Thứ Bảy, 30/09/2023, 03:40
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Lại chuyện giá lương thực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lại chuyện giá lương thực

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Tình hình giá lương thực thế giới đang có những diễn biến giống như đầu năm 2008. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương Nông trong tháng 1-2011 tăng 3,4% so với tháng 12-2010. Nhưng khác với năm 2008 khi giá cả tăng vọt chủ yếu do giới đầu cơ thao túng, năm nay giá tăng trong nhiều tháng liên tiếp là do nguồn cung giảm sút: thời tiết thất thường, gây ra bão lũ và hạn hán khắp nơi, làm sản lượng nhiều loại nông sản chủ chốt như lúa mì, đường, dầu ăn giảm mạnh.

Lường trước những bất ổn xã hội một khi giá lương thực tăng vọt, chính phủ nhiều nước đang ra sức mua ngũ cốc, càng làm cho nguồn cung khan hiếm, đẩy giá lên mức cao hơn. Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới Josette Sheeran đã phải cảnh báo vào đầu tháng này: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên bất ổn lương thực, nguồn cung xáo động. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng cho thế giới”.

Trước bối cảnh đó, điều đầu tiên là tránh lặp lại sai lầm của năm 2008. Lúc đó, khi giá gạo thế giới tăng vọt, đã có chủ trương ngừng ký hợp đồng xuất khẩu để bình ổn giá cả lương thực trong nước. Đáng tiếc, giá gạo trong nước không những không được bình ổn mà còn tăng mạnh trong một thời gian ngắn do đầu cơ, tích trữ. Đến khi việc xuất khẩu được khai thông thì giá gạo thế giới lại giảm mạnh, nông dân thiệt hại trăm bề.

Nay thì không thể nói ngay chủ trương như thế nào là đúng đắn trong bối cảnh giá cả lương thực thế giới biến động từng ngày. Vấn đề là công tác dự báo, phân tích và đưa ra khuyến nghị của các cơ quan chuyên trách phải sát với thực tế hơn, phải chuyên sâu hơn và thậm chí cần đầu tư để thuê chuyên gia hay mua thông tin thị trường. Chỉ lúc đó, chúng ta mới yên tâm rằng chủ trương của Nhà nước sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho nông dân hài hòa với lợi ích của xã hội.

Nhìn xa hơn, nếu cảnh báo của ông Sheeran và nhiều chuyên gia khác nữa là đúng, chúng ta cần nhanh chóng thiết kế lại chiến lược phát triển cho nền nông nghiệp nước nhà. Lợi thế của Việt Nam chính là sản xuất nông nghiệp mà thực tế xuất khẩu trong nhiều năm qua đã chứng minh. Lợi thế của chúng ta không hề là các sân golf hay các resort 5 sao cho khách du lịch. Nay khi nguồn cung lương thực của thế giới hạn hẹp trong khi cầu vẫn tăng mạnh, tại sao chúng ta có thể phá bỏ những mảnh ruộng phì nhiêu để làm những dự án lãng phí đất đai, hiệu quả thấp, đẩy người nông dân không còn ruộng đất lên thành thị làm công nhân nghèo? Tại sao phải chăm chăm lấy đất có thể trồng cà phê, tiêu, cao su để làm thủy điện, khai thác tài nguyên một cách vô tội vạ?

Đặc điểm duy nhất có thể nói chắc chắn về thế giới ngày nay là sự biến động không lường trước được, mà một trong những nguyên nhân gần cũng do bất ổn giá cả, trong đó có giá lương thực, là điều không ai tiên đoán trước được chỉ một thời gian ngắn trước đây.

Vì thế, một chiến lược phát triển linh hoạt dựa vào các xu hướng mới nổi lên của thế giới là điều cần có hiện nay để đối phó với những bất ổn đó. Chú trọng tìm mọi cách để phát huy lợi thế nông nghiệp nước nhà là một trong những định hướng chiến lược như thế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới