Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lại một chuyện về “văn hóa” và “học vấn”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lại một chuyện về “văn hóa” và “học vấn”

Sơn Tùng

(TBKTSG) – Thứ Hai đầu tuần mở ra với thông tin không vui: một người thanh niên lái chiếc Porsche đắt tiền ở Hà Nội khi bị công an kiểm tra hành chính đã ném bao thuốc lá và bật lửa vào mặt phóng viên đang chụp ảnh mình. Câu chuyện gây khó chịu gấp bội cho công luận khi người thanh niên giải thích hành vi của mình là do anh ta đã ở nước ngoài trong thời gian dài, khi về nước thì “chưa quen”!

Theo logic thông thường, người thanh niên phản ứng có thể vì anh ta cảm thấy “xấu hổ” với hình ảnh của mình sẽ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sự “xấu hổ” đó chưa hẳn là điều không tốt nếu anh ta thực sự có cảm giác đó. Tuy nhiên, dù có “xấu hổ” đến đâu, người thanh niên này cũng không thể biện minh được cho hành động tiếp theo sau khi ném bật lửa vào phóng viên.

Lẽ ra, điều xấu hổ đầu tiên của anh ta phải là sự xấu hổ khi vi phạm luật pháp. Và giá như anh ta biết xấu hổ, đã không có câu chuyện gây khó chịu này.

Cú ném bật lửa của anh thanh niên nọ đã bị cư dân mạng “ném đá” trả lại. Ngày thứ Hai, nhiều độc giả trên dantri.com.vn đã lên tiếng đòi phải xử lý đích đáng hành động của anh ta. Có độc giả viết “không thể chấp nhận được những kẻ có học mà xử sự một cách thiếu văn hóa như vậy”. Một người khác bình luận: “Những hành động thiếu văn hóa, cách sống coi thường pháp luật thế này cần phải lên án mạnh mẽ, có hình phạt răn đe để làm gương cho những ai đang có suy nghĩ sai lầm về văn hóa và lối sống”.

Không thấy tờ báo nào đề cập đến chuyện anh thanh niên trên làm nghề gì. Nhưng có lẽ người viết thứ nhất đã suy diễn từ chi tiết “đã ở nước ngoài trong thời gian dài” để cho rằng anh ta “có học” trong thời gian qua. Còn người thứ hai tỏ rõ thái độ khi phân biệt hai khái niệm “học vấn” và “văn hóa” trong lời bình của mình.

Đến đây, tự dưng trong đầu lại nhớ lại một tình huống xảy ra khoảng hai tuần trước liên quan đến giao thông giúp phân biệt rõ ràng đâu là “trình độ văn hóa” và “trình độ học vấn”.

Khoảng một giờ trưa trước cửa Trung tâm Thương mại Zen trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, một phụ nữ lái xe tay ga bỗng ngã nhào ra đường do vướng phải một chiếc xe tải nhẹ đi cùng chiều. May cho người phụ nữ này vì những chiếc xe phía sau chị đều dừng kịp. Nhiều người chứng kiến tai nạn vội vã chạy đến chỗ chị té, dìu chị vào lề đường.

Sự nhanh lẹ của họ đã là một điều ngạc nhiên vì trong nhiều trường hợp tương tự người ta chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả. Ngạc nhiên hơn, từ chiếc xe tải nhỏ túa ra ba người chạy vội đến hiện trường. Trang phục của họ báo cho mọi người biết ngay nghề nghiệp của cả ba: họ là công nhân vệ sinh, trong đó có một người là tài xế. Do diễn biến quá nhanh, thật khó nói ngay đó là lỗi của ai, nhưng thái độ chăm sóc của ba công nhân vệ sinh đối với người phụ nữ ngã xe mới là điều đáng nói. Họ thay nhau xoa bóp chỗ bầm, một người chạy đi mua dầu xức cho chị. Bốn người nói chuyện với nhau hồi lâu, nhưng không một lời to tiếng – trái ngược với cảnh thường thấy sau các tai nạn giao thông khi mọi người cùng đổ lỗi cho nhau. Lát sau, vì người phụ nữ còn đau chân, hai người công nhân vệ sinh lên xe tải, người còn lại lái chiếc xe tay ga chở chị về nhà.

Tạm gác chuyện ai là người có lỗi trong tai nạn này, cách xử sự của hai bên là một nét văn hóa đẹp rất đời thường nhưng hiếm thấy trên đường phố Sài Gòn ngày nay. Riêng với ba người công nhân vệ sinh, không biết “trình độ học vấn” của họ đến đâu, nhưng đố ai dám nói “trình độ văn hóa” của họ là thấp!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới