9.000 đơn hàng mỗi ngày hiện nay.

Khởi sự gần 5 năm trước, sau những đơn hàng tình cờ được bạn bè “nhờ” giao hàng giùm, các nhà sáng lập của Tín Tốc đã nhìn thấy tiềm năng ở thị trường ngách này. Ở những ngày đầu khởi nghiệp, những đơn hàng đầu tiên đến từ việc tập trung quảng bá trên mạng xã hội Instagram (mạng xã hội chia sẻ hình ảnh) và dưới hình thức truyền miệng. Tín Tốc không chọn cách quảng bá rộng rãi mà tập trung vào các nguồn giới thiệu, những người bạn hoặc các cộng tác viên lâu năm.

“Vì quy mô nhỏ nên Tín Tốc có thời gian để tập trung vào trải nghiệm dịch vụ khách hàng, linh động hơn khi đáp ứng các yêu cầu ngoài tiêu chuẩn của khách hàng. Chẳng hạn như khách hàng không thích trao đổi qua hệ thống thì chúng tôi có thể chat qua Zalo hay tin nhắn, dưới nhiều hình thức khác nhau miễn là khách hài lòng”, Nhung kể. Tại Tín Tốc, Nhung là người chịu trách nhiệm quản lý khối vận hành và kinh doanh.

Nhung đến với Tín Tốc khi đang còn là cô sinh viên năm 3 của một trường đại học tại TPHCM, với chuyên ngành học không liên quan gì đến hoạt động Logistics, nhưng rồi bén duyên với vận tải lúc nào không hay. “Nhung là một cô gái nhiều năng lượng, nhiệt tình và máu lửa với nghề, đều là những tố chất cần thiết trong lĩnh vực này”, Trần Đình Vũ, nhà đồng sáng lập nhận xét về cô sinh viên năm 3 yêu thích các công việc bán thời gian ở bên ngoài hơn là việc chỉ ngồi ghế nhà trường.

Ban đầu Nhung góp sức bằng cách tham gia “chốt đơn” với những người bán hàng trực tuyến và điều phối các “shipper” giao hàng trong ngày. Nhưng rồi sau đó Nhung còn được giao một trọng trách khác mà có lẽ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô sinh viên năm 3 chưa bao giờ nghĩ đến: tham gia tái cấu trúc công ty thời hậu M&A.

Vào năm 2017, Tín Tốc đã tiến hành sáp nhập với ANZShip (có quy mô ngang với Tín Tốc khi đó), năm 2019 là với Dingdong Delivery (quy mô bằng một nửa so với Tín Tốc) và trong tháng 2 vừa qua là Tốc Hành (quy mô bằng một nửa).

“Lần đầu tiên sáp nhập là vất vả nhất. Khi đó hệ thống quản lý vẫn chưa ổn nên gần như phải chấp nhận thỏa hiệp với người lao động của bên nhận về, tức giữ nguyên mức chỉ tiêu của họ như trước. Rồi phải gặp từng khách hàng lớn, đặt lịch hẹn với họ và chia sẻ thêm về câu chuyện của Tín Tốc, làm sao để họ vẫn tiếp tục làm việc với mình. Còn những lần sáp nhập sau này thì đỡ hơn nhiều, vì hệ thống đã có sẵn và mọi người cũng đã biết đến Tín Tốc là ai”, Nhung kể.

Ngày nay, thị phần Tín Tốc tại TPHCM đã mở rộng đáng kể, từ mức “đủ sống” khoảng 300-500 đơn mỗi ngày thời kỳ đầu, nay đã tăng lên con số khoảng 9.000, với quy mô khoảng 90 nhân viên giao hàng. Đây là kết quả sau 3 cuộc sáp nhập và 4 lần đầu tư xây dựng từng phiên bản hệ thống khác nhau, nhưng đó chưa là tất cả.

Có lẽ, quyết định quan trọng nhất của Tín Tốc là việc chọn mô hình hoạt động, lối đi riêng cho mình giữa thị trường Logistics dành cho thương mại điện tử hết sức khốc liệt này. Đã từng có lúc các nhà sáng lập băn khoăn với 2 lựa chọn: trở thành đơn vị giao nhận cho sàn thương mại điện tử để khỏi lo về lượng đơn hàng, hay tìm hướng mở rộng ra nhiều tỉnh thành khác nhau?

Nếu có một món đồ muốn bán và cần giao ngay cho khách hàng, bạn có thể đặt chuyến xe Grab Express để giao hàng, nhưng nếu có rất nhiều món đồ cần phải bán thì Tín Tốc là cái tên có thể lựa chọn.

Trong khi Grab Express là hình mẫu cho mô hình giao hàng dặm cuối tức thời, thì Tín Tốc là ví dụ tiêu biểu cho hoạt động giao hàng dặm cuối trong ngày (trong vòng 24 tiếng). Tuy nhiên, khác với các một số công ty Logistics chọn cách hợp tác với sàn thương mại điện tử (như Giao hàng Tiết kiệm chẳng hạn), Tín Tốc đi vào phân khúc các nhà bán hàng trực tuyến nhưng không phân phối qua sàn, và chỉ tập trung ở thị trường TPHCM, nơi có chỉ số thương mại điện tử cao nhất cả nước, theo số liệu của Hiệp hội Thương Mại điện tử Việt Nam (VECOM).

Trong chuỗi giá trị ngành, giao hàng dặm cuối (last-mile delivery) đảm nhận việc giao tận tay đến cho khách hàng, thường có chi phí cao nhất (có khi chiếm đến khoảng 50% chi phí chuỗi giao nhận) vì các khâu vận chuyển khác có thể tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô để giảm chi phí. Giao hàng dặm cuối gặp khó vì số lượng đơn giá trị nhỏ lại quá lớn, trong khi địa chỉ mỗi lần giao-nhận lại khác nhau cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự tối ưu hóa việc chuyển hàng.

Mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cầm tiền của khách hàng (có đến hơn 80% mua hàng dưới hình thức tiền mặt). Thực tế trong năm 2018, đã từng có đơn vị giao hàng khá đình đám phá sản vì không quản trị tốt khâu tài chính, không kiểm soát được tiền bán hàng thu hộ khách hàng và sai sót trong khâu quản lý hàng hóa.
Với 2 kho hàng tại TPHCM có quy mô tổng diện tích hơn 1.000 m2, hiện Tín Tốc đưa ra cam kết giao hàng trong ngày tại 24 quận huyện, dưới hình thức thu tiền hộ (COD). Tỷ lệ giao thành công hiện nay là 97,35%, còn tỷ lệ đúng cam kết về toàn trình là trên 90%, đại diện Tín Tốc chia sẻ.

Một cơ sở vững chắc để Tín Tốc tự tin chọn lối đi riêng là vì nhiều nhà bán lẻ trực tuyến nhỏ lẻ vẫn đặt niềm tin vào các đơn vị giao nhận thứ 3 như Tín Tốc. Theo Nhung, có 2 nhóm khách hàng xu hướng rõ rệt. Một là nhóm khách hàng sử dụng thường xuyên các đơn vị giao nhận có quy mô toàn quốc (như VN Post hay Viettel Post). Riêng nhóm thứ 2 thì lựa chọn nhiều đơn vị giao nhận khác nhau, cho các mục đích khác nhau chứ không “dồn hàng vào một rổ”, vì họ có sự am hiểu khá sâu về đường đi các vận đơn.

Chẳng hạn, họ sẽ dành một tỷ lệ nhất định, thường là 35-40% chẳng hạn, số đơn hàng dành riêng cho các đơn vị giao hàng tại nội thành, còn lại sẽ “rải” đơn cho các đơn vị giao nhận khác có quy mô toàn quốc. Khi đó, người bán sẵn lòng trả giá cao hơn cho mỗi đơn vận chuyển, có khi hơn 20.000-30.000 đồng, thậm chí còn chấp nhận cả những đơn vị giao nhận không có hệ thống kiểm soát.

“Điều thú vị là ngay cả khi không chọn Tín Tốc, họ cũng sẽ chọn một đơn vị giao hàng khác có cùng mô hình hoạt động như Tín Tốc, bởi ưu tiên của người bán và người mua lúc này là cần tốc độ giao hàng tại nội thành. Khi tính đúng giờ được đặt lên trên hết, tính cảm xúc khi phục vụ nhóm khách hàng này là rất cao”, Nhung kể.

Nghe qua có vẻ thấy đơn giản, nhưng thực tế thì để giao hàng cho khách hàng nhanh hơn một chút cũng là cả vấn đề. “Cứ một tiếng giao nhanh hơn thì chi phí tốn thêm vài chục phần trăm. Đó là đặc trưng của ngành nhưng lại là lợi thế cạnh tranh vì mang lại lợi thế trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng”, Nhung nói.

Thực tế trong 2 năm trở lại đây, thị trường bắt đầu cuộc đua về tốc độ giao hàng. Nổi bật nhất có lẽ là Tiki Now với cam kết giao trong vòng 2 tiếng, nhưng vẫn mới chỉ cung cấp dịch vụ này ở các quận trung tâm nội thành. Đó là bài toán mà những ông lớn (càng lớn càng khó) vẫn chưa thể giải quyết nhanh trong một sớm một chiều.

Thị trường Logistics cho thương mại điện tử gần như trở thành “đại dương đỏ” với rất nhiều người chơi có tên tuổi lớn toàn cầu, trong khu vực và cả những “đại gia” mới nổi trong nước. Bên cạnh xu hướng đẩy nhanh tốc độ giao hàng thì một nhu cầu khác trong tương lai cũng được đại diện Tín Tốc nhắc đến, đó là nhu cầu “one-stop-services”, tạm dịch là đáp ứng mọi dịch vụ tại một điểm bán.

Theo đó, các nhà bán lẻ trực tuyến có vài chục đến cả trăm đơn mỗi ngày sẽ cần một hệ thống chứ không chỉ đơn thuần là “shipper”, phục vụ cho các nhu cầu tất yếu phát sinh kèm theo về việc quản lý kho hàng, lưu kho, nhập hàng, vận chuyển, theo dõi lộ trình,… Làm việc với một đầu mối hẳn nhiên “khỏe” hơn so với việc làm riêng lẻ nhiều bên khác nhau. Grab với tiềm lực tài chính vô cùng mạnh mẽ, có thể dễ dàng giải quyết bài toán này, nhưng đó là câu chuyện trong tương lai.

“Tín Tốc hiểu rất rõ điều này nên không chạy đua theo cuộc đua mở rộng hay giảm giá, thay vào đó là tập trung mở rộng các giá trị tăng thêm”, ông Trần Đình Vũ, nhà đồng sáng lập cho biết. Tại Tín Tốc, Nhung là người phụ trách vận hành còn Vũ đảm nhiệm vai trò liên quan đến kế hoạch và chiến lược.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường thì mô kình kinh doanh bền vững cũng là điều mà Tín Tốc đang hướng đến, bằng cách tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau (từ nhiều nhà cung cấp khác) vào hệ thống của mình. “Việc tích hợp là rất dễ dàng và nhanh chóng khi Tín Tốc đã mở sẵn “cửa” cho các bên khác tham gia, với mục tiêu là đáp ứng bất kỳ nhu cầu nào của khách hàng”, Vũ nói.

Năm ngoái, Tín Tốc mở kho hàng đầu tiên ở Bình Dương với diện tích khoảng 40m2. Trong thời gian tới vẫn sẽ là câu chuyện tập trung vào những địa phương trọng điểm về thương mại điện tử.

Trong tương lai, sự thay đổi của từng mắc xích trong chuỗi giao nhận cũng sẽ sớm thay đổi, bao gồm các công ty giao nhận và kéo theo là hành vi mua sắm khách hàng. Điển hình như trường hợp ở Mỹ, phí giao hàng một sản phẩm từ Trung Quốc đến tay người tiêu dùng có khi còn rẻ hơn là hàng giao nội địa, dù rằng thời gian giao nhận sẽ kéo dài ra. Ở Việt Nam cũng đã có những hiện tượng tương tự.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới