Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất vay thấp hơn huy động, tiềm ẩn rủi ro

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất vay thấp hơn huy động, tiềm ẩn rủi ro

Thủy Triều thực hiện

Ông Tay Han Chong.

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh các ngân hàng đang thừa vốn mà không thể tìm được doanh nghiệp tốt để cho vay, nhiều ngân hàng muốn giữ khách hàng của mình đã chấp nhận giảm lãi suất cho vay, thậm chí còn thấp hơn lãi suất huy động.

Điều này sẽ tạo ra rủi ro như thế nào cho ngân hàng đó? Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có cuộc phỏng vấn với ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB), và chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.

TBKTSG Online: Theo ý kiến của ông, có nên lo lắng rằng tình trạng các ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động sẽ gây ra thua lỗ cho ngân hàng?

– Ông Tay Han Chong: Ngân hàng thường phải tính luôn rủi ro vào chi phí cho vay và nó sẽ phản ánh vào lãi suất cho vay. Không ngân hàng nào có thể chịu đựng lỗ trong dài hạn. Do vậy, nếu thực sự có tình trạng ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thì điều này sẽ không tốt cho sức khỏe của toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một số ngân hàng bị áp lực phải tăng trưởng tín dụng và họ sẵn sàng đánh đổi lợi nhuận với việc tăng trưởng tín dụng cao.

Liệu tình trạng này có khiến nợ xấu của các ngân hàng tăng cao hơn?

– Giảm lãi suất cho một khoản vay về cơ bản không thể khiến cho khoản vay đó trở nên rủi ro hơn. Nếu tất cả những yếu tố khác không đổi thì có thể nói rằng việc giảm lãi suất có thể khiến khoản vay dễ được chấp nhận hơn.

Nhưng việc này không đơn giản như vậy. Nếu khách hàng được hưởng lãi suất thấp hơn thì có khả năng họ sẽ tận dụng để vay một khoản vay lớn, khi đó ngân hàng sẽ có rủi ro cao hơn về khả năng trả nợ của khách hàng. Như vậy, ngân hàng cần phải có động thái để ngăn chặn rủi ro này.

Tại các thị trường như Singapore hay Hong Kong, lãi suất vay rất thấp, nhưng bù lại, chính phủ đã có những quy định tăng tiền đặt cọc (nghĩa là giảm tỷ lệ tài trợ vốn cho khách hàng, yêu cầu khách hàng phải tăng tỷ lệ tiền trả trước), hoặc tăng hệ số nghĩa vụ nợ đối với khách hàng được vay (Debt Servicing Ratio – hệ số đo lường xem mức độ nợ của người vay ra sao). Điều này nhằm hạn chế việc lạm dụng đòn bẩy nợ, kết quả của việc lãi suất cho vay giảm xuống mức thấp. Cách làm này sẽ giúp ngân hàng giảm được nợ xấu và những rủi ro khác.

Đối với ngân hàng, khi cho vay một khách hàng này lỗ thì ngân hàng phải bù đắp bằng lợi nhuận từ một chỗ khác. Cho nên, kết quả là ngân hàng có thể chấp nhận cho vay hay đầu tư vào một nơi nào có rủi ro cao hơn vì ngân hàng nào cũng phải đáp ứng yêu cầu chia cổ tức cao cho cổ đông. Việc gia tăng danh mục cho vay hoặc đầu tư có tính rủi ro có thể làm tổn hại ngân hàng và cả nền kinh tế khi nợ xấu của các ngân hàng tăng cao.

Có phải việc thiếu những kênh đầu tư hiệu quả khác, nguồn thu từ dịch vụ của các ngân hàng không cao, trong khi ngân hàng đang dư thừa vốn là nguyên nhân dẫn đến việc các ngân hàng phải chấp nhận cho vay lãi suất thấp khi doanh nghiệp mặc cả?

– Đó là một khả năng nhưng không phải là lý do duy nhất vì các ngân hàng còn có nhiều cách thay thế khác. Họ hoàn toàn có thể không huy động nữa hoặc đơn giản hơn là giảm lãi suất huy động. Trong trường hợp ngân hàng có thừa vốn huy động thì họ có thể bỏ đi những khoản huy động mà có chi phí quá cao. Bằng cách đó, ngân hàng có thể giảm chi phí của mình xuống thay vì phải cho vay lỗ. Từ đó, huy động vốn của ngân hàng có thể tăng cùng nhịp với cho vay, và trong một số trường hợp có thể để cho huy động giảm được.

Ở các quốc gia khác, ngân hàng trung ương có can thiệp, đưa ra các biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất huy động không? 

– Theo nguyên tắc về an toàn trong hoạt động ngân hàng, lãi suất ngân hàng không bao giờ có thể thấp hơn lãi suất cho vay. Tôi có thể đưa một ví dụ rằng nếu bằng điều hành một nhà hàng, các nguyên vật liệu để chế biến một món ăn của bạn tốn chi phí tổng cộng là 100.000 đồng thì bạn không thể nào bán món ăn đó với giá 80.000 đồng được.

Nếu có điều này xảy ra, có vài cách mà một ngân hàng trung ương có thể thực hiện như cách mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang sử dụng (kiểm tra ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động).

Với biện pháp đưa ra mức lãi suất sàn, thông thường đây không phải là một lựa chọn phổ biến của các ngân hàng trung ương.

Ông Nguyễn Trí Hiếu.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Thông tư 02 sẽ giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng

Liệu có hợp pháp khi một doanh nghiệp đi vay một ngân hàng lãi suất thấp hơn để trả lại cho ngân hàng khác mà họ đã vay với lãi suất cao hơn?

– Ông Nguyễn Trí Hiếu: Ví dụ một doanh nghiệp vay ngân hàng A lãi suất 11%, sau đó đến ngân hàng B đàm phán được lãi suất vay 9%, doanh nghiệp có thể vay ngân hàng B để trả lại cho A, nói nôm na là đảo nợ. Điều này hoàn toàn hợp pháp và hợp lý nếu B chấp nhận cho vay.

Nhưng nếu doanh nghiệp đến ngân hàng B nói tôi vay 100 tỉ để thực hiện dự án ven sông Sài Gòn, nhưng sau đó doanh nghiệp này lại đem 100 tỉ này đi trả nợ cho ngân hàng A, như vậy là đảo nợ không chính đáng.

Thông thường khi cho vay, các ngân hàng sẽ kiểm tra lịch sử vay của khách hàng trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) và sẽ biết doanh nghiệp đó đang vay ở đâu. Có cách nào để doanh nghiệp lách việc này và vay được tại ngân hàng B?

– Họ có thể khai sai thông tin với ngân hàng B, hoặc họ có thể làm một cách hợp pháp, nói thẳng với anh B rằng tôi vay tiền để trả cho anh A. Trong trường hợp nếu anh B đồng ý sau khi xem xét dự án của doanh nghiệp cũng như lịch sử trả nợ của doanh nghiệp này trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) và cho vay với lãi suất 9% thì hoàn toàn hợp lý để doanh nghiệp đó đi vay ngân hàng B để trả cho A.

Nếu doanh nghiệp đó muốn tái cơ cấu khoản nợ của mình, họ có thể đi tìm ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn để trả nợ cho ngân hàng khác thì cái đó không phải là đảo nợ theo nghĩa xấu, không phải đảo từ nợ xấu sang nợ tốt, mà nó đơn giản chỉ là chuyển một nợ tốt sang một nợ tốt khác.

Nhưng nếu doanh nghiệp đang có nợ xấu tại ngân hàng A và tìm cách đi vay một khoản khác tại ngân hàng B để trả nợ xấu đó mà không đưa thông tin đó cho ngân hàng B thì đó là hành động không minh bạch, và có những trường hợp có thể gọi là lừa đảo.

Nếu B biết doanh nghiệp đang có nợ xấu ở A thì theo lẽ thường B có cho vay không?

– Có thể nếu B cảm thấy doanh nghiệp này có khả năng phục hồi, có phương án tốt thì có thể cho vay được. Tuy nhiên, khi Thông tư 02 (khắt khe hơn trong việc phân loại nợ của các ngân hàng) được áp dụng vào 1-6-2013 thì khoản nợ mới cũng sẽ phải xếp cùng nhóm nợ với khoản nợ cũ kể cả ở ngân hàng khác, và cũng phải trích lập dự phòng đầy đủ. Nhưng hiện tại thì điều này vẫn chưa được áp dụng cho đến tháng 6 năm sau.

Ngân hàng Nhà nước có kiểm tra được việc đảo nợ này không?

– Dĩ nhiên là NHNN có kiểm tra nhưng có nhiều khả năng doanh nghiệp lách để vay đảo nợ ví dụ như khai gian với ngân hàng B, hoặc bằng cách này hay cách khác để làm sao vay được tiền của B để trả cho A.

Theo thông tin của ông thì NHNN có bắt và xử được trường hợp nào như vậy không?

– NHNN chắc chắn phải cảnh cáo các doanh nghiệp vay để đảo nợ cũng như ngân hàng cho vay để đảo nợ, nhưng theo những gì tôi nắm thì vẫn chưa thấy trường hợp cụ thể nào liên quan đến đảo nợ như trên bị NHNN xử lý.

Việc sở hữu chéo trong các ngân hàng có khiến việc cho vay để đảo nợ được thực hiện dễ dàng hơn?

– Nếu hai ngân hàng A và B có sở hữu qua lại, ngân hàng A yêu cầu B cho doanh nghiệp đó vay để trả nợ cho A, giúp A giảm nợ xấu, B có tăng trưởng tín dụng hợp lý thì cả hai hoàn toàn có động cơ để làm điều đó và việc đảo nợ này là không chính đáng.

Thông tư 02 khi được áp dụng sẽ hạn chế được tình trạng đảo nợ như trên?

Hoàn toàn đúng vì ngân hàng B cho vay doanh nghiệp đó thì cũng sẽ phải ghi nhận nợ xấu như nhóm nợ của doanh nghiệp đó tại ngân hàng A và phải trích lập dự phòng đầy đủ. Do vậy, khi thông tư áp dụng có thể giảm rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng.

Xin cám ơn ông!

Ông Tay Han Chong, quốc tịch Singapore chính thức là Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) từ tháng 11-2012. Ông là thạc sĩ chuyên ngành Đông Nam Á học, Đại Học quốc gia Singapore và là cử nhân kinh tế của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, Vương quốc Anh.

Trước khi về làm việc cho MDB, ông Tay Han Chong đã làm việc 7 năm cho tập đoàn United Overseas Bank (UOB), giữ nhiều trọng trách quan trọng tại UOB Singapore, Malaysia và Thái Lan. 

Trước UOB, ông Tay đã làm việc 5 năm tại ngân hàng Citibank Singapore với vị trí Phó chủ tịch và Giám đốc khối kinh doanh đầu tư và nguồn vốn. Ông cũng là thành viên của nhóm công tác quản lý tài sản thuộc Ủy ban Tiêu chuẩn năng lực ngành tài chính của Singapore (FICS) từ năm 2004.

Ông Nguyễn Trí Hiếu hiện đang là thành viên hội đồng quản trị độc lập của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank).

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới