Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất mới, vay vốn dễ hay khó?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất mới, vay vốn dễ hay khó?

Với cơ chế lãi suất mới, các doanh nghiệp có quyền hy vọng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn -Ảnh minh họa: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo công bố cơ chế điều hành lãi suất mới hồi cuối tuần, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã ghi nhận cách các doanh nghiệp đón nhận chính sách mới này dưới nhiều góc độ khác nhau.

Lãi suất cao vẫn vay!

Với việc NHNN gỡ bỏ trần lãi suất huy động, một số ngân hàng ước tính lượng người đến gửi tiền trong mấy ngày qua tăng 30-40% so với những ngày trước. Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, khẳng định cơ chế lãi suất mới cho phép các doanh nghiệp có quyền hy vọng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn, lượng tiền vay được sẽ nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ năng lực doanh nghiệp khi mà số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tỉ lệ lớn thì mức trần lãi vay 18%/năm vẫn cao, nhất là đối với các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, dịch vụ có lợi nhuận bình quân chỉ ở mức 5-10%. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng khả năng có thể tiếp cận nguồn vốn vay để duy trì sản xuất kinh doanh.

Giám đốc một công ty chuyên gia công và thi công các sản phẩm nhôm kính kiến trúc cho biết ông chấp nhận vay vốn với lãi suất cao, dù biết giá thành cao dẫn đến giá sản phẩm cao và năng lực kinh doanh sẽ tụt giảm. Tuy nhiên, theo ông này thì trong tình hình hiện nay, lợi nhuận đạt… “số dương” là được, không cần nhắm đến ba hay năm phần trăm nữa! “Điều quan trọng nhất hiện nay của chúng tôi là không để hàng trăm lao động của công ty phải thất nghiệp”, ông nhấn mạnh.

Giá vật liệu xây dựng đang tăng cao mỗi ngày -Ảnh minh họa: Lê Toàn

Ở lĩnh vực thi công xây dựng cũng vậy. Dù ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng theo ông Huỳnh Phú Kiệt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kiến trúc & Xây dựng Toàn Thịnh Phát, nếu ngân hàng cho vay, các công ty xây dựng chắc chắn sẽ tính toán để vay vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thi công, mục đích là giảm thiểu đến mức tối đa rủi ro do giá vật liệu xây dựng đang tăng mỗi ngày và ngoài tầm dự đoán.

Hơn nữa, lượng tiền cần vay của các công ty xây dựng thường chỉ ở mức 10-20% giá trị hợp đồng thi công. Đây là khoản tiền nhằm phục vụ giai đoạn hoàn tất để nghiệm thu công trình sau khi nhà thầu đã sử dụng hết tiền ứng trước của khách hàng.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp ngành may, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TPHCM, cho rằng ngành may rất khó sản xuất, kinh doanh hiệu quả với lãi suất vay cao như hiện nay, “nhưng dù có lỗ vẫn hơn là không vay được tiền”. Theo ông Kiệt, không vay được tiền đồng nghĩa với ngưng sản xuất, không bán hàng và hệ quả của nó là những thiệt hại rất lớn và nhiều mặt.

Chỉ riêng các doanh nghiệp đầu tư bất động sản là có vẻ như không mấy hào hứng với chính sách quy định trần lãi suất cho vay. Một chủ doanh nghiệp bất động sản cho biết nếu có vay thì chỉ vay cho những hoạt động kinh doanh mang tính ngắn hạn chứ không vay vì mục đích đầu tư dự án. Ông cho rằng không thể kỳ vọng vào một cơ chế lãi suất thay đổi liên tục cho vốn đầu tư dự án thường kéo dài từ 3-5 năm.

Một số chủ đầu tư cẩn trọng cho rằng ngay cả đối với những dự án có điều kiện triển khai nhanh và đã nắm sẵn đầu ra của sản phẩm thì việc vay vốn ngân hàng lúc này cũng mang tính phiêu lưu rất cao. Để có thể chủ động nguồn vốn kinh doanh, cách mà nhiều doanh nghiệp địa ốc đang ưu tiên chọn lựa là bán đi từng phần dự án hoặc cả một dự án nào đó trong số những dự án mà họ có.

Cửa mở hẹp!

Ở góc độ của ngân hàng, ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), cho rằng việc gỡ bỏ trần lãi suất huy động từ mấy ngày qua chỉ mới giúp các ngân hàng giảm được phần nào khó khăn trong nỗ lực đảm bảo tính thanh khoản, các nghĩa vụ về dự trữ bắt buộc cũng như nghĩa vụ đáp ứng các chính sách điều hành tiền tệ nhằm chống lạm phát của NHNN. Ông nói: “Nhiệm vụ chủ yếu trong những ngày tới của ngân hàng vẫn là đảm bảo thanh khoản nên đối với chính sách cho vay, hầu hết các ngân hàng đều có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Các đối tượng vay, mục đích vay, điều kiện vay đều cần được thẩm định kỹ, khi thấy thực sự an toàn thì mới giải ngân”.

Ông Toàn cũng cho biết, do những chính sách huy động tiền gửi mang tính ngắn hạn nên để tránh rủi ro, ACB chỉ ưu tiên giải ngân vốn vay đối với nhóm khách hàng thân tín lâu năm, có tài sản đảm bảo, hoặc những khách hàng hoạt động kinh doanh với vòng vốn luân chuyển ngắn hạn. Bên cạnh đó, ACB sẽ hạn chế cho vay tín chấp, không cho vay đối với với những ngành sản xuất cần vốn lớn, dài hạn, hoặc những ngành hàng đang bị ảnh hưởng mạnh bởi tình hình lạm phát…

Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang chọn lọc, ưu tiên cho vay đối với nhóm khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng. Theo bà Lê Thị Mỹ Hằng, Phó giám đốc, một mặt, ngân hàng muốn giữ chân những khách hàng thường xuyên, mặt khác là những dịch vụ ngân hàng mà khách hàng sử dụng giúp ngân hàng thu thêm các loại phí để bù đắp rủi ro lợi nhuận do chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra trong mức 2-4% là quá hẹp. “Chúng tôi vẫn tiếp tục cho vay mua nhà trả góp nhưng chỉ chọn lọc những trường hợp có nhu cầu mua nhà ở thực sự và có đủ năng lực trả nợ”, bà Hằng nói.

Như vậy, tuy cánh cửa nguồn vốn vay đã được mở như Tổng giám đốc Eximbank khẳng định nhưng trước mắt, nó mở rất hẹp nên không phải ai cũng có thể lách vào được! Có thể thấy, cho dù nhiều doanh nghiệp vẫn hy vọng cuộc khủng hoảng vốn vay này sẽ sớm qua đi nhưng thực tế là họ đang phải đứng trước một cuộc sàng lọc rất khắc nghiệt. Trong trường hợp lãi suất cao kéo dài hơn khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, nguy cơ một số sẽ phải từ giã thương trường hoặc phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khác hiệu quả hơn.

THANH PHƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới