Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất tối ưu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất tối ưu

Hải Lý

Vấn đề hiện nay của ngành ngân hàng là cần hướng dòng chảy tín dụng vào những nơi cần thiết, có khả năng cải thiện hiệu quả đầu tư cho nền kinh tế. Ảnh: Minh Khuê.

(TBKTSG) – Thêm một lần nữa, những nhà điều hành chính sách tiền tệ đứng giữa hai làn nước, làm thế nào vừa hạ được lãi suất, vừa kiềm chế lạm phát.

Tốc độ tăng chỉ số CPI tháng 7, tháng 8 tới được dự báo sẽ giảm, nhưng giảm ở mức nào thì vẫn là ẩn số. Nếu CPI tăng chậm hẳn lại, mà lãi suất đầu ra tiếp tục trên 20%/năm, sản xuất sẽ càng khó khăn. Trong trường hợp lãi suất giảm mạnh, CPI lại giảm chậm, nguy cơ lạm phát cao rình rập cho cả cuối năm và năm sau. Chính vì thế, lãi suất phải ở mức tối ưu.

Xoay và xoay không kịp

Sau khi nâng tổng phương tiện thanh toán 20 ngày đầu tháng 6 lên 1,25% (năm tháng đầu năm tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 1,7% so với cuối năm 2010), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mạnh dạn đi bước thứ hai trên con đường giảm lãi suất khi hạ lãi suất thị trường mở từ 15%/năm xuống 14%/năm.

Không ít tổ chức tài chính nước ngoài đã cho đây là động thái gây lúng túng cho tiền tệ bởi họ vẫn nghĩ lãi suất thị trường mở cần phải đẩy thêm một điểm phần trăm nữa.

Phải nói rằng NHNN đã đi đúng, cho dù là chưa đủ, bởi 15% là mức đỉnh của các loại lãi suất chính thức trong vòng 5-6 năm qua. Cái chưa đủ ở đây là gì? Là việc siết quá chặt tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm. So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 20% và tăng tổng phương tiện thanh toán 16%, mức tăng thực tế lần lượt là 7,05% và khoảng 3% là quá thấp, thấp nhất trong vòng nhiều năm.

Sự hạ thấp đột ngột đó khiến nhiều doanh nghiệp chao đảo, ngân hàng thiếu thanh khoản và lãi suất huy động tăng vọt. Sáu tháng còn lại, làm sao nền kinh tế có thể hấp thụ hết 13% tổng phương tiện thanh toán? Hơn nữa, tiền sẽ đưa ra như thế nào để chính sách điều hành không bị giật cục?

Hai bước đầu tiên nói trên cho thấy chính sách tiền tệ đã, đang và sẽ xoay quanh cái trục chính là lạm phát. Tuy nhiên, xoay và có xoay kịp không là hai việc khác nhau. Mức tăng CPI tháng 5 giảm 30% so với tháng 4, tháng 6 giảm hơn 50% so với tháng 5. Nếu tốc độ giảm này được duy trì cho tháng 7, 8, 9 thì rõ ràng mức giảm của lãi suất đã bị tụt hậu và độ xoay của chính sách tiền tệ đã không theo kịp với biến động CPI.

Điều chỉnh những bất hợp lý

Lý do mang tính quyết định khiến NHNN chần chừ trong việc giảm lãi suất là giải bài toán tỷ giá. Đúng là nếu lãi suất tiết kiệm tiền đồng giảm xuống, người dân có thể sẽ chuyển sang nắm giữ ngoại tệ. Để giữ chênh lệch lãi suất tiền gửi đô la Mỹ và đồng Việt Nam ở mức cao 12%/năm như hiện tại (lãi suất tiền đồng 14%, đô la Mỹ 2%), có thể giảm cả hai loại lãi suất ở mức tương đương. Chẳng hạn lãi suất tiết kiệm ngoại tệ giảm xuống còn 1%/năm và tiền đồng còn 13%/năm.

Việc này có hai cái lợi: thúc đẩy người dân chuyển dịch tiết kiệm ngoại tệ sang tiền đồng nhanh hơn và nhiều hơn; vẫn đảm bảo được lãi suất tiền đồng từ nay trở đi ở mức thực dương nếu lạm phát từ tháng 7 năm nay đến tháng 7 năm sau dưới 12%.

Lãi suất trái phiếu chính phủ giảm nhanh vừa qua một phần cũng do các tổ chức nhìn vào sự tính toán này. Nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm cho biết họ có thể mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm với lãi suất 11,5%/năm. Đợt phát hành cuối tháng 6, Bộ Tài chính đã làm một phép thử có phần hơi quá đà khi bất ngờ ấn định lãi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm chỉ còn 11%/năm, trong khi lãi suất bỏ thầu thấp nhất là 11,15%/năm.

Điểm nên điều chỉnh thứ hai là tăng trưởng tín dụng. Khối ngân hàng quốc doanh vừa qua có mức tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu do huy động vốn không tăng nên không có nguồn để cho vay. Tăng trưởng tín dụng của cả Agribank, Vietcombank trong quí 2 đều chựng lại. Do ngân hàng quốc doanh không dám vượt trần lãi suất, dòng tiền tiết kiệm đã chuyển hướng chảy từ quốc doanh sang cổ phần. Ngược lại, tín dụng của các ngân hàng cổ phần đều tăng cao, đa số đã đụng trần và từ nay đến cuối năm chỉ lo thu nợ.

Hiện tại các “ông lớn” quốc doanh muốn đẩy tín dụng lên cũng không dễ vì lãi suất cao doanh nghiệp không vay và vì ngân hàng không còn vốn khả dụng nhiều để cho vay. Trong khi ngân hàng cổ phần có tiền thì không còn dư địa để cho vay thêm. Nên nhớ các ngân hàng quốc doanh cung ứng vốn chủ yếu cho doanh nghiệp nhà nước, khu vực có truyền thống sử dụng vốn không hiệu quả, còn hỗ trợ vốn cho dân doanh phần lớn trông cậy vào tổ chức tín dụng cổ phần. Nếu tăng tổng phương tiện thanh toán từ nay đến cuối năm mỗi tháng gần 2% như tháng 6, có khả năng tiền sẽ chảy vào khối ngân hàng quốc doanh, từ đây chảy vào doanh nghiệp quốc doanh, còn dân doanh sẽ vẫn đói vốn. Từ đây có thể dẫn đến sự bất cân đối của nền kinh tế và làm giảm khả năng cạnh tranh cũng như hiệu quả của khu vực năng động là tư nhân.

Do đó cùng với hạ lãi suất, đưa nó về một mức tối ưu, vực dậy và tránh cho sản xuất đình đốn, cùng lúc vẫn có thể chống lạm phát, nới trần tín dụng có chọn lọc cho các ngân hàng trên cơ sở tăng trưởng vốn huy động, quản trị rủi ro là cần thiết. Vấn đề hiện nay không chỉ là đưa tiền ra, mà là đưa ra và hướng cho nó chảy vào nơi cần thiết, nơi có hiệu quả sinh lời cao nhất, có khả năng cải thiện hiệu quả đầu tư cho nền kinh tế.

Nếu tăng tổng phương tiện thanh toán từ nay đến cuối năm mỗi tháng gần 2% như tháng 6, có khả năng tiền sẽ chảy vào khối ngân hàng quốc doanh, sau đó chảy vào các doanh nghiệp quốc doanh, còn khu vực dân doanh sẽ vẫn đói vốn. Từ đây có thể dẫn đến sự bất cân đối của nền kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới