Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất 2021 sẽ chịu những áp lực nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất 2021 sẽ chịu những áp lực nào?

Hồ Lê

(TBKTSG) – Mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng đã có một bước giảm dài trong năm 2020. Một số dự báo cho thấy lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm 2021, thậm chí có thể giảm thêm. Tuy nhiên khả năng vẫn có những áp lực có thể đẩy lãi suất tăng trở lại trong thời gian tới.

Lãi suất 2021 sẽ chịu những áp lực nào?
Hầu hết các ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: THÀNH HOA

Bước trượt dài tích cực

Khung lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng kỳ hạn ngắn 1-5 tháng đã giảm đến 1,3 điểm phần trăm trong năm nay, cao hơn mức điều chỉnh giảm 1 điểm phần trăm của trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho thấy hầu hết các ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh hơn so với quy định. Thực tế tính đến hiện nay chỉ còn ba ngân hàng vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng ở mức kịch trần 4%, còn hầu hết các ngân hàng đã giảm về dưới mức này.

Lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng cũng giảm 1,25 điểm phần trăm so với cuối năm 2019, kỳ hạn 12 tháng giảm 1,2 điểm phần trăm và kỳ hạn từ 13 tháng trở lên giảm gần 1,1 điểm phần trăm. Diễn biến này cho thấy xu hướng giảm lãi suất diễn ra đồng đều ở các kỳ hạn. Đây là hệ quả tất yếu của việc thanh khoản toàn hệ thống luôn ở trạng thái dư thừa trong suốt cả năm.

Việc NHNN mua ngoại tệ và bơm một lượng lớn tiền đồng vào nền kinh tế từ năm 2017 đến nay đã là một trong những điều kiện quan trọng giúp thanh khoản hệ thống dồi dào, giúp kéo mặt bằng lãi suất tiền đồng ngày càng đi xuống. Nay nếu mất đi yếu tố hỗ trợ này, lãi suất sẽ mất đi một trợ lực kiềm chế quan trọng.

Ngoài ra, việc NHNN quyết định lùi thời gian giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như là một trong những giải pháp hỗ trợ các ngân hàng, cũng phần nào giảm áp lực huy động vốn trung, dài hạn cho các ngân hàng. Song song đó, việc tăng thêm vốn điều lệ, tiếp tục phát hành trái phiếu kỳ hạn dài thành công trong năm nay cũng giúp nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng bền vững hơn, càng giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh huy động tiền gửi trên thị trường dân cư.

Xu hướng các ngân hàng trung ương (NHTƯ) toàn cầu nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm mạnh lãi suất cũng giúp nhà điều hành có điều kiện kéo lãi suất xuống vùng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong cuộc họp gần nhất vào giữa tháng 12 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng báo hiệu rằng lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức gần 0 cho đến ít nhất là năm 2023 và tốc độ mua tài sản mạnh mẽ như hiện tại sẽ tiếp tục, cho đến khi kết quả phục hồi kinh tế có những tiến bộ đáng kể trong thời kỳ hậu dịch bệnh.

Áp lực nào cho năm 2021?

Dù vậy, quá khứ cũng cho thấy những cam kết của Fed có thể đảo chiều khó lường dựa trên thực tiễn của nền kinh tế, mà động thái giảm mạnh lãi suất khẩn cấp hồi tháng 3 đầu năm nay để ứng phó với đại dịch là minh chứng rõ nhất, khi trước đó không lâu NHTƯ lớn nhất thế giới này còn dự kiến sẽ có thêm 1-2 lần nâng lãi suất trong năm 2020.

Áp lực lạm phát gia tăng trở lại có thể là yếu tố quan trọng buộc các NHTƯ phải giảm dần việc bơm thanh khoản, rút các gói kích thích tiền tệ, kế đó sẽ tác động lên xu hướng lãi suất là một trong những rủi ro cần dè chừng trong năm 2021, nhất là khi các chính phủ đã không ngừng mở rộng chính sách tài khóa và các NHTƯ nới lỏng chính sách tiền tệ vô hạn trong năm nay để đối phó với dịch bệnh.

Triển vọng vaccin được đưa vào sản xuất thương mại và tung ra thị trường hàng loạt trong năm sau, không chỉ thúc đẩy nền kinh tế đi lên trở lại mà còn giúp lấy lại niềm tin, theo đó cầu tiêu dùng cũng phục hồi sẽ là một trong những động lực đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại. Trong khi đó, thị trường dầu quốc tế vẫn đang cho thấy xu hướng phục hồi mạnh mẽ, cũng như giá nhiều loại hàng hóa, năng lượng khác đang tăng trở lại trước sự suy yếu không ngừng của đô la Mỹ, cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong giai đoạn tới.

Riêng đối với Việt Nam, việc mới đây bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ cùng với Thụy Sỹ cũng sẽ mang đến một số hạn chế trong việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới. Theo đó, NHNN sẽ khó có thể tiếp tục mua ròng ngoại tệ với số lượng lớn, một trong những tiêu chí mà phía nước bạn vịn vào để đánh giá.

Cần biết rằng, với dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào mạnh mẽ và thặng dư thương mại hàng hóa lên mức kỷ lục trong những năm gần đây, việc NHNN mua ngoại tệ và bơm một lượng lớn tiền đồng vào nền kinh tế từ năm 2017 đến nay đã là một trong những điều kiện quan trọng giúp thanh khoản hệ thống dồi dào, giúp kéo mặt bằng lãi suất tiền đồng ngày càng đi xuống. Nay nếu mất đi yếu tố hỗ trợ này, lãi suất sẽ mất đi một trợ lực kiềm chế quan trọng.

Ngoài ra, với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp như hiện nay, dòng tiền đã, đang và sẽ tiếp tục dịch chuyển qua các kênh đầu tư khác là điều tất yếu. Thị trường chứng khoán trong tám tháng qua đã phản ánh xu thế này và có thể sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền gửi ngân hàng chuyển sang, kế tiếp có thể sẽ là thị trường bất động sản hoặc bất kỳ một kênh đầu tư nào khác mà khiến người ta tin rằng có lợi suất sinh lời hấp dẫn hơn nhiều.

Ở phía cầu vốn, khi kinh tế tăng trưởng cao trở lại, hoạt động giao thương được nối lại hoàn toàn, sản xuất kinh doanh không chỉ phục hồi mà còn được mở rộng, nhu cầu vay vốn cũng sẽ sớm gia tăng trở lại. Trên thực tế diễn biến này đã dần thể hiện trong những tháng cuối năm, khi tăng trưởng tín dụng bất ngờ tăng vọt kể từ đầu tháng 9 và đến ngày 21-12 đã tăng 10,14% so với đầu năm.

Đặc biệt, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát và có những hạn chế nhất định sau khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ đầu tháng 9-2020, các doanh nghiệp có thể sẽ lại phải quay về tìm kiếm nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Việc giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành sụt giảm đồng thời với tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trở lại trong bốn tháng qua đã phần nào hé lộ xu hướng này.

Đáng lưu ý là cầu tín dụng từ phía các doanh nghiệp có thể bị cạnh tranh với kênh trái phiếu chính phủ, khi chính sách đẩy mạnh đầu tư công là mục tiêu hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn tới, với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng được triển khai nhằm tháo gỡ điểm nghẽn tăng trưởng và giữ vững sức hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiệu ứng lấn át do các khoản vay của Chính phủ tăng lên, đặc biệt trước áp lực thâm hụt ngân sách trong năm vừa qua do phải chống dịch, lại càng trở thành một trong những yếu tố quan trọng tác động lên mặt bằng lãi suất trong giai đoạn kế tiếp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới