Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm ăn với Trung Quốc: Có thể biến nguy thành cơ?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm ăn với Trung Quốc: Có thể biến nguy thành cơ?

Sơn Nghĩa

Làm ăn với Trung Quốc:  Có thể biến nguy thành cơ?
Hệ thống máy tàu cũ kỹ mà một doanh nghiệp nhập về từ Trung Quốc. Ảnh: Sơn Nghĩa.

(TBKTSG) – Dù được nhìn nhận là thị trường nhiều tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu, nhưng thực tế giao thương với Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, theo nhiều chuyên gia, nếu không có những chiến lược đột phá ở tầm quốc gia, Việt Nam khó có thể cải thiện được mức thâm hụt thương mại trong nhiều năm qua.

Nguy nhiều hơn cơ…

Để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc, Việt Nam cần đánh giá toàn diện lại thị trường này trong bối cảnh tăng trưởng và hội nhập thương mại giữa các quốc gia ASEAN. Nếu so sánh động lực tăng trưởng thương mại của các nước ASEAN với Trung Quốc, mức độ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc của Việt Nam bị giảm sút mạnh và yếu kém nhất so với các quốc gia ASEAN khác.

Theo tính toán của TS. Vũ Minh Khương, giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, trong nhóm các quốc gia ASEAN-6, mức độ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc của Việt Nam chỉ ở mức – 4%, so với Philippines là 10,9%, Singapore ở mức 1%. Tương tự, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều có số điểm phần trăm về khả năng thâm nhập vào Trung Quốc tốt hơn Việt Nam. Mức độ lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam cũng cao nhất và tăng trưởng nhanh nhất so với các nước ASEAN.

“Về cân bằng thương mại, các nước ASEAN-6 vẫn thua thiệt so với Trung Quốc. Nhưng với Việt Nam, sự thua thiệt này đặc biệt nghiêm trọng và xu hướng này ngày càng xấu đi”. Ông Vũ Minh Khương phân tích tại buổi hội thảo “Từ bối cảnh giao thương sôi động Trung Quốc-ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để đẩy mạnh giao thương với Trung Quốc” do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức vào cuối tuần qua, tại TPHCM.

Số liệu thống kê về tình hình giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn 2004-2009 từ Bộ Công Thương cho thấy nỗi lo của ông Khương là hoàn toàn có cơ sở. Thị phần của hàng Việt Nam tại Trung Quốc từ 0,52% năm 2004 đã giảm xuống 0,38% năm 2008 và 0,49% năm 2009. Trong khi đó, thị phần hàng Trung Quốc tại Việt Nam đã tăng nhanh từ 14,4% lên 19,4% và 23,5% trong các năm ương ứng. Điều này cho thấy, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam bị thua thiệt cả chiều xuất và chiều nhập khẩu. Trung Quốc đang là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 14% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam trong khi Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,78-0,8% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.

Trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc có bảy nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu nổi trội, trong đó có năm nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu trung bình  trên 1 tỉ đô la Mỹ/năm, gồm các mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, kim loại cơ bản, hàng nguyên phụ liệu dệt may… Nhóm máy móc, thiết bị và dụng cụ có kim ngạch cao nhất, đồng thời cũng có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định nhất, luôn đạt xấp xỉ 30%/năm trở lên kể từ năm 2001 đến nay.

Việc nhập siêu nhiều máy móc và nguyên vật liệu đã khiến kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Cụ thể, thời gian qua, doanh nghiệp trong nước gian nan với giá nguyên liệu đầu vào là do ảnh hưởng tốc độ tăng giá các nguyên liệu này ở thị trường Trung Quốc. Điển hình là các ngành sản xuất như thép, xi măng, phân bón, giấy, nhựa, dệt may… Chi phí đầu vào tăng cao nhưng đầu ra không tăng đã làm cho nhiều doanh nghiệp giảm lợi nhuận và thua lỗ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp hoặc mất thị trường do sức cạnh tranh giảm vì những sản phẩm tương tự của các doanh nghiệp Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều. Các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã thua doanh nghiệp Trung Quốc về năng lực cạnh tranh, trình độ công nghệ, thiết bị và quy mô sản xuất, nay lại bị đội giá đầu vào, càng khó khăn và lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn.

Một chuyên gia kinh tế khác cũng phân tích rằng, với cán cân thương mại quá chênh lệch như hiện nay và với vị trí địa lý gần nhau, Việt Nam còn là thị trường tiêu thụ những sản phẩm tồn kho, kém chất lượng từ nước láng giềng. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn xuất thô sang Trung Quốc với tỷ trọng lớn là nhiên liệu, khoáng sản, nông sản chưa qua chế biến. Chỉ khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là từ hàng chế biến.

Cơ hội nào?

Theo ông Vũ Minh Khương, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại quốc tế là yêu cầu quan trọng nhất trong bối cảnh hiện tại. Cụ thể, ở thị trường Trung Quốc, Nhà nước cần có những chính sách đồng bộ và mạnh mẽ trên cả ba lĩnh vực: nhân lực, tổ chức, và thể chế. “Nhà nước nên sớm thành lập Cục Hợp tác và phát triển thương mại quốc tế. Cơ quan này có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng và giảm thiểu sự thua thiệt liên quan tới sự trỗi dậy của thị trường Trung Quốc”, ông Khương nói.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ sự tăng trưởng của Trung Quốc, sự thiếu hụt về nguyên liệu và một số hàng hóa khác như nông sản, thủy sản để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần sớm củng cố và đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng chủ lực đã và đang đứng chân được tại thị trường Trung Quốc. “Doanh nghiệp nên nhận thức Trung Quốc là một thị trường tiềm năng và quan trọng. Sớm xây dựng chiến lược dài hạn và tìm bạn hàng đáng tin cậy ở thị trường này là bước đi hiệu quả nhất để thâm nhập vào Trung Quốc”, ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng của AgroMonitor, gợi ý với doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ.

Nhưng để “bén rễ” được ở thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần những hỗ trợ từ Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng chế biến, giảm xuất khẩu thô. Khai thác tiềm năng xuất khẩu những mặt hàng mới theo hướng đầu tư từ các nguồn vốn trong nước và vốn FDI cũng cần được Nhà nước ưu tiên thực hiện.

Tận dụng cơ hội mở cửa thương mại và đầu tư để thu hút FDI vào đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực là cách doanh nghiệp có thể tăng giá trị trong sản phẩm xuất khẩu. Phấn đấu tăng tỷ trọng hàng công nghiệp trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng là cách để giảm thiểu tình hình nhập siêu từ Trung Quốc. Nhà nước cũng cần rà soát các chính sách, biện pháp hạn chế, cản trở xuất khẩu để có phương án tháo gỡ tạo môi trường thuận lợi cho xuất khẩu.

Do nhu cầu của Việt Nam về nhập khẩu các loại hàng hóa từ Trung Quốc còn rất lớn và cùng với việc miễn giảm thuế theo khuôn khổ ACFTA, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề đặt ra là không phải tìm cách hạn chế nhập siêu bằng mọi giá mà khống chế mức nhập siêu trong giới hạn cho phép, tức là mức nhập siêu không ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô như nợ nước ngoài, cán cân thanh toán. Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý nhập khẩu để hạn chế nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu, ô nhiễm môi trường, hàng hóa chất lượng thấp.

Các cơ quan quản lý cần có cách nhìn nhận vấn đề nhập siêu một cách tổng thể, và phân tích sâu sắc ảnh hưởng của nó đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Xử lý vấn đề nhập siêu một cách chủ động và bền vững chỉ có thể trên cơ sở đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu. Đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, thu hút đầu tư từ Trung Quốc để bù đắp sự thâm hụt thương mại, không gây nên những biến động bất lợi đối với kinh tế vĩ mô.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới