Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát có nguy cơ tăng trở lại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lạm phát có nguy cơ tăng trở lại

Minh Đức

Lạm phát có nguy cơ tăng trở lại
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo trước quốc hội ngày 22-10. Ảnh: VGP

(TBKTSG Online) – Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận, kinh tế vĩ mô vẫn chưa vững chắc, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại, nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn.

5 chỉ tiêu không đạt

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sáng 22.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013.

Thủ tướng nêu rõ, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2012 đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch. Lạm phát bước đầu được kiềm chế, giá tiêu dùng 9 tháng tăng 5,13%. Trong những tháng cuối năm sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức lạm phát cả năm khoảng 8%.

Xuất khẩu tăng 18,9%, đạt 83,79 tỉ đô la, nhập khẩu tăng 6,6%, đạt 83,76 tỉ đô la. Ước xuất khẩu cả năm tăng 16,6%, nhập khẩu tăng 6,8%, nhập siêu khoảng 1 tỉ đô la, bằng 0,9% kim ngạch xuất khẩu. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt trên 11 tuần nhập khẩu; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư trên 8 tỉ đô la.

Thủ tướng thừa nhận, tình hình kinh tế vĩ mô chưa vững chắc. Lạm phát vẫn có nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn. Lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay; chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn lớn. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận được nguồn vốn, tồn kho lớn. Số lượng doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động còn nhiều. Thị trường bất động sản đình trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước. Tái cơ cấu tập đoàn Vinashin còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Tiến trình tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, ngân hàng còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng cho biết, trong 15 chỉ tiêu của Quốc hội, vẫn còn 5 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ che phủ rừng). “Thách thức còn ở phía trước”, Thủ tướng nêu rõ.

Nguy cơ lạm phát cao tiềm ẩn

Một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, một số số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp.

Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế phân tích trong báo cáo chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật những nguyên nhân chủ quan từ điều hành. Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị cần phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn một số vấn đề như: nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ nền kinh tế; Thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn; Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao, nhưng việc thực hiện trên thực tế đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét.

Nhiều ý kiến trong ủy ban cũng nhận định, việc lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, thể hiện qua chỉ số CPI tăng thấp tháng 3 (0,16%), tháng 4 (0,05%) và tháng 5 (0,18%), giảm trong tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%), cùng với việc nhập siêu giảm mạnh liên tục và xuất siêu trong 9 tháng đầu năm cho thấy thực trạng đáng lo ngại về năng lực hấp thụ đầu vào và tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh; hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng hóa tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng chỉ đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây; khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội .

Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu nhưng kinh tế vĩ mô chưa định hình các yếu tố bền vững. Nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn; cán cân thương mại có sự cải thiện đáng kể nhưng chủ yếu do nhập khẩu giảm xuất phát từ sự khó khăn của khu vực sản xuất. Sự phối hợp trong quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý tại một số thời điểm đã tác động không tốt đến niềm tin và tâm lý thị trường, tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống, nhất là tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng tăng đột biến do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, phí dịch vụ, y tế, giáo dục.

Cơ chế quản lý thị trường vàng, kinh doanh vàng miếng chưa mang lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới.

Thủ tướng nhận trách nhiệm

Trong báo cáo đọc trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ mong nhận được sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và nhân dân.

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013

– Các chỉ tiêu kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

– Các chỉ tiêu xã hội: Giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, 4% đối với các huyện nghèo. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%. Đạt 22 giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới