Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát chưa đến mức phải xử lý ngay

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lạm phát chưa đến mức phải xử lý ngay

Ngọc Lan

Ông Nguyễn Tiến Thỏa. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Trước tình hình tăng giá liên tục của thị trường hàng hóa sau tết và các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, than cũng bắt đầu vào “bệ phóng” mới khiến cho CPI của Hà Nội, TPHCM vọt lên nhiều so với những tháng trước, các ý kiến lo ngại đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước là việc khống chế và kiểm soát tình hình lạm phát đến đâu trong thời điểm nhạy cảm này?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính về vấn đề này.

TBKTSG Online: Xăng vừa tăng giá rồi tiếp theo sẽ là điện, than, nước sạch. Các cơ quan quản lý giá suy nghĩ thế nào để chấp thuận thời điểm tăng giá nhiều mặt hàng và liệu việc chấp thuận đó có phù hợp với tình hình không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Hiện nay, giá xăng A92 đã tăng thêm 590 đồng/lít. Tôi cho rằng đây là một cố gắng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc giữ bình ổn giá xăng được 38 ngày, kể từ thời điểm tăng giá gần nhất trong tháng 1 đến hôm 21-2 vừa qua. Giá xăng thế giới đã tăng từ lâu nhưng các doanh nghiệp cố gắng bình ổn không tăng giá vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, trong khi theo quy định giá vốn chỉ tăng thêm 7% thì các doanh nghiệp xăng dầu chỉ cần giữ bình ổn giá sau 10 ngày là được phép điều chỉnh.

Việc tăng giá xăng và sắp tới là giá điện chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng, sức ép đến doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính toán với những đối tượng nghèo thì nhà nước vẫn còn những hỗ trợ về giá điện ban đầu. Còn giá xăng thì những người dân đi xe máy đến sở làm thông thường (không tính những đối tượng di chuyển nhiều hơn) cũng chỉ tăng thêm 5.000 đồng đến 7.000 đồng/tháng.

Việc điều chỉnh giá cả một số mặt hàng theo thị trường ngay từ đầu năm có thể người dân chưa quen, cũng như giá xăng lên xuống trước kia có người ủng hộ, có người băn khoăn. Tất cả những phản ứng đó là tất yếu. Nhưng ở một góc độ khác, nó cũng tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp chủ động cân nhắc, tính toán, điều chỉnh các kế hoạch chi tiêu, kinh doanh của mình ngay từ đầu năm, tức là mọi sự chuẩn bị được sớm hơn.     

Giá xăng tăng, giá điện dự kiến sẽ tăng 6,8% kể từ đầu tháng 3 tới. Cục Quản lý giá đã tính toán việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu đầu vào cộng với các yếu tố tăng giá theo mùa vụ sẽ tác động đến lạm phát tháng tới ra sao?

– Chúng tôi dự kiến CPI tháng này tăng khoảng 2% (Tổng cục Thống kê công bố lạm phát tháng 2 là 1,96% – NV) cũng là tăng giá theo quy luật. Tăng giá xăng làm CPI tăng thêm 0,01%. Điện nếu tăng thêm 6,8% sẽ khiến lạm phát cộng thêm 0,16% ở vòng tác động thứ nhất, vòng tác động thứ hai sẽ khiến CPI tăng thêm gấp đôi (khoảng 0,3%). Các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện sẽ bị tác động tăng giá thành từ 0,09% đến 2,28%.

Những ảnh hưởng này chắc chắn là xảy ra đối với đời sống và sản xuất kinh doanh nhưng chúng tôi đã tính toán được và cho rằng, sức mua của thị trường chỉ có thể còn cao sau ngày rằm tháng Giêng rồi sẽ ổn định trở lại. Các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh sau kỳ nghỉ lễ khiến cung và cầu cân bằng hơn thì lạm phát sẽ ổn định hơn. Kể cả việc tăng giá đến đâu thì còn phụ thuộc vào sức mua của thị trường nữa, chứ không chỉ xuất phát từ căn cứ tăng giá đầu vào sản xuất. Tất nhiên phải cố gắng dùng các biện pháp thanh tra, kiểm tra chuyện “té nước theo mưa”, lợi dụng chuyện tăng giá đầu vào để tăng giá bất hợp lý. Tôi dự đoán lạm phát tháng 3 sẽ giảm, tức là chỉ tăng khoảng 1%.     

Thưa ông, lạm phát tháng 1 ở mức 1,36%, tháng 2 gần 2% và tháng 3 theo dự tính của ông sẽ tăng khoảng 1%. Như vậy, cộng dồn lạm phát quý 1 sẽ gần 5%. Điều này sẽ khó làm cho mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 là 7% có thể thành hiện thực?

– Quý 1 hàng năm CPI thường tăng cao vì sức mua có khả năng thanh toán tăng cao. Hai quý sau đó thì mặt bằng giá ổn định và giảm, cuối năm lại nhích dần lên. Khi đưa mục tiêu chỉ số giá năm 2010 để thực hiện, chúng tôi tính toán là CPI quý 1 sẽ tăng hơn 3%, đó là tính cả tăng giá điện, than và xăng dầu. Nếu lạm phát tăng đến mức gần 4% ngay từ quý đầu năm thì phải phấn đấu quyết liệt mới đạt được mục tiêu là 7%.

Diễn biến lạm phát hiện nay dù đã tăng cao nhưng chưa đến mức phải xử lý ngay. Chúng tôi sẽ chờ đến thời điểm hết quý 1 và sẽ có những tham vấn phù hợp hơn vì còn phải căn cứ vào giá thế giới tăng giảm đến đâu, thiên tai, dịch bệnh nói chung có thể ảnh hưởng thế nào…

Đó là quan điểm của ông. Nhưng người dân và doanh nghiệp cho rằng nhiều điều chỉnh giá cả đến nhanh, dồn dập quá thì dù muốn, dù không cũng khiến họ bị động và ảnh hưởng từ lạm phát kéo theo các chỉ số kinh tế vĩ mô khác bị ảnh hưởng lớn là điều khó tránh khỏi.

– Mặt khác của việc tăng giá là gây sức ép để các doanh nghiệp linh hoạt ứng phó với tình hình, chủ động trong chiến lược kinh doanh, làm sao để giảm chi phí, hạ giá thành và cạnh tranh quyết liệt hơn, minh bạch hơn trong tính toán chi phí đầu vào sản xuất. Các tác động khác đến kinh tế vĩ mô vẫn được theo sát và cho đến nay lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiếu khấu, tái cấp vốn vẫn được giữ ổn định, chưa phải xử lý ngay.

Năm ngoái, việc đưa giá điện, xăng dầu dần ra cơ chế thị trường và việc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng khiến có nhiều ý kiến lo ngại. Nhưng năm 2009 lạm phát vẫn được kiểm soát tốt. Đó là bài học kinh nghiệm về việc ứng xử theo cơ chế thị trường ở các mặt hàng khác nhau. Giá điện tăng theo lộ trình thì giá than cũng tăng, xăng dầu cũng theo giá thế giới. Nhưng việc hỗ trợ người nghèo vẫn được Nhà nước tính toán. Cụ thể, tuy tăng giá điện nhưng ở 50kWh đầu tiên thì giá không đổi để hạn chế ảnh hưởng đến đông đảo người dân sử dụng điện ở mức thấp.

Nói tóm lại, với việc kiểm soát lạm phát năm nay chúng tôi sẽ chủ động, linh hoạt trước diễn biến tình hình.

Xin cảm ơn ông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới