Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất tăng – những nhóm ngành, doanh nghiệp nào sẽ đối mặt thách thức?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Có thể thấy việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất đã có những tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư, khi điều này phản ánh một xu hướng mới cho chính sách tiền tệ đã bắt đầu, từ nới lỏng sang bình thường hóa và có thể sẽ thắt chặt hơn trong giai đoạn tới. Tiền rẻ không còn rẻ nữa, dĩ nhiên những kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.

Những ngành chịu tác động trực tiếp

Sau khi NHNN quyết định tăng 1 điểm phần trăm các mức lãi suất điều hành và tăng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và ngắn hạn vào ngày 23-9-2022, chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch ngày cuối tuần hôm đó giảm hơn 11 điểm. Nhưng sự tác động mới thật sự diễn ra mạnh mẽ từ đầu tuần này, khi VN-Index trong phiên đầu tuần (26-9-2022) đã có lúc lao dốc đến 44 điểm, trước khi đóng cửa thu hẹp mức giảm còn gần 29 điểm, tương đương giảm 2,4%.

Chỉ số HNX-Index thậm chí còn giảm mạnh hơn với mức 3,3%, trong khi UpCom-Index cũng giảm gần 2,2%. Đáng lưu ý là đi cùng với điểm số sụt giảm mạnh là thanh khoản cũng tăng vọt, với khối lượng giao dịch trên sàn HOSE gấp 1,6 lần phiên liền kề trước và gấp hơn 1,3 lần khối lượng giao dịch bình quân của 20 phiên gần nhất. Đây là một tín hiệu khá xấu, cho thấy nhiều nhà đầu tư đang bán bất chấp.

Có thể thấy việc NHNN tăng lãi suất đã có những tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư, khi điều này phản ánh một xu hướng mới cho chính sách tiền tệ đã bắt đầu, từ nới lỏng sang bình thường hóa và có thể sẽ thắt chặt hơn trong giai đoạn tới. Tiền rẻ không còn rẻ nữa, dĩ nhiên những kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.

Trước tình thế này, những nhóm ngành, doanh nghiệp vay nợ lớn sẽ chịu áp lực trước tiên, vì lãi suất tiền gửi tăng kéo theo lãi suất cho vay đi lên là tất yếu. Có thể kể đến các nhóm thường sử dụng tỷ lệ đòn bẫy tài chính cao như bất động sản, xây dựng, phát triển và xây dựng các hạ tầng điện, sản xuất sắt thép, chứng khoán…, sẽ đối mặt với chi phí tài chính tăng cao hơn trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, lãi suất tăng sẽ khiến những nhóm ngành, doanh nghiệp có sản phẩm đầu ra mà đối tượng khách hàng là những người thường sử dụng nợ vay, cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Đơn cử như nhóm bất động sản, ngoài việc các công ty xây dựng các dự án bất động sản thường vay nợ lớn, các khách hàng cá nhân mua nhà tại các dự án cũng thường sử dụng một phần vốn vay ngân hàng. Do đó, khi lãi suất tăng, động lực vay mua nhà của nhóm này sẽ giảm, ảnh hưởng lên khả năng tiêu thụ sản phẩm của các công ty.

Nhóm chứng khoán cũng có thể chịu ảnh hưởng tương tự, vì lãi suất cao hơn sẽ kéo lãi suất cho vay margin lên cao tương ứng, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng vốn vay margin của khách hàng và từ đó tác động đến nguồn thu nhập của các công ty chứng khoán. Đó là chưa nói đến lãi suất tăng cũng khiến kênh tiền gửi ngân hàng trở nên cạnh tranh hơn so với bất động sản hay chứng khoán, dẫn đến triển vọng của hai kênh đầu tư này kém khả quan hơn, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường. Thực tế trong phiên lao dốc đầu tuần này, nhóm chứng khoán dẫn đầu đà lao dốc với mức sụt giảm hơn 5,4%.

Con số nợ vay tuyệt đối chưa thể nói lên tất cả, vì còn phải nhìn vào quy mô tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, cũng như hiệu quả sử dụng vốn vay. Ngoài ra, mức lãi suất vay của một số doanh nghiệp khá dễ chịu. Nhưng nếu xu hướng lãi suất tăng còn tiếp diễn, thách thức mà các doanh nghiệp này đối mặt sẽ ngày càng lớn hơn.

Lãi suất tăng cũng khiến hoạt động của nhóm ngân hàng đối mặt với thách thức lớn hơn. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người thường cho rằng lãi suất cao hơn sẽ giúp lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn, các ngân hàng thường không thích hoạt động trong một môi trường lãi suất cao.

Thứ nhất, lãi suất cao hơn sẽ khiến rủi ro nợ xấu gia tăng. Thứ hai, sẽ làm giảm cầu tín dụng trong nền kinh tế, khi đó các ngân hàng buộc phải tăng mức độ cạnh tranh và chấp nhận một biên độ lãi thấp hơn.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, đối mặt với chi phí vốn đầu vào đang tăng nhanh hơn, đặc biệt sau động thái nâng trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và ngắn hạn của NHNN, các ngân hàng vẫn đang được yêu cầu phải giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, đồng nghĩa với việc có thể phải chấp nhận một biên độ lãi thấp hơn so với giai đoạn trước.

Vì vậy, nhóm ngân hàng cũng chịu nhiều sức ép trong bối cảnh lãi suất gia tăng hiện nay. Trong phiên giảm mạnh đầu tuần này, trong số 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất vào mức giảm của VN-Index, đã có đến sáu cổ phiếu ngân hàng, gồm CTG làm chỉ số chung giảm hơn 1,7 điểm, BID làm chỉ số chung giảm gần 1,7 điểm, VPB gần 1,3 điểm, VCB gần 1,1 điểm, MBB hơn 1 điểm và TCB hơn 0,8 điểm. Bốn công ty còn lại là VHM làm chỉ số chung giảm 1,4 điểm, VNM gần 1,4 điểm, VRE hơn 1 điểm và VIC 0,6 điểm. Như vậy riêng nhóm ngân hàng và họ nhà Vingroup đã làm thị trường giảm 10,6 điểm.

Những doanh nghiệp vay nợ lớn

Đi vào hoạt động của các doanh nghiệp chi tiết hơn, thống kê từ báo cáo tài chính quí 2-2022 cho thấy, hiện có hơn 210 doanh nghiệp trên cả ba sàn có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ 1.000 tỉ đồng trở lên. Trong đó, 28 doanh nghiệp có nợ vay từ 10.000 tỉ đồng trở lên, tập trung ở nhóm bất động sản, xây dựng, chứng khoán, hàng không, thép, điện,…

10 doanh nghiệp có tổng nợ vay lớn nhất cũng chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty lớn nhất hiện nay, lần lượt là Tập đoàn Vingroup với gần 156.877 tỉ đồng, Tập đoàn Hòa Phát 70.018 tỉ đồng, Tập đoàn Novaland 68.567 tỉ đồng, Tập đoàn Masan 56.872 tỉ đồng, Tổng công ty (TCT) Phát điện 3 (PGV) 42.558 tỉ đồng, TCT Hàng không Việt Nam (HVN) 32.888 tỉ đồng, Vinhomes 31.860 tỉ đồng, Chứng khoán SSI 25.754 tỉ đồng, Thế giới Di động 22.345 tỉ đồng, FPT 21.862 tỉ đồng.

Dĩ nhiên con số nợ vay tuyệt đối chưa thể nói lên tất cả, vì còn phải nhìn vào quy mô tài sản và nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, cũng như không ít doanh nghiệp sử dụng đòn bẫy tài chính lớn nhưng hiệu quả đem lại cũng cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, mức lãi suất mà các doanh nghiệp này vay nợ trong những năm qua là khá dễ chịu, một số tập đoàn vay vốn từ thị trường quốc tế hoặc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nên có lãi suất tối ưu hơn so với vay tiền đồng trong nước từ các ngân hàng. Nhưng nếu xu hướng lãi suất tăng còn tiếp diễn trong thời gian tới, rõ ràng thách thức mà các doanh nghiệp này đối mặt sẽ ngày càng lớn hơn.

Nếu tính theo tỷ lệ tổng nợ vay/vốn chủ sở hữu, thước đo thể hiện mức độ sử dụng đòn bẫy tài chính của các doanh nghiệp, từ đó phản ánh rủi ro nợ vay và rủi ro lãi suất mà các doanh nghiệp này phải đối mặt, thì tại thời điểm cuối quí 2 vừa qua có hơn 240 doanh nghiệp có tỷ lệ này từ 100% trở lên, tức nợ vay đã vượt quá nguồn vốn chủ sở hữu. Ngoài ra còn có gần 30 doanh nghiệp có tỷ lệ này âm, tức lỗ lũy kế lớn khiến vốn chủ sở hữu bị âm trong khi vẫn còn nợ vay.

Trong số những doanh nghiệp có nợ vay tuyệt đối lớn và tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt 100%, có thể kể đến Vingroup với gần 119%, Novaland 154%, Masan 146%, PGV 231%, SSI 179%, Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả 267%, Chứng khoán VNDirect 141%, Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM 178%… Riêng HVN, vốn chủ sở hữu âm do lỗ lũy kế lớn nên đang có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu âm 669%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới