Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm giá cổ phiếu đang trở lại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm giá cổ phiếu đang trở lại

Hải Lý

Các nhà đầu tư nhỏ lẽ thường bị thua lỗ khi chạy theo những cổ phiếu “nóng”. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) Hai tuần giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2011 lại thấy nổi lên một số cổ phiếu “nóng” tăng trần 10 phiên liên tục. Nếu đó là những doanh nghiệp làm ăn tốt, lợi nhuận cao nên giá cổ phiếu tăng, thì chẳng có gì đáng nói. Ở đây, những cổ phiếu “nóng” lại không phải là những công ty kinh doanh hiệu quả.

Thí dụ điển hình là cổ phiếu Công ty Cao su Sao Vàng (SRC-HOSE) đã tăng từ 16.000 lên 35.000 đồng từ cuối tháng 11-2010 đến nay. Chín tháng đầu năm ngoái SRC đạt 16,2 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ 162 tỉ đồng. Riêng quí 3, quí gần nhất, lợi nhuận của công ty giảm hơn 85% so với cùng kỳ do giá nguyên liệu đầu vào cao. Bất chấp lợi nhuận giảm, cổ phiếu SRC vẫn miệt mài leo dốc với tin đồn 6,2 héc ta đất của công ty sẽ được chuyển đổi chức năng sang triển khai dự án bất động sản.

Đáng chú ý là sau một thời gian tăng “nóng”, cổ phiếu SRC bắt đầu hạ nhiệt, thì lại thấy một công ty chứng khoán trong một bản tin hàng ngày gửi cho khách hàng, khẳng định tin đồn dự án bất động sản của SRC là có cơ sở. Không biết có phải vì sự khẳng định này không, mà cổ phiếu SRC lại tăng tiếp.

Sau SRC, xuất hiện một tin đồn tương tự với cổ phiếu của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (RAL-HOSE), kiểu RAL cũng có 6 héc ta đất nằm cạnh khu đô thị Royal City của Vincom và có thể được chuyển nhượng. Khác với trường hợp của SRC, cũng trong bản tin hàng ngày công ty chứng khoán nọ nhận định tin đồn với RAL không chính xác vì họ đã liên hệ với đại diện của RAL và người đại diện cho biết thực sự không như vậy. Song, giá của RAL vẫn tăng trần, dư mua hàng trăm ngàn đơn vị và khối lượng khớp lệnh chỉ có mươi, mười lăm ngàn/ngày.

Nhà đầu tư khó biết tin đồn xuất phát từ đâu, nhưng họ nhìn thấy ngay bóng dáng của “đội lái” đứng sau những cổ phiếu “nóng”. Sau khoảng hai tháng tạm lắng do ảnh hưởng của những động thái mạnh của cơ quan quản lý xử lý các trường hợp làm giá cổ phiếu như ở Công ty Dược Viễn Đông và một số đơn vị khác, sự trở lại của hiện tượng làm giá lại khiến niềm tin vào việc cải thiện tính minh bạch và trong sạch của thị trường chùng xuống.

Có ý kiến cho rằng vào lúc thị trường trầm lắng, thanh khoản tụt giảm nghiêm trọng, sự trở lại của cổ phiếu “nóng” đã lôi kéo được dòng tiền đầu cơ, ít nhất là giúp nhà đầu tư không quay lưng với thị trường. Bên cạnh đó, sự làm giá một số cổ phiếu vừa và nhỏ của khối nội được xem như đối trọng với sự làm giá một số cổ phiếu trụ của khối ngoại để vẽ lại VN-Index.

Minh họa cho ý kiến trên là dẫn chứng sự tăng giá từ 28.000-29.000 đồng lên 58.500 đồng/cổ phiếu của VPL trong vòng một tháng. Tuy nhiên số liệu thống kê của HOSE lại không ủng hộ cho một minh chứng như vậy, vì trong thời gian đó giá trị mua bán cổ phiếu VPL của khối ngoại rất ít, nhiều ngày họ không giao dịch và trong danh mục của các quỹ đầu tư chỉ số nước ngoài cũng không có tên VPL. Phân biệt cho rõ thì nhà đầu tư nội là nhân tố chủ yếu đã đẩy giá VPL, còn khối ngoại chỉ “ăn theo”.

David Kadarauch, Trưởng bộ phận Phân tích – Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Mê Kông, cũng bênh vực cho lập luận làm giá, nhưng không phải với một số cổ phiếu “nóng” nhỏ và vừa mà là những cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC hay BVH. Ông nói: “Làm giá là một phần của cuộc chơi, nhưng nó không xảy ra mãi mãi được, sự thật cuối cùng vẫn còn đó. Ngoài ra còn những yếu tố khác liên quan đến cung cầu kỹ thuật như việc mua bán của các chứng chỉ quỹ nước ngoài. Yếu tố kỹ thuật cũng là một phần của cuộc chơi và có thể còn kéo dài”.

May mắn là không chỉ có một chiều ý kiến như trên.

Những cuộc phỏng vấn của TBKTSG với một số nhà đầu tư, nhà quan sát, quản lý hay điều hành ngân hàng, quản lý quỹ trong và ngoài nước lại chỉ ra một quan điểm ngược lại. Việc làm giá của các đội lái dưới nhiều hình thức khác nhau nếu tới đây trở lại phổ biến như đã từng xảy ra hồi đầu và giữa năm ngoái, sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Phần lớn các nhà đầu tư Việt Nam là ngắn hạn và không có nguồn tin đáng tin cậy từ nội bộ công ty, nên việc chạy theo cổ phiếu “nóng” và tin đồn thường có xu hướng lỗ nhiều hơn lãi. Điều này đến lượt nó sẽ làm nguội hay dập tắt ý định tham gia thị trường của những nhà đầu tư chân chính, lâu dài. Điều đáng ngại là mối quan tâm đến chứng khoán sẽ dần thu hẹp, khi ấy nền tảng để phát triển chứng khoán sẽ dựa vào đâu?

Điều cần thiết bây giờ có lẽ là sự nhập cuộc của chính doanh nghiệp để xóa bỏ tin đồn – cái cần câu của “đội lái” – không phải chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng hay an ninh kinh tế. Hãy xem bản giải trình cổ phiếu tăng trần 10 phiên liên tiếp của SRC gửi HOSE ngày 6-12-2010. “Chúng tôi cam đoan không công bố bất cứ thông tin nào khác tác động đến việc mua bán cổ phiếu của các nhà đầu tư” – bản giải trình viết sau khi liệt kê các thông tin đã công bố trước đó liên quan đến sáp nhập các xí nghiệp trực thuộc, báo cáo tài chính quí 3-2010 kèm theo giải trình biến động kết quả kinh doanh giảm mạnh.

Có thật lãnh đạo SRC không biết tin đồn liên quan đến khu đất 6,2 héc ta? Sau giải trình của SRC giá cổ phiếu này tăng thêm 1,5 tháng nữa. Khó có chuyện ban điều hành, hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết nào thờ ơ khi giá cổ phiếu của mình tăng hơn 100% chỉ trong thời gian ngắn mà hiệu quả kinh doanh lại đang giảm sút. Đơn giản là giá cổ phiếu tăng trong khi lợi nhuận không tăng gây áp lực lên ban điều hành.

Chống lại nguy cơ làm giá, thao túng cổ phiếu phải nên bắt đầu từ chính doanh nghiệp!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới