Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lại giảm giá mua vào đô la Mỹ – giải pháp nới lỏng chính sách?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thấy gì từ động thái giảm giá mua đô la Mỹ mới đây của Ngân hàng Nhà nước?

Giảm giá mua khi cung ngoại tệ dồi dào trở lại

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 5-11-2021 lại một lần nữa giảm mạnh giá mua vào đô la Mỹ, với mức giảm 100 đồng, xuống còn 22.650 đồng/đô la Mỹ. Đây là lần giảm thứ ba tính trong năm nay, sau hai lần giảm diễn ra vào ngày 6-8 và ngày 11-8.

So với thời điểm đầu năm, dù tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng không thay đổi nhiều, nhưng giá mua vào đô la Mỹ tại Sở Giao dịch NHNN đã giảm đến 475 đồng, tương ứng giảm hơn 2%, trong khi giá bán ra cũng giảm đến 445 đồng, tương ứng giảm hơn 1,9%.

Trong bối cảnh đô la Mỹ trên thị trường quốc tế tiếp tục duy trì xu hướng đi lên, động thái liên tục hạ giá giao dịch đô la Mỹ trong nước của nhà điều hành trong những tháng qua khiến thị trường không ít ngạc nhiên. Cụ thể chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đô la Mỹ vẫn đang nằm vững chắc trên mốc 94 điểm, tăng hơn 5,5% so với đầu năm nay.

Nhưng nhìn vào tình hình trong nước, cần lưu ý là quyết định giảm giá mua ngoại tệ diễn ra giữa lúc nguồn cung ngoại tệ có dấu hiệu dồi dào hơn. Dòng vốn đầu tư nước ngoài phục hồi tăng trưởng trở lại trong hai tháng gần đây, sau khi Việt Nam dần gỡ bỏ giãn cách xã hội, đồng thời cán cân thương mại cũng đang cho tín hiệu cải thiện tích cực hơn trong tháng 10 vừa qua.

Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cập nhật đến ngày 31-10-2021, cán cân thương mại tháng 10 bất ngờ ghi nhận xuất siêu lớn lên đến 2,85 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, tính chung 10 tháng đầu năm 2021 Việt Nam xuất siêu 160 triệu đô la Mỹ, đảo chiều mạnh mẽ từ mức nhập siêu trong chín tháng là 2,55 tỉ đô la Mỹ.

Ở hoạt động kiều hối, số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM mới công bố cho biết lượng kiều hối chuyển về thành phố trong chín tháng đầu năm 2021 đạt 5,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Với diễn biến hiện tại, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định trong năm nay lượng kiều hối về Việt Nam sẽ không suy giảm so với năm ngoái, ước đạt khoảng 18 tỉ đô la Mỹ.

Đã không thể gửi tiền bằng đô la Mỹ để hưởng lãi suất, trong khi đô la Mỹ lại không tăng giá so với tiền đồng như kỳ vọng, thậm chí còn giảm giá, ắt hẳn sự chuyển dịch từ ngoại tệ sang tiền đồng sẽ mạnh hơn.

Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên mốc kỷ lục 105 tỉ đô la Mỹ, theo báo cáo vĩ mô gần đây của Công ty Chứng khoán BIDV. Trước đó báo cáo của WB cho biết Việt Nam đã mua thêm 6 tỉ đô la Mỹ từ tháng 12-2020 đến tháng 4-2021, nhờ cán cân vãng lai và cán cân tài chính đều thặng dư. Còn Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối năm nay có thể đạt mức 113,7 tỉ đô la Mỹ.

Với nguồn cung ngoại tệ đang được cải thiện, trong khi nhà điều hành cũng có mục tiêu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối để chống lại các cú sốc kinh tế tiềm ẩn trong giai đoạn đầy bất ổn như hiện nay, động thái giảm giá mua ngoại tệ được xem là một chính sách phù hợp, nhất là khi giải pháp này cũng đáp ứng được cam kết “không phá giá tiền đồng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế” với phía Mỹ.

Còn nhiều hơn thế?

Điều quan trọng hơn nữa là việc tăng giá đô la Mỹ có thể còn nhằm mục tiêu giúp tiếp tục ổn định lãi suất tiền đồng ở mức thấp, như là một giải pháp để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Với việc nền kinh tế vẫn đang chật vật để thoát khỏi sự suy yếu, các ngân hàng đã nỗ lực giảm mạnh lãi suất cho vay trong thời gian qua cũng như tái cơ cấu nợ cho khách hàng, thì việc giữ được mặt bằng lãi suất đầu vào thấp là điều kiện cần thiết trong giai đoạn này.

Trong khi đó, các công cụ điều hành chính sách tiền tệ dường như đang tới hạn.

Để nới lỏng chính sách, NHNN có thể sử dụng các công cụ như giảm lãi suất điều hành, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng hoặc mở rộng cấp vốn qua các kênh tái cấp vốn hay nghiệp vụ thị trường mở. Nhưng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương toàn cầu đang phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, cộng thêm áp lực lạm phát những tháng tới có thể gia tăng, việc giảm lãi suất điều hành được một số chuyên gia cho là mạo hiểm vào lúc này.

Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng không được ủng hộ nhiều trong thời gian qua, với lý do là tỷ lệ này của Việt Nam trong nhiều năm qua đã ở mức rất thấp.

Tác động của các công cụ như tái cấp vốn hay nghiệp vụ thị trường mở cũng có những giới hạn nhất định và thường không được triển khai với quy mô lớn.

Đối với việc mở rộng tăng trưởng tín dụng, nhà điều hành trong hai năm trở lại đây đã tích cực nới lỏng hạn mức tăng trưởng định kỳ cho các ngân hàng đủ điều kiện. Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh liên tục bùng phát, cầu vay vốn khó tăng mạnh vì khách hàng khó có thể mạo hiểm để mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh rủi ro như hiện nay, còn về phía các ngân hàng cũng kiểm soát chặt chẽ các điều kiện giải ngân vốn đầu ra hơn.

Vì vậy, việc sử dụng công cụ tỷ giá để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong tình hình hiện nay có thể là một lựa chọn phù hợp. Về thực chất tỷ giá không phải là công cụ của chính sách tiền tệ vì tỷ giá không làm thay đổi lượng tiền tệ trong lưu thông. Nhưng ở các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, tỷ giá được coi là công cụ hỗ trợ quan trọng cho chính sách tiền tệ.

Như tại Việt Nam, khi tỷ giá đi xuống, tức đồng nội tệ tăng giá so với ngoại tệ, người dân có thể giảm động lực nắm giữ ngoại tệ, nhất là khi lãi suất tiền gửi đô la Mỹ đã duy trì ở mức 0% từ cuối năm 2015 đến nay. Đã không thể gửi tiền bằng đô la Mỹ để hưởng lãi suất, trong khi đô la Mỹ lại không tăng giá so với tiền đồng như kỳ vọng, thậm chí còn giảm giá, ắt hẳn sự chuyển dịch từ ngoại tệ sang tiền đồng sẽ mạnh hơn.

Khi đó, một phần tiền gửi ngoại tệ đang gửi tại ngân hàng hoặc như là một tài sản tích trữ tại nhà, sẽ chuyển thành tiền đồng. Bên cạnh việc chảy vào các tài sản như chứng khoán, bất động sản, sự chuyển đổi này cũng giúp nguồn vốn huy động bằng tiền đồng của các ngân hàng dồi dào hơn, từ đó tạo điều kiện để các ngân hàng vẫn duy trì được lãi suất đầu vào ở mức thấp.

Đối với lượng ngoại tệ mua được, các ngân hàng có thể bán lại cho NHNN giúp làm giàu thêm kho dự trữ ngoại hối quốc gia, hoặc tham gia mua trái phiếu ngoại tệ phát hành trong nước của Chính phủ, như cách mà Vietcombank đã làm cách đây sáu năm.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là khi lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng ngày càng suy giảm, hoạt động cho vay ngoại tệ tất yếu cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, nhà điều hành có lẽ sẽ ngày càng thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ, song song với chính sách buộc chuyển dịch từ hoạt động gửi tiền – cho vay sang mua bán đứt đoạn ngoại tệ đối với khách hàng tại các ngân hàng.

Với việc thị trường ngoại hối được kiểm soát ổn định trong nhiều năm qua, giá mua – bán nếu tiếp tục thu hẹp chênh lệch và ở mức thấp hợp lý như hiện nay, sự chuyển dịch trên kỳ vọng sẽ không còn gặp quá nhiều thách thức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới