Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm giàu từ ếch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm giàu từ ếch

Cặp ếch giống bố mẹ trên 2 năm tuổi của ông Khoa. Ảnh: Hoàng Vũ

(TBKTSG Online) – Thịt ếch bán được giá vì nó dễ chế biến các món ăn ngon, dinh dưỡng cao nên rất được ưa chuộng ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Hơn thế nữa, ếch ăn côn trùng, sâu bọ nên có lợi cho nhà nông. Nuôi ếch lại ít tốn chi phí, nhẹ công chăm sóc mà đem lại nguồn thu nhập hộ gia đình rất cao.  

Ông Nguyễn Thế Khoa ngụ tại ấp Tân Quới, xã Tân Hòa, thị xã Vĩnh Long, là chủ trại nuôi ếch trên diện tích gần 2.000 m2. Ông Khoa kể: “Cách đây sáu năm, một người cháu ông lên mạng và tình cờ biết chuyện ở bên Thái Lan có những trang trại nuôi ếch rất hiệu quả. Từ thông tin đó, năm 2003 tôi đã nhờ một người bạn có chuyến đi du lịch sang Thái Lan mua 5.000 con ếch giống và nhờ chủ trang trại bên đó chỉ cách nuôi”.

Có ếch giống, ông bắt tay vào xây chuồng nuôi và khoảng một năm sau đã thu hoạch đợt đầu tiên với kết quả… bị lỗ đứt gần 5 triệu đồng. Nguyên nhân do ếch Thái chưa quen với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên bị chết nhiều và số con sống thì không đạt trọng lượng như mong muốn. Thất bại này không làm ông nản chí mà tiếp tục đầu tư vì tin rằng con ếch sẽ đem lại thu nhập rất cao và ít bị rủi ro so với nuôi cá như trước đây.

Tuy ếch Thái lớn con nhưng da sần sùi hơn ếch của nước ta, không có bông, màu sắc (màu vàng, xám, đen) không hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Tại xã Tân Hòa cũng không ít hộ từng nuôi ếch Thái nhưng đều lỗ vốn và chuyển sang trồng cây ăn trái, nuôi loại cá tạp khác. Nhưng ông Khoa không bỏ cuộc mà tìm cách để nâng cao kỹ thuật nuôi ếch.

Ông sang các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang… để học hỏi kinh nghiệm và kết hợp với sự hiểu biết về đặc điểm sinh thái của ĐBSCL, ông Khoa dần dần hiểu ra nhiều điều sau nhiều lần nuôi thử nghiệm. Ông đã cho lai ếch Thái với ếch đồng, kết quả ban đầu thu được rất khả quan. Ếch lai mới này rất mau lớn, sức kháng bệnh rất cao, trên da có bông gần giống với ếch đồng.

Từ chuồng ếch lai đầu tiên có 4.000 con, đến nay ông đã có trong tay 5 chuồng nuôi ếch, mỗi chuồng rộng 3×5 mét. Hiện nay, ngoài ếch thương phẩm (ếch thịt) ông còn cung cấp con giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Khoa cho biết, để nuôi ếch có hiệu quả phải tính toán kỹ lưỡng ở tất cả các khâu như việc chọn con giống thả nuôi, bể nuôi, nguồn nước, thức ăn và chăm sóc. Đối với ếch thương phẩm, mật độ nuôi là 70 con/mét vuông. Còn với con giống thì 700 con/mét vuông.

Ếch 3 – 4 tháng tuổi đạt trọng lượng từ 4 – 5 con/kg. Ảnh: Hoàng Vũ

Nuôi ếch không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi ngày chỉ trông coi việc thay nguồn nước và cho ếch ăn 4 lần. Sau 2 đến 3 tháng là có thể đem bán; trung bình từ 4 – 5 con là được 1ki lô gam.              

Giá một ki lô gam ếch thịt thương phẩm trên thị trường hiện nay dao động từ 25.000 – 30.000 đồng; con giống bán từ 800 – 1.500 đồng/con tùy theo thời điểm. Mỗi năm ông bán khoảng 100.000 con ếch thịt và khoảng 1 triệu con giống; trừ tất cả các chi phí ông thu được lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm.

Ếch từ trại ông Khoa được cung cấp khắp nơi không những ở ĐBSCL mà còn ở nhiều quán ăn tại TPHCM. Khi chúng tôi đến nhà ông, có nhiều khách từ khắp các tỉnh đến mua con giống và nhờ ông chuyển giao kỹ thuật nuôi.

Theo ông Khoa, ếch được giá nhất vào những tháng cuối năm và ra Giêng nên bây giờ nhiều người đổ xô về trang trại của ông để mua con giống, để sau Tết bán là vừa. Nhờ siêng năng, không ngừng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nên hiện nay đời sống của gia đình ông Khoa trở nên khá giả.

Lượng cung của ếch thịt còn rất thấp so với nhu cầu tiêu thụ ở thị trường trong nước chứ chưa nói đến thị trường nước ngoài, vì từ trước đây tới giờ hầu như phụ thuộc vào lượng ếch hoang dã.

Cho tới năm 2000 mới có một số quốc gia trên thế giới phổ biến mô hình nuôi ếch thương phẩm như Nhật, Úc, Ấn Độ, Thái Lan… Riêng ở Việt Nam chỉ mới nhen nhóm phong trào nuôi ếch thịt ở một vài tỉnh trong hai năm gần đây. Tại nhiều nước trên thế giới, thịt ếch dùng chế biến pa-tê đóng hộp; da ếch làm găng tay, ví da, thắt lưng; mỡ ếch bào chế thuốc; các sản phẩm thừa khi mổ ếch dùng làm phân bón.

LÊ HOÀNG VŨ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới