Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lại chuyện trái phiếu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lại chuyện trái phiếu

(TBKTSG) – Mười hai tháng trước, vào tháng 3-2008 các nhà đầu tư nước ngoài nắm trong tay khoảng 4 tỉ đô la Mỹ trái phiếu của Việt Nam. Hiện nay lượng trái phiếu họ sở hữu giảm 10 lần, còn chừng 400 triệu đô la Mỹ.

Không nghi ngờ, các tổ chức nước ngoài là “những tay chơi lớn” trái phiếu. Nhưng vị trí đứng đầu, tay chơi lớn nhất của thị trường trái phiếu lại không thuộc về họ, mà thuộc về một tổ chức tín dụng nội địa: Ngân hàng Á Châu.

“Tay chơi lớn” không đứng yên

Trong số 2.556 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2008 của ACB, hơn 1.000 tỉ đồng có được từ kinh doanh trái phiếu. Một nhà nghiên cứu kinh tế và quản lý quỹ ở Úc, Tiến sĩ Lê Hồng Giang, nhận xét để có được khoản lợi nhuận ấy, ACB đã phải mua vào lượng trái phiếu tương đương 80.000- 100.000 tỉ đồng.

So với tổng tài sản 112.000 tỉ đồng của ACB vào thời điểm giữa năm 2008, con số trái phiếu trên quả rất lớn. Ông ước đoán đến nay trái phiếu vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu trong 70% tổng tài sản còn lại của ACB, vì dư nợ của ngân hàng này vào cuối tháng 12-2008 chỉ có 34.000 tỉ đồng, bằng 30% tổng tài sản.

“Quyết định dồn tiền mua trái phiếu là một quyết định khôn ngoan, phù hợp với phong trào “deleveraging” (đảo ngược đòn bẩy) của các ngân hàng thế giới năm ngoái” – Tiến sĩ Giang viết. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh trong thời gian tới ACB có thể phải chịu rủi ro lãi suất khá cao vì tập trung tài sản quá nhiều vào trái phiếu.

Tiến sĩ Giang không phải không có lý. Song trên thực tế, ACB không phải là “tay chơi” nửa chừng. Thay vì để trái phiếu nằm bất động một chỗ, ACB đã liên tục đẩy nhanh vòng quay trái phiếu, mua bán – bán mua có khi trong ngày với khối lượng giao dịch hàng ngàn tỉ đồng.

ACB đã tận dụng tối đa sự chênh lệch đáng kể của lợi tức trái phiếu trong những tháng 5-8 năm 2008. Lúc bấy giờ, khi lãi suất lên đến 21%/năm, ACB là một trong hai đơn vị có thanh khoản lớn (cùng với Vietcombank) và các tổ chức cần thanh lý trái phiếu đã chào cho ngân hàng này mức lợi tức không ngờ. Mua và ngay lập tức hiện thực hóa lợi nhuận khi có điều kiện, ACB đã dồn vốn cho trái phiếu chính phủ, trái phiếu ngân hàng chính sách, trái phiếu BIDV với mức lợi tức thấp nhất 15%/năm, cao nhất 25%/năm.

“Chúng tôi biết nguồn để mua trái phiếu giá rẻ và “lướt sóng” bán sau vài ngày” – một quan chức ACB tiết lộ với TBKTSG. ACB đã sử dụng một lượng thanh khoản lớn cho trái phiếu, và để thanh khoản đó trong vòng quay, do đó ngay cả trong những ngày cao điểm, lượng trái phiếu mà ngân hàng này nắm giữ chỉ khoảng 25.000 tỉ đồng.

Hiện giờ ACB còn bao nhiêu trái phiếu? Số dư trái phiếu trên bảng cân đối tài chính (balance sheet) mà chúng tôi có được đến ngày 7-3-2009 cho thấy ACB còn 10.129 tỉ đồng, trong đó trái phiếu kỳ hạn từ năm năm trở lên hơn 4.000 tỉ đồng.

Ngoài ra ACB hiện đang sở hữu 1.263 tỉ đồng trái phiếu của tổ chức tín dụng (loại trái phiếu này có mức chiết khấu cao hơn và kỳ hạn ngắn, phổ biến dưới ba năm – NV). Như vậy, so với tổng tài sản, trái phiếu chiếm một tỷ lệ không quá lớn. Điều đáng nói là trái phiếu giúp ACB có thanh khoản cần thiết ngay lập tức khi thị trường biến động thông qua các hoạt động thị trường mở và liên ngân hàng.

Trái phiếu ngoại tệ: lãi suất bao nhiêu?

Hiện với lợi tức 8,5-9%/năm, trái phiếu không có “sóng” cho các tổ chức “lướt”. Mối quan tâm của các “tay chơi” bây giờ là liệu Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước trong tháng 3-2009 như thế nào.

Trái phiếu là một yếu tố tạo đột biến trong cơ cấu lợi nhuận của ACB và một số tổ chức tín dụng năm ngoái. Nhưng nó là một yếu tố không bền vững, chỉ phát huy tác dụng khi thị trường biến động.

Hiện với lợi tức 8,5-9%/năm, trái phiếu không có “sóng” cho các tổ chức “lướt”. Mối quan tâm của các “tay chơi” bây giờ là liệu Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước trong tháng 3-2009 như thế nào.

Từ trước đến nay, các ngân hàng Việt Nam vẫn gửi ngoại tệ ở nước ngoài. Hiện họ vẫn gửi ở những địa chỉ có độ an toàn cao với lãi suất hơn 2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất đó rõ ràng không hấp dẫn. Kinh doanh ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng lại càng không hấp dẫn khi theo thông báo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất vay đô la Mỹ qua đêm là 0,54%/năm, một tuần 1,04%/năm, một tháng 1,28%/năm, ba tháng 2,02%/năm, sáu tháng 1,94%/năm. Trong khi tốc độ tăng trưởng huy động vốn bằng ngoại tệ đang nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động tiền đồng, ngân hàng lại không thể đẩy mạnh đầu ra ngoại tệ. Doanh nghiệp ngại vay ngoại tệ vì rủi ro tỷ giá. Cho nên, lúc này huy động ngoại tệ càng nhiều, ngân hàng càng có nguy cơ lỗ.

Trong bối cảnh đó, phát hành trái phiếu ngoại tệ đồng nghĩa với việc huy động được nguồn vốn rẻ trong nước. Nếu phát hành trái phiếu quốc tế, Nhà nước phải trả một mức lãi suất cao bởi trái phiếu chính phủ Việt Nam đang được giao dịch trên thị trường thế giới với mức lợi tức khoảng 10%/năm. Những tổ chức nước ngoài nhận tiền gửi của các ngân hàng Việt Nam sẽ dùng chính nguồn tiền đó để mua trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ và họ lợi cả hai đầu.

Vấn đề còn lại, lãi suất trái phiếu ngoại tệ bao nhiêu là hợp lý? Khi lãi suất huy động đô la Mỹ kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng hiện trên dưới 3%/năm, thì lãi suất trái phiếu chính phủ nên ở mức 3,5-4%/năm. Chính phủ đã đưa ra hạn mức phát hành 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu ngoại tệ năm nay, và việc phát hành sẽ chia làm nhiều đợt. Đợt thí điểm đầu tiên, theo giới tài chính, nên ở mức 100 triệu đô la Mỹ.

Nhìn từ góc độ Nhà nước, phát hành trái phiếu ngoại tệ không phải không có rủi ro. Trong trường hợp tỷ giá thay đổi, ngân sách sẽ phải trả thêm một khoản chênh lệch nếu tính ra tiền đồng. Nhưng nhìn xa hơn, cho dù phát hành trong hay ngoài nước, khoản chênh lệch này cũng vẫn phải trả. Chỉ có điều phát hành trong nước lợi hơn vì lãi suất trái phiếu chắc chắn thấp hơn.

Và điều quan trọng khác là nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu ngoại tệ phải được sử dụng cho những hoạt động kinh tế có nguồn thu ngoại tệ như xuất khẩu, hoặc nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu thiết yếu. Nếu tăng cường giải ngân ngân sách (trong đó có nguồn từ trái phiếu) mà không tạo ra nguồn thu hiệu quả, không có cơ chế kiểm soát tiền ra và hút tiền về, thì sẽ phải phát hành trái phiếu tiếp, vay tiếp, trả lãi tiếp… và “vòng xoáy trái phiếu” sẽ không có điểm dừng! Chúng tôi sẽ đề cập vấn đề này trong những bài viết tiếp theo.

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới