Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm gì trong cơn suy thoái?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm gì trong cơn suy thoái?

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Làm gì để doanh nghiệp đứng vững trong thời kỳ kinh tế toàn cầu suy thoái là một câu hỏi khó có được lời giải chính xác. Nhằm đóng góp vào việc giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa của ngành dệt may giảm bớt phần nào những thiệt hại do suy thoái, chúng tôi tập hợp ý kiến của các chuyên gia về những giải pháp mà các doanh nghiệp cần chú ý.

Với công việc kinh doanh

Đây là lúc mà chúng ta cần đưa công việc kinh doanh vào một quỹ đạo chặt chẽ hơn và đặc biệt là cố gắng trở về nền tảng kinh doanh mà các nhà chuyên môn gọi là kinh doanh cốt lõi (core business).

Nhiều doanh nghiệp trong những năm 2006, 2007 đã ngày càng rời xa kinh doanh cốt lõi để nhảy vào các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tài chính… là những lĩnh vực hết sức xa lạ mà bản thân họ không hiểu biết và kém chuyên nghiệp.

Theo sự kiểm nghiệm của Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, các doanh nghiệp luôn bám theo kinh doanh cốt lõi đều đứng vững trong các thời kỳ khó khăn như Saigon 3, Garmex Saigon, Đại Việt… Còn những doanh nghiệp rời bỏ kinh doanh cốt lõi đều phải đối đầu với những khó khăn, thậm chí phải dừng hoạt động.

Với thị trường, khách hàng

Nhiều khách hàng của ngành dệt may đang do dự giữa những giải pháp:

– Giảm đều đơn hàng cho các nước cung ứng và các nhà sản xuất: giải pháp này sẽ không khả thi vì như vậy nhà nhập khẩu sẽ khó có khả năng kiểm soát về giá và chi phí, là điều mà họ không mong đợi.

– Cắt bỏ một số nước hoặc một số nhà cung cấp, đặc biệt là các nhà cung cấp có vấn đề: xem chừng đây là giải pháp khả thi hơn. Điều này có nghĩa là sẽ có một số nhà máy bị mất đơn hàng trong năm tới.

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, ở giai đoạn này việc mở ra thị trường mới sẽ tốn kém và rủi ro hơn nhiều so với việc tập trung chăm sóc cho thị trường và khách hàng hiện tại. Trước hết, cần hiểu rằng cuộc suy thoái đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và sẽ không chừa một ngóc ngách nào của thế giới. Do vậy, kỳ vọng mở ra thị trường mới nhằm thay thế, dù chỉ một phần thị trường cũ, ở thời kỳ suy thoái cần được xem xét một cách thật kỹ lưỡng kẻo tiền mất tật mang.

Đây cũng là dịp để doanh nghiệp cấu trúc lại khách hàng, thoạt nghe thì có vẻ lạ và thậm chí là vô lý vì hiện nay doanh nghiệp nào cũng cần có khách hàng, ai lại đi cấu trúc, sàng lọc khách hàng? Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phát triển khách hàng quá mức, nhận cả khách lớn, bé với mục tiêu là đa dạng hóa khách hàng mà không quan tâm đến việc chăm sóc.

Do vậy, cấu trúc không có nghĩa là chúng ta sẽ đi đến chỗ chỉ còn lại một vài khách hàng, cấu trúc đồng nghĩa với việc là số khách hàng mà doanh nghiệp chọn lọc lại phải phù hợp mục tiêu cao nhất là chăm sóc họ thật tốt. Đây là giai đoạn rất nhạy cảm, khách hàng rất dễ bỏ đi trong khi doanh nghiệp có quá nhiều khách hàng mà không chăm sóc đầy đủ, điều đó sẽ tệ hại hơn là doanh nghiệp có ít khách hàng nhưng chăm sóc thật tốt.

Với công tác nhân sự

Rất nhiều doanh nghiệp băn khoăn không biết có nên cho nhân viên của mình biết rõ tình hình sức khỏe của công ty ra sao không? Câu trả lời là nên và không nên.

Nên: Trước hết, doanh nghiệp cần công bố với nhân viên về tình trạng hiện tại của doanh nghiệp và những mối đe dọa từ cuộc suy thoái, điều này cần thiết để mỗi người có sự cảnh giác và cùng nỗ lực với doanh nghiệp để đối phó. Không gì tệ bằng khi doanh nghiệp lâm nguy mà cán bộ công nhân viên không hề biết gì cả, khi không nghe ông chủ nói gì chắc là mọi việc ổn cả và không cần nỗ lực.

Cần công bố luôn các gói giải pháp mà công ty sẽ thực hiện và phân công vai trò của từng thành viên công ty trong gói giải pháp đó. Đây là cách để nhân viên tham gia tích cực vào việc cứu công ty. Có một số công ty còn mạnh dạn tổ chức thảo luận trong đội ngũ cán bộ công nhân viên để đề ra giải pháp ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại.

Thậm chí, bạn có thể nhân cơ hội này đưa ra những giải pháp mà lúc bình thường khi đưa ra ai cũng ngại khó, ngại thiếu thời gian không thực hiện đến nơi đến chốn.

Không nên: không nên chỉ nêu khó khăn chung chung hoặc chỉ kêu rêu than khổ về những khó khăn đang gặp và càng không nên vẽ ra một viễn cảnh thật kinh khủng mà không có giải pháp nào cả.

Tóm lại, phải cho mọi người trong công ty nhận ra một điều là khó khăn thật nhưng không đồng nghĩa là bế tắc do không có giải pháp. Sẽ có một số nhân viên non yếu hoặc thiếu trung thành bỏ đi, điều này lại càng tốt cho bạn vì đó cũng là một cách sàng lọc mà bạn không phải tốn nhiều công sức.

Công việc ít lại, sự bận rộn giảm xuống lại là lúc bạn rà soát, tổng kết các thiếu sót của nhân viên trước đây và tổ chức huấn luyện lại giúp nâng cao chất lượng nhân sự. Khá nhiều công ty đang tập trung sức vào việc đào tạo lại nhân viên. Ta có thể so sánh hình ảnh các doanh nghiệp đang tổ chức rèn luyện lại cho nhân viên giống như hình ảnh các võ sĩ đang luyện tập trong thời kỳ đất nước bị giặc chiếm đóng để chờ thời cơ vùng lên chiến đấu. Chắc chắn là những doanh nghiệp biết rèn luyện quân trong giai đoạn này sẽ là doanh nghiệp có khả năng thắng đậm khi thời cơ trở lại.

Lưu ý vấn đề chất lượng

Chất lượng sẽ là cái cớ để khách hàng ngưng hợp tác với bạn. Trên thực tế, dù thiếu đơn hàng nhưng khách hàng sẽ khó đưa ra quyết định cắt giảm nhà cung ứng nào, vì thế, nếu bạn để chất lượng sản phẩm của bạn có vấn đề trong giai đoạn này, quả là một điều không thể tha thứ và đó là cái cớ để khách hàng chia tay với bạn. Hãy nói với nhân viên bạn điều này và cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng một cách nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.

Không những phải kiểm tra nghiêm ngặt mà bạn còn phải làm cho chất lượng sản phẩm tốt hơn trước, đó cũng là cách bạn tạo nên sự khác biệt lớn và chắc chắn là khách hàng không những không giảm đơn hàng mà họ sẽ dồn thêm hàng cho bạn sau khi đã cắt bỏ từ các nhà cung ứng khác. Trên thực tế, dù kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam sút giảm liên tục trong bốn tháng qua nhưng vẫn có không ít Doanh nghiệp may đã nhận đơn hàng kín đến tháng 6 sang năm, điều đó chắc chắn có sự góp sức lớn của khâu chăm sóc chất lượng.

Năng suất

Sẽ có ai đó ngạc nhiên cho rằng đang bị thiếu đơn hàng thì tăng năng suất làm gì, thậm chí nhiều doanh nghiệp nghĩ ra cách kéo dài thời gian sản xuất và hạ năng suất để công nhân không bỏ việc. Tuy nhiên, suy nghĩ này là khá bi quan và thụ động, nó làm cho chi phí tăng lên và công nhân của bạn dễ mất đi khí thế cũng như tinh thần làm việc.

Bài toán về năng suất phải là một trong các bài toán chủ lực hiện nay. Trước hết, nó giúp bạn giao hàng nhanh hơn, tránh tình trạng trễ hàng có thể dẫn đến việc hủy đơn hàng. Năng suất cao còn giúp bạn có thêm điều kiện để tăng tích lũy cho những lúc ngưng việc và còn giúp cho doanh nghiệp bạn có điều kiện giảm một phần giá bán nhằm tăng thêm đơn hàng.

Giải pháp tốt nhất là hãy áp dụng phương pháp sản xuất tinh gọn (lean manufacturing). Đây là một giải pháp cực kỳ hiệu quả, đặc biệt ở thời kỳ suy thoái khi mà tất cả doanh nghiệp đều cần cắt giảm lãng phí, giảm chi phí tồn kho… nói chung là giúp tăng thêm sức đề kháng cho doanh nghiệp.

Tiết kiệm tối đa

Có lẽ không cần phải nói thêm, doanh nghiệp nào cũng phải đề ra mục tiêu tiết kiệm trong thời buổi khó khăn. Nhưng vấn đề đặt ra là nhiều doanh nghiệp chỉ hô hào suông mà không có giải pháp kiểm tra, theo dõi, so sánh giữa các kỳ. Bên cạnh đó, sự nêu gương của tất cả các cấp lãnh đạo doanh nghiệp trong tiết kiệm là hết sức quan trọng.

Tóm lại, suy thoái là thách thức nhưng nó cũng là dịp tốt để rà soát lại chính mình. Hãy thực hiện ngay từ hôm nay!

DIỆP THÀNH KIỆT – Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới