Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm gì để tăng năng lực cạnh tranh?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm gì để tăng năng lực cạnh tranh?

Quang Chung

(TBKTSG) – Sau ba năm gia nhập WTO, Việt Nam vẫn còn xếp thứ 88/133 về năng lực cạnh tranh tổng thể, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (năm 2009), thua nhiều nước trong khu vực như Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (ACI) thực hiện lần đầu tiên (được đưa ra lấy ý kiến đóng góp tại một hội thảo hồi cuối tuần trước) sẽ góp phần trả lời câu hỏi này.

Định vị lại mình

Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2009-2010 được CIEM và ACI khởi động từ cuối năm 2009 theo đơn đặt hàng của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng CIEM, mục đích của báo cáo nhằm định lượng và đưa ra những yếu tố để xác định năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng như so sánh với các nước khác; từ đó, có thể giúp lãnh đạo đất nước đưa ra những chính sách phát triển đất nước tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM, cho rằng năng lực cạnh tranh của một quốc gia được định lượng bằng “sự thịnh vượng” với các yếu tố liên quan như: thu nhập bình quân đầu người (cấu thành bởi năng suất lao động, tài sản vốn, thất nghiệp, kỹ năng lao động…), bất bình đẳng, và tiêu chuẩn sống (tỷ lệ nghèo, chất lượng môi trường, chỉ số phát triển con người).

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng liên tục từ năm 2000-2008; nhưng nếu so với một số nước Asean như Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn rất thấp, chỉ hơn Campuchia. Hơn nữa, sự chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất từ hơn 6 lần năm 1995 đã tăng lên gần 10 lần năm 2006.

Hệ số bất bình đẳng (GINI) đang tăng trong khi giảm nghèo thiếu bền vững, rủi ro tái nghèo ở nông thôn cao và chất lượng môi trường ở khu vực kinh tế phát triển đang xuống cấp nghiêm trọng. Báo cáo cũng cho thấy chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam có tăng theo thời gian, nhưng năm 2009 vẫn xếp thứ 116/182 nước. Các con số thống kê khẳng định năng suất lao động từ năm 1975-2009 có xu hướng tăng nhưng rất chậm so với Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan…

Đối với Việt Nam, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế có phần đóng góp lớn của xuất khẩu, nhưng trên 50% hàng hóa xuất khẩu thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ và thủ công mỹ nghệ, giá trị gia tăng thấp. Trong khi mức độ đóng góp của FDI lại đang giảm dần trong tổng thể nền kinh tế do sự hấp dẫn bởi giá nhân công rẻ không còn… Và một vấn đề cũng đáng quan tâm mà báo cáo nêu ra đó là hiệu quả đầu tư thấp và đầu tư ngày càng dựa vào vốn bên ngoài.

Thấy còn quá thấp… làm sao?

Bằng cách tiếp cận theo quan điểm của Michael E.Porter về chiến lược cạnh tranh, Báo cáo đã xem xét các yếu tố chính để xác định năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đó là: thể chế và hạ tầng xã hội, chính sách kinh tế vĩ mô và chất lượng của môi trường kinh doanh (chỉ không xét đến điều kiện tự nhiên). Theo đó, thứ hạng năng lực cạnh tranh tổng thể của Việt Nam còn rất thấp – trong khu vực chỉ cao hơn Campuchia và Philippines.

Cụ thể, nguồn nhân lực có kỹ năng của Việt Nam thiếu trầm trọng; các quy định pháp luật kiểm soát tham nhũng, quyền sở hữu tài sản… hiệu quả thấp; chính sách kinh tế vĩ mô thiếu ổn định (lạm phát); cơ sở hạ tầng cứng (chất lượng đường bộ, đường sắt, cảng, cung ứng điện…) cũng như hạ tầng mềm (thủ tục hành chính, thị trường vốn)… còn thua các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Thậm chí đối với tiêu chí về hạ tầng cho đổi mới và sáng tạo, Việt Nam còn thua cả Campuchia về số lượng bằng sáng chế/triệu dân.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Việt Nam muốn phát triển phải nâng cao được năng suất lao động và xử lý được những bất cập trong nền kinh tế, cả vi mô và vĩ mô.

Để làm được điều đó, phải đưa năng lực cạnh tranh vào trung tâm của các chính sách phát triển kinh tế; phải thúc đẩy những ngành kinh tế ứng dụng khoa học công nghệ và có giá trị gia tăng cao thay vì chạy theo tăng trưởng trước mắt. “Chúng ta phải chuyển từ cách hoạch định chính sách thúc đẩy tăng trưởng theo chiều rộng sang phương pháp ưu tiên hơn, tập trung hơn”, ông Cung nói.

Vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế cũng cần phải được xem xét lại. Nhà nước cần tập trung các nguồn lực để tạo ra môi trường kinh doanh hiệu quả, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, nhấn mạnh hiệu quả và năng suất thay vì chú trọng vấn đề sở hữu (nhà nước – tư nhân). Chính sách phải ủng hộ lực lượng doanh nghiệp có tâm huyết với đất nước, không nên phân biệt thành phần kinh tế.

Vậy cần ưu tiên những lĩnh vực gì? Về kinh tế vĩ mô, theo ông Cung, ưu tiên hàng đầu là cắt giảm ngân sách, nâng cao hiệu quả của đầu tư công, phát triển thị trường vốn lành mạnh, giải quyết các nút thắt cổ chai bằng cách nâng cao kỹ năng người lao động, nâng cấp hạ tầng và cải cách hành chính.

Ưu tiên, tập trung, nhưng vấn đề là tập trung vào ngành nghề nào, khu vực nào…? “Chúng tôi cũng chưa nghĩ ra”, ông Cung nói. Ví dụ, giáo dục cần chú ý đến chất lượng, phải có nghiên cứu kỹ những loại kỹ năng, ngành nghề sẽ giúp nền kinh tế phát triển trong tương lai… Nhưng bây giờ dự án, quy hoạch có hết rồi… nếu muốn bỏ hoặc điều chỉnh lớn lại thì đụng chạm đến quyền, lợi ích.

Hạ tầng hiện tại cũng chia thành quá nhiều dự án. Vì vậy, cần phải thiết lập cơ chế tập trung phát triển hạ tầng, xây dựng hệ thống minh bạch, thực hiện cho được những dự án ưu tiên (chọn dự án có hiệu quả cao), sử dụng phương pháp thị trường để huy động vốn. Phát triển hạ tầng theo yêu cầu phát triển của nền kinh tế, theo ông Cung.

Về đầu tư nước ngoài, lâu nay chúng ta tập trung vào việc huy động vốn, ít chú ý đến chất lượng, đặc biệt là công nghệ. Đóng góp của bộ phận đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua chủ yếu là tạo ra công ăn việc làm cho lao động phổ thông. Ông Cung cho rằng cần phải thay đổi cái nhìn về FDI. Cần khuyến khích những dự án FDI có công nghệ hiện đại và chuyển giao công nghệ; nói không với các công nghệ lạc hậu, ô nhiễm.

Khu công nghiệp cũng là một trong những điểm ngắm cần xem lại vì chúng ta mới chỉ tập trung vào việc lấp đầy và cạnh tranh giữa các tỉnh với nhau chứ chưa có một chiến lược rõ ràng về tổng thể – thiếu cơ chế phối hợp bổ sung cho nhau. Nhưng quan trọng nhất vẫn là thiết kế và thực thi chính sách hiện nay còn kém. Quy trình hoạch định chính sách hiện nay không ổn: thiếu số liệu, thiếu chuẩn, thiếu tiêu chí đánh giá… “Đã đến lúc xây dựng chính sách dựa trên kiểm soát rủi ro chứ không phải kiểm soát mọi thứ”, ông Cung nói.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, ông Cung kiến nghị thành lập Hội đồng Năng lực cạnh tranh quốc gia – cơ quan có quyền lực tập trung để xây dựng, triển khai chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới