Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lại là biện pháp phi thị trường?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lại là biện pháp phi thị trường?

Quang Minh

Quản lý giá cả bằng các biện pháp phi thị trường sẽ khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạch định chiến lược kinh doanh. Ảnh: Minh Khuê.

(TBKTSG) – Trước nhiều vấn đề bất cập liên quan đến lĩnh vực giá cả trong thời gian gần đây, Nhà nước đã có những chính sách cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường. Tuy nhiên, dự thảo Luật Giá chuẩn bị trình Chính phủ lại không đáp ứng được yêu cầu đó…

Hiện nay giá cả tăng đang tác động bất lợi đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp ngày càng khó xoay xở do chi phí tăng, khiến sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ bị giảm sút.

Trong bối cảnh đó, nhiều người hy vọng dự thảo Luật Giá sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đang gây bức xúc cho các chủ thể trong nền kinh tế như doanh nghiệp, người tiêu dùng…

Tuy nhiên, nhiều điều khoản trong dự thảo Luật Giá lại thể hiện chính sách quản lý giá phi thị trường, có thể gây cản trở môi trường kinh doanh.

Điển hình là quy định đăng ký giá. Theo giải thích của dự thảo luật thì đăng ký giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá lập và gửi biểu mẫu đăng ký giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Còn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thì phải thực hiện đăng ký giá bán hoặc giá mua hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của mức giá đã đăng ký theo quy định pháp luật.

Đây là quy định được luật hóa từ Thông tư 122/2010 của Bộ Tài chính. Thực tế thực hiện quy định này trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang thực hiện đăng ký giá theo Thông tư 122 phản ánh họ phải mất rất nhiều thời gian, chi phí cho việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu đăng ký giá vì cơ quan quản lý không công bố các tài liệu cụ thể để hoàn thành hồ sơ đăng ký giá. Do đó tất cả đều phụ thuộc vào hành vi của các cán bộ đang thực thi nhiệm vụ.

Không chỉ mất thời gian và chi phí cho việc lập và nộp hồ sơ đăng ký giá lần đầu tiên mà mỗi lần thay đổi giá hàng hóa, dịch vụ, doanh nghiệp đều phải điều chỉnh hồ sơ với nhiều tài liệu chứng minh về chi phí sản xuất, kinh doanh. Những thủ tục này nếu được luật hóa sẽ tiếp tục làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp vì mất đi nhiều cơ hội kinh doanh khi họ không được linh hoạt trong việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ của mình. Thậm chí các doanh nghiệp còn băn khoăn về bí mật kinh doanh có thể bị lộ trong quá trình nộp hồ sơ đăng ký giá, vì giá cả hàng hóa là yếu tố quan trọng và nhạy cảm quyết định khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Dự thảo Luật Giá còn đưa ra nhiều biện pháp quản lý giá phi thị trường như lập quỹ bình ổn giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá, định giá cho một số loại hàng hóa, dịch vụ dựa trên những căn cứ mơ hồ như mức lợi nhuận dự kiến, sức mua của đồng tiền, khả năng thanh toán của người tiêu dùng…; quyết định giá tạm thời khi hiệp thương giá không thành.

Quy định về các trường hợp thực hiện chính sách bình ổn giá cũng không rõ ràng: khi giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống có biến động bất thường hoặc khi toàn bộ mặt bằng giá có biến động bất thường. Tuy nhiên, trường hợp nào là biến động bất thường thì dự thảo luật không giải thích cụ thể, nên các doanh nghiệp không biết hàng hóa, dịch vụ của mình có nằm trong danh mục bị quản lý hay không.

Theo dự thảo luật, đó là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng với các tiêu chí không rõ ràng như nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm đầu vào quan trọng của sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ mà khi giá của hàng hóa, dịch vụ này biến động sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Với các tiêu chí mơ hồ như thế, cộng thêm danh mục này sẽ được Chính phủ quy định trong từng thời kỳ nhưng không rõ thời kỳ đó kéo dài bao lâu, các doanh nghiệp không biết phải xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh doanh của mình như thế nào.

Ngoài danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Chính phủ sẽ ban hành một danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Theo quy định của dự thảo luật, Chính phủ sẽ quy định cụ thể trong từng thời kỳ, bao gồm: hàng hóa, dịch vụ độc quyền, tài nguyên quan trọng, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch, hàng hóa dịch vụ thiết yếu có thị trường cạnh tranh hạn chế. So với Luật Cạnh tranh chỉ cho phép Nhà nước quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước, quy định này đã mở rộng phạm vi điều tiết của Nhà nước hơn rất nhiều.

Thậm chí, một giám đốc doanh nghiệp lo lắng nếu các quy định của dự thảo Luật Giá đi vào cuộc sống, doanh nghiệp có thể phải nộp ngân sách khoản tiền rất lớn mà không có điều kiện rõ ràng. Đó là quy định buộc thu nộp ngân sách phần chênh lệch giá nếu tăng giá bất hợp lý so với mức giá đang bán bình thường do tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh tính toán các yếu tố hình thành giá không đúng với chế độ chính sách, định mức kinh tế – kỹ thuật và quy chế tính giá do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đây vẫn là các quy định được luật hóa từ Thông tư 122 đã bị cộng đồng doanh nghiệp phản đối từ năm 2010.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới