Thứ Bảy, 25/03/2023, 12:42
32 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay có tăng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay có tăng?

T.Thu

Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay có tăng?
Tín dụng tăng 5,78% trong 6 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động đạt 4,37%. Ảnh minh họa: TL TBKTSG.

(TBKTSG Online) – Trong thời gian gần đây một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động, nhưng việc này có thể không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay của ngân hàng.

Từ cuối tháng 5-2015 đến nay, lãi suất huy động được một số ngân hàng tăng lên thêm từ 0,2 đến 0,5 điểm phần trăm/năm, chủ yếu cho tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất cho vay.

Trao đổi với TBKTSG Online, phó tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ trên 12.000 tỉ đồng cho biết, thực tế là có một số ngân hàng tăng lãi suất huy động do nhu cầu vốn tăng, nhưng cũng có những ngân hàng đang tăng lãi suất huy động nhưng không phải vì nhu cầu, mà vì thị trường. Có nghĩa là, khi một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, một số ngân hàng khác cũng tăng theo nhằm giữ chân khách hàng.

Vậy việc lãi suất huy động tăng có ảnh hưởng đến lãi suất cho vay của ngân hàng hay không? Trả lời câu hỏi này, vị này cho biết, sau khi tăng nhẹ lãi suất huy động đối với tiền gửi ở một số kỳ hạn nhất định, hiện ngân hàng này vẫn đang xem xét, chờ đợi diễn biến thị trường. Tuy nhiên, nhìn chung, việc tăng lãi suất này không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay của ngân hàng.

“Hiện ngân hàng có nhiều chương trình vay, và có những sự linh hoạt trong lãi suất cho vay, tùy từng khách hàng. Những khách hàng tốt thường có ưu thế khi thỏa thuận với ngân hàng về mức lãi suất cho vay. Do đó, cũng khó nói là việc lãi suất huy động tăng sẽ làm tăng lãi suất cho vay, kể cả đối với những khoản vay cũ đến hạn xem xét điều chỉnh lãi suất”, vị phó tổng giám đốc này cho biết.

Phó tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ trên 3.000 tỉ đồng có trụ sở tại quận 1, TPHCM cũng có cùng ý kiến như trên. Ông này cho biết ngân hàng của ông cũng đang cân nhắc tăng lãi suất huy động, nhưng không phải vì nhu cầu vốn.

“Ngân hàng đang cân nhắc xem có nên tăng lãi suất huy động không, có thể sẽ tăng, nhưng rất ít. Do một số ngân hàng khác tăng, nên khách hàng khi đến ngân hàng gửi tiền, họ đều hỏi là chúng tôi có tăng lãi suất huy động không?”, ông này cho biết.

Vị phó tổng giám đốc này cũng cho biết thêm, vì có thể ngân hàng bất đắc dĩ phải tăng một chút lãi suất huy động, nên việc này nhìn chung sẽ không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay.

Mặc dù gần đây một số ngân hàng có tăng nhẹ lãi suất huy động, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã liên tiếp giảm lãi suất huy động, nên mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm nay nhìn chung giảm 0,2-0,5 điểm phần trăm/năm so với cuối năm 2014.

Trong đó, theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm 0,2-0,5 điểm phần trăm/năm so với cuối năm ngoái, chủ yếu ở các kỳ hạn dài hơn 6 tháng, tạo điều kiện hỗ trợ cho việc giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay giảm khoảng 0,2-0,3 điểm phần trăm/năm, hiện phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Trong một diễn biến có liên quan, được trích lời trên báo Tuổi trẻ, trong một cuộc trao đổi với báo chí tại Hà Nội hôm 23-6, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi diễn biến của thị trường tiền tệ để có những giải pháp phù hợp, thậm chí sẵn sàng tái cấp vốn cho các ngân hàng để ổn định lãi suất cho vay, đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 13 – 15%.

Tính đến ngày 15-6-2015, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,78% so với cuối năm 2014 và tăng 18,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, huy động vốn tăng 4,37% so với cuối năm 2014.

Gần đây, một vài ngân hàng thương mại (NHTM) đã nâng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn. Ngân hàng HDBank tăng 0,3 điểm phần trăm lên 5%/năm đối với kỳ hạn một tháng, 5,7%/năm đối với kỳ hạn 6-11 tháng và 6,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Ngân hàng Đông Á và Eximbank cũng tăng trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm đối với các kỳ hạn ngắn. Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) áp dụng mức lãi suất cao nhất 7,3% đối với kỳ hạn 12-13 tháng, cao hơn so với mặt bằng chung các ngân hàng thương mại khác khoảng 0,7 điểm phần trăm/năm.

Việc tăng lãi suất huy động tại các NHTM diễn ra sau động thái tăng lãi suất huy động 0,1 – 0,3 điểm phần trăm tại các NHTM có vốn Nhà nước như BIDV, Vietcombank hay Agribank. Chênh lệch lãi suất huy động niêm yết tại các NHTM cổ phần và NHTM vốn Nhà nước khoảng 0,8 điểm phần trăm/năm.

Lý do chính của động thái tăng lãi suất huy động là do tăng trưởng tín dụng tăng cao, đạt 6,1% tính đến 18-6 so với khoảng 3,5% cùng kỳ năm ngoái. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tháng vừa qua, tăng trưởng lãi suất huy động đã thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng. Lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng 0,5 – 0,7 điểm phần trăm so với trung bình tháng trước, cho thấy nhu cầu về vốn đang phục hồi.

Lý do thứ hai là do mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Theo nhân viên cấp cao tại ngân hàng, cho vay trung dài hạn tăng nhanh, chiếm 54% tổng dư nợ tính đến cuối tháng 5 trong khi năm ngoái cho vay trung dài hạn chỉ chiếm 48% tổng dư nợ. Các khoản cho vay ngắn hạn chiếm phần nhỏ hơn (dưới 50%) trên tổng dư nợ.

Bên cạnh đó, lý do phá giá tiền đồng cũng có thể là một nguyên nhân thu hút dòng tiền đầu cơ vào tỷ giá thay vì kênh gửi tiết kiệm truyền thống. Tăng lãi suất huy động do đó sẽ thu hút người dân quay trở lại gửi tiền ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 50.000 tỉ đồng từ kênh OMO (tín phiếu ngắn hạn), do đó, điều này khiến một số NHTM thiếu thanh khoản đối với kỳ hạn ngắn.

Về mặt lý thuyết, tăng lãi suất huy động cũng khiến NHTM tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành tháng 1/2015, NHNN đã yêu cầu NHTM giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay trung dài hạn. Nhu cầu vốn tăng có ý nghĩa tích cực đối với nền kinh tế, tuy nhiên tình trạng tăng lãi suất huy động trong khi vẫn duy trì/giảm lãi suất cho vay sẽ làm giảm lợi nhuận tại các NHTM.

Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Xem thêm

Tín dụng tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới